Theo Foreign Policy, khi Gennady Timchenko, một đại gia Nga vốn là bạn thân của tổng thống Vladimir Putin, được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Nga-Trung - một hiệp hội tập hợp hơn 100 doanh nghiệp - doanh nhân nhiều năm lăn lộn trên thương trường này đã củng cố vai trò của mình với vai trò nhân vật chủ chốt của điện Kremlin trong quan hệ với Trung Quốc.
Trong chuyến đi Thượng Hải tháng 5/2014 của ông Putin để ký kết một hợp đồng bán khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỉ USD, tổng thống Nga đã giới thiệu Timchenko với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là «người của chúng tôi để đối thoại với Bắc Kinh». Từ đó đến nay, ông Timchenko đi đầu trong nỗ lực của Matxcơva nhằm củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào các giao dịch mua bán năng lượng.
Nhưng hơn hai năm sau khi ký hợp đồng thế kỷ này, chính sách được gọi là «xoay trục sang Trung Quốc» của điện Kremlin đang khựng lại. Các công ty Trung Quốc ngần ngại không muốn đầu tư vào một thương vụ dầu khí mới với Nga, sau khi bị rớt giá thảm hại năm 2015 và bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đi chậm lại (GDP từ 10,3% năm 2010 chỉ còn 6,9% trong năm 2015). Tình hình này khiến giới cầm quyền Nga vỡ mộng, vì họ vẫn hy vọng Trung Quốc có thể thay thế được Châu Âu trong vai trò khách hàng mua năng lượng hàng đầu, khiến điện Kremlin xoay trục sang Châu Á.
Chính trong không khí ảm đạm này, mà ông Putin đã lại cất công sang Bắc Kinh hôm 25/6/2016 trong chuyến viếng thăm ba ngày để gặp gỡ Tập Cận Bình, và thảo luận về tương lai của quan hệ Nga-Trung. Cả hai hy vọng bàn bạc về thương mại song phương, cách thức trao đổi với một Bắc Triều Tiên hay trở chứng, và chương trình «Một vành đai, một con đường» - dự án hạ tầng cơ sở tâm đắc của ông Tập để làm sống lại «Con đường tơ lụa» xưa kia.
Nhưng vượt ra ngoài vẻ hào nhoáng của chuyến viếng thăm, một khía cạnh khác trong quan hệ Nga-Trung đã diễn ra bên lề cuộc gặp. Timchenko và một nhóm nhỏ nhân vật quyền thế trong vòng thân cận của ông Putin là những người hưởng lợi qua một loạt các hợp đồng hữu nghị trị giá nhiều tỉ USD, được Bắc Kinh đo ni đóng giày để ràng buộc phe nhóm của ông Putin, khiến họ hài lòng và tiếp tục hướng về phương Đông.
Thật ra Trung Quốc không sẵn sàng đầu tư lớn vào Nga một cách sớm sủa và dễ dàng. Trao đổi song phương Nga-Trung đã lao dốc từ 95,3 tỉ USD năm 2014, chiếm 28,6% tỉ trọng, xuống còn 63,6 tỉ USD, vỏn vẹn chỉ chiếm 1,5% lượng thương mại quốc tế của Trung Quốc trong năm 2015.
Nhưng Bắc Kinh nhận ra rằng, chiếm hữu được đồng minh trong nhóm nhỏ bạn bè của ông Putin là cách tốt nhất để gây ảnh hưởng đến các quyết định của tổng thống Nga. Đồng thời duy trì an ninh năng lượng với giá rẻ, cũng như nguồn cung cấp các loại vũ khí hiện đại từ Nga.
Ông Timchenko - với khối tài sản được ước lượng khoảng 13,4 tỉ USD chủ yếu trong ngành năng lượng và là một trong số rất ít những nhân vật được tổng thống Putin lắng nghe - trở thành nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược của Bắc Kinh. Trong khi các công ty Trung Quốc thờ ơ về việc đầu tư vào Nga, như dự án mỏ đồng ở Udokan và mỏ dầu Vankor, Timchenko lại được Bắc Kinh ưu ái dành cho các hợp đồng năng lượng béo bở.
Hợp đồng này liên quan đến SIBUR - công ty quan trọng trong lãnh vực hóa dầu vốn hái ra tiền ở Nga, và một công ty khác do Timchenko đồng sở hữu, với tập đoàn lọc dầu quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Sinopec. Tháng 10/2015, SIBUR đã bán 10% cổ phần cho Sinopec với giá 1,3 tỉ USD, giúp ông Timchenko và các cổ đông khác bỏ túi một món kha khá.
Việc đầu tư vào SIBUR đặc biệt mang tính chiến lược đối với Bắc Kinh, khi người ta biết rằng trong số các cổ đông của công ty này có Leonid Mikhelson, mà tạp chí Forbes gọi là người giàu nhất nước Nga, và Kirill Shamalov, con rể của tổng thống Putin.
Timchenko và Mikhelson cũng liên quan các thương vụ trơn tru khác với Trung Quốc. Tháng 3/2016, hai đại gia này đã bán 9,9% cổ phần trong Yamal LNG, một dự án khí thiên nhiên tại Bắc Cực của Nga cho Quỹ Con đường tơ lụa của Trung Quốc (một quỹ đầu tư 40 tỉ USD thành lập tháng 12/2014 để tài trợ cho dự án «Một vành đai, một con đường» với giá 1,2 tỉ USD. Ngoài ra vào tháng 4/2016, cả hai vị đại gia Nga còn hưởng lợi qua việc Yamal LNG cho vay dài hạn 12,1 tỉ USD thông qua hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Xuất nhập khẩu và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, với lãi suất hết sức ưu đãi.
Những thương vụ hái ra tiền này khiến các nhà quan sát Nga lo lắng. Sinopec và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là trung tâm trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình tung ra vào năm 2013 để làm trong sạch hình ảnh của các công ty Trung Quốc, nên rất dè dặt khi đầu tư ra nước ngoài. Họ càng thận trọng hơn nữa trong việc trở thành cổ đông thiểu số của các dự án năng lượng, nhất là sau khi giá dầu lao dốc.
Hơn nữa, Timchenko và Yamal LNG lại nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt tháng 3/2014 sau khi Nga chiếm Crimea – các đối tác đầy rủi ro đối với một ngân hàng. Trường hợp BNP Paribas bị phạt nặng hồi tháng 7/2014 vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, Iran và Sudan, là một minh chứng.
Và khi Bắc Kinh bám sát những người trong vòng thân cận của ông Putin để bảo đảm việc Nga xoay trục sang phương Đông, quan hệ giữa ông Putin và Tập Cận Bình cũng đơm hoa kết trái. Ai cũng biết rằng ông Putin, xuất thân từ KGB, rất coi trọng quan hệ cá nhân trong ngoại giao. Tổng thống Nga thích dựa trên quan hệ bạn bè với các nguyên thủ khác để xây dựng quan hệ với quốc gia đó.
Nhưng các cựu thủ tướng Gerhard Schroider (Đức), Silvio Berlusconi (Ý) không còn cầm quyền, và tình thân với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bị phá hỏng do hiệu ứng dây chuyền của cuộc chiến ở Ukraine và Syria. Thế nên Tập Cận Bình là nguyên thủ duy nhất của một nước lớn trên thế giới mà ông Putin có thể gọi là bạn. Putin cũng được cho là lãnh đạo nước ngoài tâm đầu ý hợp nhất với ông Tập.
Theo các quan chức Nga và Trung Quốc muốn giấu tên, thì cả hai nhà lãnh đạo cùng tuổi 63 đã trở thành bạn bè của nhau vào ngày 7/10/2013, khi gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali. Đó là ngày sinh nhật 61 tuổi của ông Putin, và ngày họp cuối cùng đã trở thành bữa tiệc sinh nhật trong vòng thân mật giữa hai ông và một nhóm nhỏ cộng sự thân tín.
Nhưng các thương vụ ưu tiên và tiệc sinh nhật không che khuất được những lời hứa về việc hợp tác đôi bên cùng có lợi, vẫn chưa được thực thi. Cho dù lượng dầu thô được Nga cung ứng cho Trung Quốc đã tăng lên 33,7%, nhưng lợi nhuận thu được rất ít. Nga chỉ thu hút được 560 triệu USD đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, chiếm không đầy 0,5% đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh năm 2015, và thấp hơn số 4 tỉ USD đầu tư Trung Quốc năm 2013, trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Điểm sáng nổi bật nhất là số tiền Bắc Kinh cho Matxcơva vay 18 tỉ USD trong năm 2015, khiến Trung Quốc trở thành nguồn tín dụng nước ngoài lớn nhất trong năm nay – theo Ngân hàng Trung ương Nga. Nhưng con số này chẳng là gì so với 261 tỉ USD đầu tư từ Liên hiệp châu Âu và Mỹ năm 2013, cho đến khi cuộc chiến Ukraine xảy ra.
Chính Matxcơva cũng chia rẽ về việc có nên siết chặt quan hệ với Bắc Kinh đến thế hay không. Lâu nay Nga vẫn coi Trung Á là sân sau, nhưng sức nặng kinh tế của Trung Quốc đã che mờ Nga trong những năm gần đây.
Dự án «Một vành đai, một con đường» làm xói mòn ảnh hưởng của Nga trong khu vực, đối chọi hẳn với một chương trình kinh tế khác do Matxcơva lãnh đạo, đang trong quá trình thực hiện, là Liên minh Âu Á. Đã hẳn Bắc Kinh là đối tác hết sức cần thiết, nhưng cũng là một người cạnh tranh đáng gờm.
Mặc cho hình ảnh của sự hợp tác còn xa mới trở thành màu hồng, chiến lược của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng lên bạn bè ông Putin tỏ ra rất hiệu quả. Putin có thể thương lượng với ông Tập về vùng tự do mậu dịch Nga-Trung đã được đề nghị từ lâu, trong chuyến công du này. Dự án lâu nay vấp phải sự phản đối trong điện Kremlin, nhưng do Nga rất cần đầu tư để giảm bớt khó khăn kinh tế, Putin tỏ ra lạc quan hơn về Trung Quốc so với trong quá khứ.
Cho dù việc Bắc Kinh giúp tài chính để hỗ trợ nền kinh tế Nga vẫn còn xa vời, nhưng hiện giờ thì các bạn bè của ông Putin như Timchenko dường như là những kẻ đắc lợi nhất trong việc Kremlin «xoay trục" sang Trung Quốc.