Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, tướng Philip M. Breedlove nói Mỹ đã “ôm ấp gấu Nga” quá lâu sau khi Liên Xô sụp đổ trong nỗ lực phối hợp với Moscow. Breedlove đã phát biểu như vậy trong cuộc gặp gần đây với tân Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford tại tổng hành dinh bộ chỉ huy Mỹ-Âu ở Stuttgart (Đức).
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi lên, Nga đã ngầm bác bỏ sự hợp tác với Mỹ. Breedlove cho rằng, Nga trở nên không khoan nhượng trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria và hậu thuẫn dân quân ly khai tại khu vực Donbass ở Ukraine.
“Điều tôi muốn nói là nếu như bạn nhìn vào những hành động của Nga dường như trở lại cuộc chiến tại Georgia 2008, tại Nagorno-Karabakh, tại Crimea, tại Donbass và hiện nay tại Syria. Chúng ta thấy Nga đã dùng sức mạnh trên bàn đàm phán như một công cụ sức mạnh quốc gia để đạt các mục tiêu của họ”, tướng Breedlove nói với báo chí.
Theo tướng Breedlove, trong khi ông Putin ngày càng quyết đoán hơn ở nước ngoài thì các lực lượng Mỹ tại châu Âu đã bị suy yếu. Tờ New York Times cho biết Mỹ đã cắt giảm 35% lực lượng thường trực tại châu Âu từ năm 2012, cũng như triệt thoái bớt phương tiện, vũ khí.
“Qua thời gian, chúng ta đã thay đổi cấu trúc lực lượng, chúng ta thay đổi phân bố tình báo, trinh sát, giám sát, phân tích và chúng ta giảm quy mô các lực lượng trên khắp châu Âu”, ông Breedlove nói.
Tư lệnh Mỹ cho biết Mỹ đang tăng cường hiện diện trở lại châu Âu. Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai một đơn vị cấp lữ đoàn với 200 xe tăng M1 Abram, xe cộ và vũ khí. Tuy nhiên, lực lượng này chắc chắn không đủ đề đối phó với Nga. Mỹ hiện duy trì lực lượng khoảng 30.000 quân tại châu Âu so với 300.000 lúc cao trào thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí quân Mỹ hiện nay còn phải thường xuyên mượn trang thiết bị của các đồng minh như trực thăng của Anh.
Tướng Breedlove cho biết, tất cả quân đội Mỹ tại châu Âu hiện phải huấn luyện theo tình huống của điều khoản 5, theo đó khi một nước thành viên NATO bị tấn công sẽ bị coi là nguy cơ đối với tất cả các thành viên. Việc kế hoạch cho một kịch bản như vậy đã được bắt đầu trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào đầu năm 2014.
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga, NATO và Mỹ được xác định là những mối đe dọa. Viện nghiên cứu chiến tranh phân tích rằng tuyên bố trên là một phần trong cuộc chiến tranh thông tin của Kremlin.
Tuy nhiên Nga chưa hề tấn công trực tiếp một thành viên NATO, mà theo Washington Free Beacon, Moscow tiếp tục tăng cường sức ép với NATO và các đồng minh phương Tây với nhiều biện pháp. Tin tặc Nga bị tình nghi đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Ukraine mới đây khieens hàng chục ngàn người không có điện dùng. Và Kremlin đã mở rộng trừng phạt nhằm vào thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara bắn hạ một máy bay Nga bị cáo buộc vi phạm không phận hồi tháng 11/2015.
Thêm nữa, giới phân tích cho rằng thỏa thuận mới của Nga với Armenia về việc thiết lập một hệ thống phòng không chung uy hiếp các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia. Georgia đã tìm cách siết chặt quan hệ gần gũi với phương Tây bằng cách mở một trung tâm huấn luyện của NATO và tiến hành các cuộc tập trận với Mỹ.
“Sự tăng cường hiện diện quân sự sẽ thúc đẩy Nga cạnh tranh trực tiếp với những tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Nam Caucasus, cũng như sự hợp tác giữa Georgia với NATO và lực lượng Mỹ”, hãng phân tích tình báo Stratfor kết luận trong một phân tích.
T.N