Năm 1993, Nga bác bỏ chính sách "không là nước sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên", vốn tồn tại từ thời Xô-viết. Năm 2000, Nga phát triển học thuyết theo đó Matxcơva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội đối phương đe dọa hủy diệt lực lượng vũ trang thông thường của Nga.
Năm 2010, học thuyết này có sự thay đổi: Đó là hiện nay Matxcơva có thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong tình huống "gây nguy hiểm cho bản thân sự tồn tại của quốc gia".
Và mặc dù trong báo cáo của RAND có nói rằng Nga đủ sức chiếm các nước vùng Baltic "khá dễ dàng", nhưng tài liệu này không đề cập đến những gì sẽ xảy ra nếu NATO quyết định đáp trả. National Interest cảnh báo, trong tình huống này khối liên minh không có nhiều lựa chọn tốt: hoặc sẽ phải tiến hành cuộc phản công đẫm máu đầy rẫy rủi ro, hoặc một lần nữa bước vào trạng thái Chiến tranh Lạnh, hoặc thừa nhận thất bại chiến thuật, kéo theo những hệ lụy dù không cố định nhưng thảm khốc đối với Liên minh, cũng như đối với các nước thành viên NATO vùng Baltic.
Tờ báo Mỹ nhận xét, nhiều khả năng hơn cả sẽ là phương án đáp trả cuộc tấn công của Nga bằng phản công đẫm máu, và trong trường hợp đó lực lượng vũ trang Nga "sẽ chịu tổn thất to lớn hoặc thậm chí bị tiêu diệt hoàn toàn".
Tuy nhiên, nếu lực lượng NATO giáng đòn tấn công vào lãnh thổ Nga, Matxcơva có thể kết luận rằng sự tồn vong của quốc gia đang bị đe doạ. Mà trong hoàn cảnh như vậy, người Nga ắt là sẽ tung vào trận cả kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình.