Tại sao Mỹ vẫn phải mua dầu thô của Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ vẫn phải mua dầu thô của Nga để phục vụ các khu vực biệt lập ở ven biển và giữ cho các nhà máy lọc dầu vận hành tối ưu.
Giá dầu thô đang bị đẩy lên cao do lo ngại các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ khiến nguồn cung bị thu hẹp (Ảnh: Bloomberg)
Giá dầu thô đang bị đẩy lên cao do lo ngại các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ khiến nguồn cung bị thu hẹp (Ảnh: Bloomberg)

Sự bùng nổ của phương pháp khai thác dầu đá phiến Fracking trong vài năm gần đây đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thế nhưng Mỹ vẫn phải nhập hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ nhiều phần khác nhau của thế giới, trong đó có Nga.

Trong lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng Ukraine, một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga, thậm chí còn đề nghị cấm hẳn.

Vậy tại sao Mỹ vẫn phải nhập khẩu dầu thô từ Nga, và lượng dầu này được chuyển tới đâu?

Mỹ nhập bao nhiêu dầu từ Nga?

Mỹ vẫn đang tiêu thụ nhiều dầu hơn so với mức mà các công ty sản xuất được trong nước, điều này khiến họ phải nhập khẩu từ nước khác. Nhưng nếu so với châu Âu thì Mỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu của Nga, và cũng chỉ sử dụng một phần nhỏ trong lượng dầu thô mà họ nhập từ Nga.

Mỹ nhập khẩu dầu thô nhiều hơn từ các nước như Canada, Mexico và Arab Saudi. Các nước nhỏ hơn ở Mỹ Latin và Tây Phi cũng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ với khối lượng nhiều hơn Nga.

Khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm tinh chế mà Mỹ nhập khẩu, tương đương 672.000 thùng/ngày, là đến từ Nga (theo dữ liệu năm 2021), Andy Lipow – Chủ tịch Hội liên hiệp Dầu Lipow, trụ sở tại Houston – dẫn lại con số thống kê từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), cho hay. Và trong số đó, dầu thô của Nga chỉ chiếm chưa đến 3%, tức khoảng 200.000 thùng/ngày.

Giữa năm 2021, lượng dầu thô mà Mỹ nhập từ Nga đã đạt mức đỉnh điểm trong vòng 1 thập kỷ, và có xu hướng cao hơn trong những năm gần đây, theo dữ liệu của EIA. Nhưng dầu thô của Nga chưa bao giờ chiếm một phần lớn trong hệ thống cung ứng dầu của Mỹ, ông Lipow cho hay.

Dầu thô Nga chưa từng đóng một phần lớn trong hệ thống cung ứng của Mỹ (Ảnh: WSJ)

Dầu thô Nga chưa từng đóng một phần lớn trong hệ thống cung ứng của Mỹ (Ảnh: WSJ)

Nếu Mỹ nhập khẩu cả triệu thùng dầu từ nơi khác, tại sao phải nhập dầu của Nga?

Đạo luật Jones, được thông qua cách đây 1 thế kỷ, đặt ra quy định hạn chế đối với kích thước của các con tàu được phép vận chuyển hàng hóa lưu thông qua lại các cảng biển của Mỹ. Điều này khiến các nhà thu mua dầu ở Bờ Tây cũng như Bờ Đông nước Mỹ không thể nào nhận được nguồn cung ứng được vận chuyển từ Vịnh duyên hải Mexico (US Gulf Coast).

Vịnh duyên hải Mexico, nơi mà các công ty dầu vận chuyển khoảng 3 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021, có các đường ống dẫn dầu tới Lưu vùng Permi của Tây Texas, New Mexico và Cushing (Oklahoma), trung tâm dự trữ dầu quốc gia.

Việc vận chuyển dầu từ khu vực đó tới các khu vực Bờ Đông và Bờ Tây của Mỹ bằng những con thuyền cỡ nhỏ không hề mang lại lợi nhuận cho các công ty dầu, bởi vậy mà các nhà máy lọc dầu nằm ở những khu vực này – không có đường ống dẫn dầu nối với Permi và Cushing – chủ yếu phải nhập khẩu dầu từ nước ngoài.

Tại sao Mỹ cần nhiều loại dầu thô khác nhau?

Mỹ mua dầu thô của Nga một phần là để cung cấp cho các nhà máy lọc vốn cần dầu thô ở nhiều cấp độ khác nhau với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn để cho ra những sản phẩm cao cấp nhất. Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã được thiết kế và xây dựng từ cách đây nhiều thập kỷ, chúng sử dụng các loại dầu thô nặng hơn, thường là có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, trong khi dầu thô ở trong nước lại có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn.

Trong những năm gần đây, dầu thô của Nga đã lấp đầy một số khoảng trống cung ứng trên thế giới, sau khi Venezuela và Iran bị cấm vận. Lệnh cấm vận nhằm vào hai nước này đã làm giảm lượng dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao mà Mỹ cần có, ông Lipow cho hay.

Ảnh chụp từ trên cao một nhà máy lọc dầu ở bang California, Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Ảnh chụp từ trên cao một nhà máy lọc dầu ở bang California, Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Dầu của Nga được chuyển đến đâu?

Gần một nửa lượng dầu thô nhập từ Nga được chuyển tới khu vực Bờ Tây của Mỹ. Tại đây, các nhà máy lọc dầu tiếp nhận dầu thô từ nước ngoài bởi họ không có đường ống dẫn dầu tới Permi. Các cơ sở này sử dụng dầu thô của Nga được vận chuyển từ cảng Kozmino, nằm trên Thái Bình Dương, bờ Đông của nước Nga.

Khoảng 1/4 lượng dầu nhập từ Nga, tương đương 50.000 thùng/ngày, được chuyển đến Bờ Đông của Mỹ. Nơi đây cũng không được kết nối bằng đường ống dẫn dầu với Permi. 1/4 còn lại thường được chuyển tới Vịnh duyên hải Mexico, nơi mà dầu Urals của Nga – có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn phần lớn các loại dầu thô sản xuất ở Mỹ - được xem là mang lại lợi nhuận cho các cơ sở lọc dầu ở đây.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ và các nước khác chặn dầu thô của Nga?

Những động thái nhằm ngăn chặn dòng chảy dầu thô đến từ Nga được các thị trường dầu khí trên toàn cầu coi như một đòn tấn công nhằm vào nguồn cung toàn cầu, và có thể khiến cho giá dầu tiếp tục tăng cao. Dầu thô của Mỹ có mức giá trên 100 USD/thùng trong hôm 1/3, và có thể bị đẩy lên mức cao hơn do có lời đồn đoán rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt nhằm vào khu vực xuất khẩu năng lượng của Nga.

Theo Wall Street Journal