Câu hỏi đặt ra là sau 6 tháng can thiệp, liệu chiến lược «đánh trước» này thành công đến mức độ nào? Ngày 15/3, một ngày sau khi bắt đầu rút đại bộ phận lực lượng tham chiến tại Syria về nước, Hội đồng Ngoại giao Nga đưa ra bản báo cáo với nhận định: Sự trở về của các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) là một trong những mối đe dọa chính yếu nhắm vào nền an ninh quốc gia.
Nhận định này cho thấy dường như Kremlin không đạt mục tiêu sau hơn 5 tháng không kích và yểm trợ cho quân đội Damascus, đồng minh Iran và Hezbollah-Lebanon.
Thực ra, khi đưa oanh tạc cơ sang Syria, mục đích số một của tổng thống Putin không hẳn là để «tiêu diệt hết» 2.900 tay súng khủng bố người Nga mà phần đông xuất phát từ vùng Caucasus đầy bất ổn. Ông Putin hy vọng cuộc can thiệp sẽ tác động tích cực vào khu vực có đông dân theo đạo Hồi theo ý nghĩa không để cho lực lượng đòi ly khai với chính quyền trung ương đem kinh nghiệm chiến đấu từ Syria trở về Nga.
Theo AFP, nhiều chuyên gia không ngần ngại xem cuộc xung đột tại Syria là cuộc chiến tranh thứ ba giữa Nga và Chechnya. Bởi vì sau cuộc chiến Chechnya thứ hai, phe nổi dậy «phân tán mỏng» như vết dầu loan ra khắp vùng Caucasus. Nhưng vì thất bại trong kế hoạch thành lập một «tiểu vương quốc», một số chiến binh chạy sang Syria, một số khác qui thuận tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Theo lời bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigou, gần 2.000 chiến binh thánh chiến bị giết sau 5 tháng oanh kích, tức là kẻ thù chỉ còn 900 người . Nhưng chuyên gia Nga Andrei Kazantsev cảnh báo không nên tin vào những thành tích của chính quyền. Nước Nga vẫn bị khủng bố de dọa như phương Tây. Các trận không kích ở Iraq và Syria đã không bảo vệ được Pháp và Bỉ.
Một chuyên gia khác của Nga về các đường dây khủng bố, Grigori Chvedov thì cho rằng chỉ trong năm 2015, hơn 650 thánh chiến người Nga đã từ Iraq và Syria hồi hương. Từ cuối năm ngoái đến nay, an ninh Nga đã bắt nhiều chiến binh bị xem là thành viên của IS, dự định đặt bom xong là chạy sang Syria.
Vấn đề là thánh chiến Caucasus không phải là mối đe dọa duy nhất. Nga còn phải đương đầu với 7.000 chiến binh Hồi giáo gốc Cộng hoà Trung Á đang chiến đấu tại Syria, một khi chúng trở về.
Trước mối đe dọa tiềm tàng này, Nga không để bị động. Chính quyền địa phương mở các trung tâm hòa giải để giúp cho khủng bố trở lại cuộc sống bình thường nhưng số người «cải hối» chỉ có vài chục. Chính sách này thất bại vì theo giải thích của tổ chức International Crisis Group (nghiên cứu khủng hoảng quốc tế), nguyên nhân chính là bộ máy tư pháp của Nga nghiêng về áp bức hơn là bao dung.
Do vậy, những thanh niên theo thánh chiến bị xem là tội phạm, bị lãnh án nặng nề thay vì được trọng dụng như những nhân chứng sống để đánh thức những người trẻ còn mơ hồ với thiên đường IS ở Syria và Iraq. International Crisis Group khuyến cáo chính phủ Nga nên dựa vào sáng kiến của xã hội công dân hơn là dùng hình phạt pháp lý để ngăn chận thanh niên gia nhập IS.