Tờ nhật báo Izvestiya ngày 19/5 đưa tin, trung tâm radar này đóng vai trò là hệ thống cảnh báo tên lửa của (MWS) Nga, chuyên theo dõi nhất cử nhất động các tên lửa được phóng đi từ Biển Đen và Địa Trung Hải. Trạm MWS đặt ở Crimea có khả năng xác định các vụ phóng đối với tên lửa đạn đạo, tên lửa có cánh và tên lửa mang đầu đạn siêu thanh; góp phần nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội Nga ở sườn phía nam và phía tây.
Tại sao lại là thời điểm này? “Trong vài năm trở lại đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng hoạt động của tàu chiến ở Địa Trung Hải và Biển Đen, triển khai mới một đơn vị hải quân đóng tại căn cứ Rota, Tây Ban Nha. Cứ điểm này không chỉ đặt các hệ thống chống tên lửa, mà còn có chứa cả tên lửa hành trình, có thể được dùng để chống Nga. Moskva vì thế phải có bước đi đáp trả kịch bản đó”, Viktor Murakhovsky, Tổng Biên tập tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) nhìn nhận. Theo ông, trong một cuộc diễn tập phòng không năm 2013, Nga đã thu được tín hiệu về một loạt phóng tên lửa tầm trung và tâm xa do Israel thực hiện.
Chuyên gia người Nga này nhìn nhận, mối quan ngại lớn nhất đối với Nga lúc này chính là việc Mỹ vừa kích hoạt một phần lá chắn tên lửa đặt ở Romania. Căn cứ này được trang bị hệ thống Aegis đặt trên bờ, với các tổ hợp phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 đa nhiệm, có khả năng đối không, chống ngầm và tấn công mặt đất. Hiện Moskva chưa thể biết chính xác số MK-14 này được gắn những loại tên lửa nào – tên lửa phòng không SM-3 hay tên lửa hành trình có cánh Tomahawk.
Theo giới chuyên gia quân sự Nga, chính quyền Moskva đang bàn thảo việc xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa cho tương lai ở Crimea. “Vấn đề mấu chốt hiện nay là đập đi toàn bộ để xây mới lại từ đầu, hay là chuyển một phần trạm MWS gần Irkutsk tới và xây dựng bổ sung”, một chuyên gia giấu tên nói. Theo nhân vật này, nếu là xây mới toàn bộ thì MWS ở Crimea có khả năng bám mục tiêu ở khoảng cách 6.000km (3.700 dặm), còn trong trường hợp thứ hai thì hiệu suất giảm xuống, chỉ ở khoảng cách 2.500km (1550 dặm), nhưng vẫn dư sức bám các mục tiêu phóng đi từ Địa Trung Hải, Biển Đen. Các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy giữa Bộ Quốc phòng và các nhà thầu. sau đó chính phủ sẽ ra thông báo chính thức khởi công dự án.
Tầm bao quát của trung tâm radar đặt ở Crimea theo hai phương án. Ảnh: RBTHa
Kể từ năm 2000, Nga đã bắt tay hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo tên lửa. Nhằm bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới, Moskva cần thay thế những MWS từ thời Liên Xô, cũng như bù đắp sự thiếu hụt của các trung tâm này do chúng được chuyển giao và thuộc quyền sở hữu của các quốc gia vùng Baltic, Ukraine, Belarus sau khi Liên Xô tan rã.
Năm 2008, quân đội Nga đưa vào sử dụng một MWS ở Lekhtusi gần St. Petersburg, có khả năng bám nắm các mục tiêu di chuyển trong không gian từ bờ biển Maroc tới Spitsbergen, một hòn đảo thuộc quần đảo Svalbard ở Bắc cực. Trạm xây mới thứ hai đặt ở Armavir thuộc vùng lãnh thổ Krasnodar, đi vào hoạt động hồi năm 2009, chịu trách nhiệm giám sát khu vực từ Bắc Phi tới Ấn Độ.
Hai tổ hợp MWS tương tự cũng đã được triển khai ở Pionersk thuộc Vùng Kaliningrad, bao quát các khu vực “phía Tây” và ở gần Irkutsk, theo dõi từ Trung Quốc tới bờ biển phía Tây nước Mỹ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng có kế hoạch xây dựng nhiều trạm MWS ở vùng Lãnh thổ Krasnoyarsk, vùng lãnh thổ Altai, khu vực Orsk và vùng phụ cận Vorkuta.