Theo Le Figaro, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói đến «một giai đoạn mới» về quân sự chống lại IS, đó là tấn công vào các doanh trại của chúng ở Syria lẫn Iraq, với những trận không kích liên tục suốt đêm.
Nhờ đó, thủ lĩnh số 2 của IS là Ralman Mustafa Qaduli đã bị tiêu diệt. Một hướng chiến lược khác là chuẩn bị trận địa để tiến công vào Mossul, thành phố lớn của Iraq đang trong tay IS. Dù thận trọng, tổng thống Barack Obama vẫn duyệt kế hoạch mới cho phép vũ trang phe nổi dậy Syria.
Nhưng theo tướng Michael Barbero, nguyên là phó của tướng Petraeus «Chưa có nỗ lực nào thực sự nghiêm túc. Nói về một cuộc tấn công vào Mossul là ảo tưởng, vì quân đội Iraq chưa sẵn sàng». Theo ông, kế hoạch hiện nay có liên hệ với «ý định hoàn toàn mang tính chính trị» của ông Obama : rời chức vụ vào tháng 11 cùng với việc loan báo một chiến thắng trước IS.
Tướng Barbero không hề thấy ở Washington ý định giúp phe Sunni Iraq tái cấu trúc để chống lại IS. "Tương tự, ở Syria. Không có bộ binh mạnh, thì vài vụ không kích có chủ đích khó thể thay đổi thế cờ. IS vẫn trụ được và phải chờ đến khi có tân tổng thống mới có được chiến lược mới». Ông Barbero cũng bi quan trước việc thương lượng với Nga về hồ sơ Syria, phải chạy theo đuôi Nga.
Một nguồn tin tình báo cho biết ngoại trưởng John Kerry đã không thành công trong việc thuyết phục Moscow để cho Assad ra đi vì người Nga muốn gắn với điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga do hồ sơ Crimea và Ukraine.
Theo Le Figaro, thông tin này cho thấy gút mắc chủ yếu trong chiến lược Mỹ, so sánh với Nga. Tờ báo Pháp lại cáo buộc Putin không có ý định giải quyết hồ sơ Syria mà chỉ nhằm thủ lợi. Còn Washington ngây thơ tìm kiếm một «giải pháp tổng thể» để chấm dứt làn sóng nhập cư sang châu Âu và dập tắt thùng thuốc súng Trung Đông. «Độ vênh» này đã giải thích vì sao một bên thành công, còn bên kia thất bại.