Ngày 23/6, Trung Quốc đã hoan nghênh các phát biểu của các quan chức Nga về Biển Đông, gọi đó là tiếng nói của cộng đồng quốc tế. Trước đó, Đại sứ Nga ở Trung Quốc Andrei Denisov bình luận rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông có liên quan đến sự can thiệp của các nước bên ngoài. Trước đó, ngày 10/6, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói nước này tin rằng sự can thiệp từ một nước bên ngoài chỉ làm cho tình hình vốn đã căng thẳng càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 4/2016, trước báo giới ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị đã đồng loạt lên tiếng tố cáo "sự can thiệp" từ bên ngoài vào Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo rằng: “Quan điểm của Nga phản ánh tình hình thực tế ở Biển Đông và gốc rễ của vấn đề. Trung Quốc đánh giá cao điều đó”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngay sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương. Ông Lê Hải Bình nêu rõ còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
Trong nhiều năm nay, đã có những tranh chấp chủ quyền gay gắt ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines và một số bên khác. Mỹ không có tranh chấp song tuyên bố có lợi ích trong khu vực và đã thực hiện một số cuộc hành quân khẳng định tự do hàng hải trong vùng biển, khiến Trung Quốc tức tối.
Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Trung Quốc vào ngày 25/6. Chuyến thăm diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao nước này đang tích cực vận động các chính phủ nước ngoài ủng hộ Bắc Kinh phản bác phán quyết sắp tới của một tòa quốc tế có thể mâu thuẫn với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.
Ông Alexander Korolev, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung-Nga tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “sẽ muốn một điều tương tự như những gì Trung Quốc đã thể hiện dành cho Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, có nghĩa là hai nước vẫn tiếp tục làm ăn với nhau bình thường, không chỉ trích cụ thể và không tham gia các lệnh trừng phạt tiềm tàng”.
Để đổi lại sự ủng hộ của Moscow, ông Putin có thể muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào vùng Siberia của Nga, nhất là về hạ tầng vận tải và năng lượng. Ông Korolev nhận định: “Việc ủng hộ hành động của Trung Quốc, hoặc không chỉ trích hành động của họ ở Biển Đông sẽ không phải là việc làm miễn phí. Có lý do để trông đợi rằng Nga sẽ thúc ép để có nhiều hành động hơn là lời nói”.
Theo Wall Street Journal