Nga giao Việt Nam tên lửa tối tân có thể tấn công lãnh thổ kẻ địch

VietTimes -- Nga đã bán cho cả Việt Nam và Trung Quốc hàng tỷ USD các hệ thống vũ khí tối tân trong những năm qua, bao gồm các chiến đấu cơ và tàu chiến hiện đại. Nga còn bán cho Việt Nam các tên lửa hành trình hạm đối đất tiên tiến giúp hải quân Việt Nam có thể tấn công lãnh thổ kẻ địch.
Lực lượng hải quân Việt Nam là một trong những quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Trong ảnh là tên lửa Klub-S của hải quân Việt Nam
Lực lượng hải quân Việt Nam là một trong những quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Trong ảnh là tên lửa Klub-S của hải quân Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới nước này là bước mới nhất trong cuộc phô diễn ảnh hưởng siêu cường tại Đông Nam Á.

Theo chuyên gia Richard Weitz, giám đốc  Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự tại Viện Hudson, quyết định này chắc chắn không được Bắc Kinh hoan nghênh, bởi Trung Quốc xem động thái này như một nỗ lực của Mỹ tăng cường khả năng cho các nước Đông Nam Á nhằm chống lại những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Viết trên trang Tiêu điểm Mỹ-Trung, ông Weitz cho biết, giới hoạch định chính sách và phân tích Trung Quốc cảnh báo rằng quyết định của Mỹ sẽ khiến căng thẳng khu vực leo thang và khuyến khích Hà Nội cũng như các nước khác có quan điểm cứng rắn hơn trong đàm phán tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Thật không may, nhiều người Trung Quốc lại coi động thái trên như một phần kế hoạch của Mỹ hòng “kiềm chế” Trung Quốc.

Đúng là Washington lo ngại nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi pháp tại khu vực thông qua việc quân sự hóa Biển Đông và những chiến thuật đe dọa, Bắc Kinh có thể hủy hoại sức sống của tuyến hải lộ sống còn này. Chuyên gia Weitz cho rằng bằng cách bán vũ khí cho Việt Nam, Mỹ hiện nay hy vọng sẽ làm giảm quân sự hóa và cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực tây Thái Bình Dương, làm rõ với tất cả các bên rằng Mỹ vẫn là một yếu tố có ảnh hưởng và lợi ích trong các tranh chấp.

Mặc dù Mỹ bán vũ khí cho Philippines và Việt Nam là một phương diện trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Đông Nam Á, những công cụ tái cân bằng hàng đầu được sử dụng cho hầu hết các quốc gia trong khu vực là ngoại giao và kinh tế, bao gồm tăng cường vai trò ngoại giao của Mỹ và khuyến khích tất cả các nước ở đây gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thậm chí ngay trong chuyến thăm Hà Nội của ông Obama, thông báo quan trọng nhất là một thương vụ mua sắm thương mại khi Việt Nam quyết định mua 100 máy bay của hãng Boeing trị giá 11 tỷ USD.

Điều đó nói lên rằng Mỹ không có kế hoạch giúp Việt Nam cải tổ quân đội trên quy mô lớn để kích động chiến tranh với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Năm năm 2014, cho phép Hà Nội mua các vũ khí sát thương trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhưng trên thực tế chưa hề có vũ khí nào của Mỹ được bán kể từ đó.

Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm không đoàn vân hành máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Mỹ
Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm không đoàn vân hành máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Mỹ

Tất nhiên, Việt Nam cũng như Trung Quốc đã sở hữu các loại vũ khí tốt hơn nhiều từ Nga so với bất cứ loại nào Mỹ có thể bán cho họ. Moscow đã bán cho cả Việt Nam và Trung Quốc hàng tỷ USD các hệ thống vũ khí tối tân trong những năm qua, bao gồm các chiến đấu cơ và tàu chiến hiện đại khiến hai nước xếp tốp đầu các quốc gia nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong thập kỷ qua. Nga thậm chí còn bán cho Việt Nam các tên lửa hành trình hạm đối đất tiên tiến giúp hải quân Việt Nam có thể tấn công lãnh thổ kẻ địch.

Trên thực tế, Nga có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình kết cục cạnh tranh Mỹ-Trung tại Đông Nam Á. Gần đây Hội nghị Moscow về an ninh quốc tế lần đầu tiên đã tập trung vào vấn đề an ninh châu Á. Các diễn giả Nga đã cổ súy “ý tưởng an ninh mới” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và an ninh và chia sẻ lợi ích.

Các đại diện ASEAN tại hội nghị, bao gồm nhiều bộ trưởng quốc phòng đã gợi ý Nga nên gánh vác một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề an ninh châu Á. Một ngày trước hội nghị, trưởng phái đoàn quân sự 10 nước ASEAN đã tham dự cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Nga và thông báo kế hoạch mở rộng hợp tác với Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng  (ADMM+). Nga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN lần đầu tiên tại Sochi, ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên trong một loạt lĩnh vực.

Tuy nhiên theo ông Weitz, quan hệ hợp tác Nga-trung liên quan an ninh châu Á vẫn chiếm ưu thế. Cũng tại hội nghị trên, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đề cập về sự lan truyền nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và nêu cách tiếp cận chống khủng bố liên quan ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa và các nguồn lực khác để chống khủng bố. Thường Vạn Toàn còn viện dẫn quan điểm của Nga, cáo buộc tiêu chuẩn kép, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác…

Tên lửa hạm đối đất Klub-S của Việt Nam có thể tấn công đất liềnTên lửa hạm đối đất Klub-S của Việt Nam có thể tấn công đất liền

Tình đoàn kết Trung –Nga theo ông Weitz còn có bằng chứng khác rõ hơn tại hội nghị về xây dựng niềm tin châu Á tại Bắc Kinh hồi tháng 4/2016. Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, ngoại trưởng Nga Lavrov đã công khai ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông, hòa giọng cùng bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đòi các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ) không được can thiệp vào công việc của các quốc gia trong khu vực châu Á. Hai vị này còn nhấn mạnh “quan ngại sâu sắc” về ý định của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Cuộc trình diễn ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực sẽ tiếp tục sau khi tổng thống Obama kết thúc chuyến công du dài tới châu Á và khi tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc trong tháng này, chuyên gia Weitz nhận định.