Nga đề xuất sử dụng hệ thống thay thế SWIFT trong thương mại với Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Moscow và New Delhi đang thảo luận về việc thanh toán bằng đồng Rupee-Rúp.
Ảnh minh họa (RT)
Ảnh minh họa (RT)

Chính phủ Ấn Độ được cho là đang cân nhắc về đề xuất của Moscow chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán của Nga, cho phép chuyển các khoản tiền bằng đồng Rupee-Rúp trong thương mại song phương.

Cơ chế thanh toán được Ngân hàng trung ương Nga phát triển dự kiến sẽ giúp tăng hoạt động thương mại giữa hai nước bằng cách tránh thương mại bị chi phối bởi đồng USD và cho phép nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới tiếp tục mua hàng từ Nga, không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kế hoạch này liên quan tới các khoản thanh toán chi trả bằng đồng Rupee-Rúp thông qua hệ thống SPFS của Nga. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra sau chuyến công Ấn Độ kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, hãng Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho hay.

Chuyến thăm của ông Lavrov tới Ấn Độ dự kiến diễn ra trong hôm 31/3, giới chức ngân hàng trung ương Nga được cho là sẽ tới New Delhi trong tuần tới để thảo luận chi tiết về vấn đề này.

Theo các nguồn tin của Bloomberg, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo đến từ hệ thống ngân hàng nước này để thảo luận về những vấn đề như rủi ro từ các lệnh trừng phạt mới nhất.

Thỏa thuận mới giữa Nga và Ấn Độ, theo đánh giá của giới chuyên gia, sẽ cho phép các nhà xuất khẩu Ấn Độ giữ vững hoạt động làm ăn với Nga bất chấp các lệnh trừng phạt mới nhất hay việc phải sử dụng hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT. Nó cũng cho phép Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô, vũ khí và nhiều mặt hàng khác của Nga. Theo thỏa thuận đề xuất, đồng Rúp sẽ được chuyển vào một ngân hàng Ấn Độ và chuyển sang đồng Rupee, và ngược lại.

Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 3,3 tỉ USD sang Nga, chủ yếu là dược phẩm, trà và cà phê, và nhập khẩu hàng hóa Nga trị giá 6,9 tỉ USD, bao gồm vũ khí và các sản phẩm quốc phòng, khoáng sản, phân bón, kim loại, đá quý. Nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng nhập khẩu dầu thô của Nga, trong đó Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ đã tăng lượng mua trong tháng trước.

Theo RT, Bloomberg