Nga-Ấn bắt tay: Bước ngoặt trong cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á

VietTimes -- Các khí tài, trang thiết bị quân sự cũ kỹ vốn đã có từ thời Xô viết của Ấn Độ sẽ sớm được thay thế nhờ vào các nguồn linh kiện mới, tuy nhiên nguồn này không phải nhập từ nước ngoài mà được sản xuất ngay trong nước.
Nhiều nước trong khu vực châu Á tìm cách tiếp nhận công nghệ vũ khí nước ngoài và tự sản xuất vũ khí trong nước (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Nhiều nước trong khu vực châu Á tìm cách tiếp nhận công nghệ vũ khí nước ngoài và tự sản xuất vũ khí trong nước (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Vào ngày 5/9 tại Vladivostok, Ấn Độ và Nga đã hoàn tất các vòng đàm phán dài ngày về một chuỗi sản xuất linh kiện thay thế đặt tại Ấn Độ. Dù chỉ có ít chi tiết được công bố, nhưng một số nguồn tin hiểu biết vòng đàm phán nói rằng, các phi cơ chiến đấu như MiG-27 và MiG-29 là tâm điểm của thỏa thuận mới giữa hai nước.

"Thỏa thuận ký kết ngày hôm nay sẽ giúp tạo nên nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác quốc phòng của chúng tôi, trong đó hai bên sẽ cùng sản xuất, vượt qua ranh giới bên mua-bên bán" - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói sau cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế phía Đông tổ chức tại thành phố cảng Vladivostok.

"Linh kiện thay thế luôn là một vấn đề hóc búa trong quan hệ hai nước, giờ đã được giải quyết" - ông Pankaj Jha, cựu Phó Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và hiện là giảng viên ĐH O.P. Jindal Global, cho hay - "Ấn Độ từng công khai nói rằng họ không thể cứ mãi phải đi mua bộ phận thay thế từ Moscow, nhưng sẽ mua vũ khí Nga nhiều hơn nếu như các bộ phận thay thế được sản xuất trong nước".

Đương nhiên Ấn Độ không phải nước duy nhất áp dụng chiến lược này. Những năm gần đây, nhiều chính phủ các nước châu Á cũng mạnh tay chi thêm tiền nhập khẩu vũ khí, nhưng giờ họ bắt đầu tìm cách tận dụng ưu thế của bên mua để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí trong nước - nhằm ngăn chặn "chảy máu" dòng vốn và tự do hơn trong việc triển khai các loại vũ khí.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của châu Á đã vượt qua châu Âu từ năm 2009 và giờ đang đuổi sát khu vực Bắc Mỹ. Trung Quốc là một nhân tố đóng góp to lớn trong đó, dù nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Ấn Độ là một ví dụ. Họ đã trở thành nước đứng thứ 4 trên thế giới về chi tiêu quốc phòng trong năm 2018, lên tới 66 tỷ USD. Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Arab Saudi.

Hiện tại, các nước châu Á đang tìm cách biến những thương vụ mua bán này thành các thỏa thuận chuyển giao công nghệ và đầu tư từ nước cung cấp. Cũng giống như Ấn Độ sẽ mua được công nghệ phi cơ chiến đấu từ Nga, Malaysia đang tìm cách mua công nghệ vũ khí của Trung Quốc.

Boustead Naval Shipyard, một công ty đóng tàu của Malaysia, "sẽ tiếp nhận công nghệ của Trung Quốc thông qua quá trình đào tạo và bảo dưỡng các tàu duyên hải" - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu nói với hãng Nikkei Asian Review mới đây.

Hải quân Malaysia hiện đang trong quá trình tiếp nhận 4 tàu tuần tiễu từ Trung Quốc, 2 trong số này đã được chuyển giao, và 2 chiếc còn lại sẽ cập cảng "vào tháng 5 và tháng 8/2021" - theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia. Dù không nêu khung thời gian cho việc chuyển giao công nghệ, nhưng ông Sabu nói rằng Trung Quốc "đang tăng tốc trong ngành công nghiệp quốc phòng" và Malaysia "nên đón đầu cơ hội này để tăng cường hợp tác, từ đó tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng trong nước".

