Choáng với chiến dịch “Sốc và kinh hãi” của Nga ở Syria

Thế giới sửng sốt. Chiến đấu cơ Nga ném bom thông minh vào phiến quân Syria! Tên lửa hành trình Nga diệt các mục tiêu khủng bố tại Syria từ khoảng cách hàng trăm dặm! Sao có thể như vậy? Điều gì đã xảy ra với đội quân Nga yếu kém tại Chechnya và Georgia trước kia?
Máy bay chiến đấu dòng Sukhoi của Nga rất được ưa chuộng trên thế giới
Máy bay chiến đấu dòng Sukhoi của Nga rất được ưa chuộng trên thế giới

Tại sao mọi người đều kinh ngạc rằng Nga biết phải chiến đấu trong một cuộc chiến tranh như thế nào?

Các phương tiện truyền thông đổ dồn sự chú ý vào việc Nga sử dụng các loại vũ khí tối tân tại Syria như tên lửa hành trình tầm xa, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh và laser. Một số còn hỏi Nga đã sử dụng hoặc có khả năng sử dụng bao nhiêu bom thông minh, nhưng chung quy là giọng “sốc và kinh hoàng” (tên chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iraq) trước khả năng quân sự của Nga.

Tại sao lại sốc?

Các loại vũ khí tự chúng không có gì ấn tượng. Tên lửa hành trình ư? Mỹ đã phóng chúng từ 25 năm trước, kể từ khi các tên lửa Tomahawks nã vào Baghdad năm 1991. Bom dẫn đường laser và vệ tinh? Mỹ và NATO cũng đã sử dụng tại Iraq, Afghanistan, Libya và Serbia.

Ba loại máy bay chiến đấu Su-34, Su-25 và Su-24 của Nga đang tung hoành trên chiến trường Syria
Ba loại máy bay chiến đấu Su-34, Su-25 và Su-24 của Nga đang tung hoành trên chiến trường Syria

Nếu như Zimbabwe mà phóng tên lửa hành trình đó mới thực sự ấn tượng. Nếu như Iran ném bom thông minh sẽ khiến tất cả nhướng mày kinh ngạc. Còn Nga là một cựu siêu cường với vốn kinh nghiệm và những kỹ năng to lớn để thiết kế những loại vũ khí tiên tiến.

Xe tăng T-34 đã khiến quân Đức mất tinh thần năm 1941. Tên lửa chống tăng và phòng không Nga khiến quân đội Israel kinh ngạc năm 1973 và máy bay Mỹ tại Việt Nam. Trong khi xe tăng Nga ngày nay được trang hị hệ thống phòng vệ chủ động để chống lại các tên lửa xuyên giáp. Những người chỉ trích tự hỏi liệu chiến đấu cơ Nga như Su-30 có hạ gục các chiến đấu cơ tốt nhất của Mỹ trên bầu trời hay không.

“Điều tiếp tục gây ấn tượng với tôi chính là khả năng di chuyển một lượng lớn trang thiết bị thực sự xa, thực sự nhanh”, tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges phát biểu trên New York Times.

Tại sao các chỉ huy Mỹ lại ấn tượng (về Nga) là điều khó hiểu. Người Anh đã thành công trong việc điều động toàn bộ lực lượng tấn công đổ bộ qua 8.000 dặm tới quần đảo Falklands năm 1982, mặc dù hoạt động với bộ máy tiếp tế ít ỏi. Nga chỉ phái đi một nhóm quân nhỏ, với khoảng 30 chiến đấu cơ , chỉ 2.500 dặm tới các căn cứ thân thiện tại Syria.

Với Ecuador và New Zealand, đó quả là đạt được một kỳ tích. Còn với một cường quốc quân sự như Nga, đó không phải là một kỳ công gì đáng kể, chắc chắn không sánh được với việc Mỹ chuyển hàng trăm ngàn quân tới Việt Nam, Iraq hay Afghanistan.

Nói thế không phải để ca tụng hay gièm pha khả năng của Nga, cũng không phải để so đo họ với công nghệ của Mỹ và phương Tây. Mà đơn giản để chỉ ra rằng Nga không phải là quân đội yếu kém thuộc thế giới thứ ba, mà là quốc gia với chi phí quân sự cao thứ ba trên toàn cầu.

Nếu như năng lực quân sự Nga đang được tán dương nhờ Syria không biến thành một thất bại như ở Chechnya và Georgia, hãy xem xét tình trạng quân đội Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Hoặc cuộc xâm lược Grenada năm 1982, nơi quân Mỹ áp đảo các kỹ sư xây dựng Cuba. Hãy thử hình dung Trung Quốc đã ngạc nhiên và khâm phục quân đội Mỹ như thế nào bởi họ đã không bị Saddam Hussein đánh bại năm 1991.

Thậm chí cũng có môt chút ghen tị. Khi NATO chật vật đối phó với Nga tại Đông Âu, một số tự hỏi liệu những nước như Anh hay Đức có thể điều động vài ngàn quân và vài chục chiến đấu cơ mà không cần sự trợ giúp của Mỹ?

Nga là một cường quốc chủ chốt về quân sự. Họ nên được cư xử như vậy.

*Lược dịch bài viết của tác giả chuyên viết về lịch sử và quân sự Michael Peck trên tạp chí National Interest.

Theo QPAN