Ngày 24/2, sau khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014, theo tờ The New York Times.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn thị trường ở Mỹ và châu Âu do lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn.
Sàn giao dịch chứng khoán của Moscow tạm dừng giao dịch và đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền chính.
Khủng hoảng Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ ngày 24-2. Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã ra lệnh bắt đầu "hoạt động quân sự đặc biệt" và chính phủ Ukraine xác nhận rằng một số thành phố đang bị tấn công. Các cuộc tấn công mạng cũng đánh sập hệ thống mạng nhiều cơ quan tổ chức chính phủ Ukraine.
Một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine có thể có những ảnh hưởng rộng rãi đối với hàng hóa, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, lúa mì và kim loại. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng, các khu vực ở Trung Đông và châu Phi nhận phần lớn lúa mì của họ từ Nga và Ukraine.
Ngay cả khi các chuỗi cung ứng vẫn còn nguyên vẹn và xuất khẩu của Nga không bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt, vẫn có những lo ngại rằng ông Putin có thể cắt giảm nguồn cung. Rất ít hàng hóa xuất khẩu của Nga trực tiếp đến Mỹ, nhưng sự gián đoạn ở bất kỳ đâu có thể làm tăng giá, kéo dài lạm phát vốn đã kéo dài hơn so với dự đoán của các quan chức Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ đang chuẩn bị tăng lãi suất, nhằm làm chậm lạm phát bằng cách giảm chi tiêu, tạo điều kiện để cung bắt kịp cầu.
Theo PLO