Mẫu chiến đấu cơ MiG-27 do Nga chế tạo (Ảnh: Getty)
Mẫu chiến đấu cơ MiG-27 do Nga chế tạo (Ảnh: Getty)

Mỗi nước trong khu vực Đông Nam Á lại có chiến thuật riêng của họ trong việc tiếp nhận công nghệ vũ khí nước ngoài. Trong lúc Malaysia áp dụng hướng tiếp cận kiểu từng thương vụ một, thì Indonesia lại có chính sách chặt chẽ và mạnh mẽ hơn. Một quy định có tên "Điều luật 16" của nước này yêu cầu các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài phải chuyển giao công nghệ với giá trị chiếm ít nhất 85% tổng giá trị thương vụ. Các nhà cung cấp này có thể bắt đầu với mức 35%, nhưng sau đó phải tăng 10% sau mỗi 5 năm cho đến khi đạt đủ 85%.

Trong khi đó, Thái Lan lại có kế hoạch phát triển các đặc khu kinh tế dành riêng cho công nghiệp quốc phòng, với các nguồn đầu tư hỗn hợp cả từ trong và ngoài nước. Chính quyền Bangkok đến nay vẫn chưa công khai vị trí của các đặc khu này, hay kiểu công nghệ nào mà họ định tiếp nhận, nhưng kế hoạch trên cho thấy Vương quốc này muốn tự sản xuất vũ khí ngay trên lãnh thổ của họ.

"Chúng tôi chi khoảng 10 - 12 tỷ USD mỗi năm cho việc nhập khẩu vũ khí" - Laxman Kumar Behera, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, trụ sở New Delhi (Ấn Độ), nói - "Không ai có thể bỏ qua thị trường này. Ấn Độ có quyền được sử dụng quyền lực của bên mua".

Ngược lại, các nước Đông Nam Á lại không được thuận lợi như vậy. Dù 10 nước thành viên của ASEAN có thỏa thuận hợp tác về quốc phòng và trong những năm gần đây có tổng giá trị nhập khẩu vũ khí cao hơn cả Ấn Độ, thế nhưng khả năng đàm phán như một khối thống nhất lại hạn chế - theo Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên, bối cảnh đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có thể mở ra nhiều cánh cửa.

"Chúng ta có thể tận dụng tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc" - Teuku Rezasyah, giảng viên kiêm chuyên gia quốc phòng tại ĐH Padjadjaran của Indonesia, nhận định và thêm rằng các hãng vũ khí lớn của thế giới sẽ tìm cách tiếp cận thị trường châu Á để cung cấp công nghệ nhằm đổi lấy mối quan hệ gần gũi hơn.

Súng trường AK-203 Kalashnikov sẽ được sản xuất tại miền Bắc Ấn Độ (Ảnh: ET)
Súng trường AK-203 Kalashnikov sẽ được sản xuất tại miền Bắc Ấn Độ (Ảnh: ET)

Theo ông Rezasyah, bối cảnh hiện nay khá giống như bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô những năm 1950 - 1960. Ông nói Tổng thống đầu tiên của Indoneisa, Sukarno, lúc bấy giờ đã đảm bảo được nguồn viện trợ từ Liên Xô, và kết quả là "Indonesia trở thành quốc gia có lực lượng vũ trang mạnh nhất trong khu vực châu Á thời điểm bấy giờ".

Tuy nhiên, cuộc chạy đua vũ trang - bắt nguồn do tình trạng bất ổn địa chính và các tranh chấp trong khu vực - đôi lúc lại dẫn tới nhiều thỏa thuận không đâu. Đôi lúc, việc chuyển giao công nghệ vũ khí còn khiến các hệ thống vũ khí của nước được chuyển giao bị phơi bày nhiều yếu điểm.

Ngoài thỏa thuận mới liên quan tới linh kiện thay thế, Ấn Độ còn thành lập một công ty liên doanh với Nga hồi tháng 3 năm nay để sản xuất súng trường AK-203 Kalashnikov ở miền Bắc Ấn Độ. Một số nhà phê bình cho rằng thỏa thuận này "cho thất sự thất bại của mẫu súng trường INSAS mà Ấn Độ phát triển". Nga đã giúp Ấn Độ giữ thể diện sau thất bại đó bằng cách thúc đẩy dự án AK-203, như một phần trong chiến dịch "Make in India" mà Thủ tướng Modi phát động với mục tiêu mở rộng khu vực sản xuất trong nước và tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, thỏa thuận Nga-Ấn vẫn được xem là một bước tiến lớn đối với phát triển quốc phòng của Ấn Độ. Và dường như cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đã đến điểm bước ngoặt, khi mà các nước đang nổi cùng các nhà cung cấp vũ khí cho họ giờ đã vượt trên cả mối quan hệ người bán-kẻ mua, như trường hợp của Ấn Độ với Nga.

Xu hướng này tạo ra những cơ hội mới giúp các nước trong khu vực đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị - nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro xảy ra xung đột.

Theo Nikkei Asian Review