Ảnh: New York Post |
Công ty chip não Neuralink của Elon Musk đang phải đối mặt với những rủi ro pháp lý mới từ một nhóm bảo vệ quyền động vật. Nhóm đã cáo buộc Neuralink khiến những con khỉ phải chịu "sự đau đớn tột cùng" trong nhiều năm khi thực hiện các thí nghiệm khủng khiếp.
Các chip não của Neuralink - mà Musk tuyên bố một ngày nào đó sẽ khiến con người trở nên siêu thông minh và cho phép những người bị liệt hồi phục - đã được cấy vào não của khỉ trong một loạt các thử nghiệm tại Đại học California, Davis từ năm 2017 đến năm 2020. Theo đó, Hiệp hội Bác sĩ về Y học có trách nhiệm (PCRM), tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ động vật và khuyến khích thực phẩm thực vật, cuối tuần trước cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Nông nghiệp Mỹ, cáo buộc các nhà nghiên cứu của Neuralink ngược đãi 23 con khỉ được dùng để thử nghiệm cấy não.
Trong dẫn chứng tại đơn khiếu nại, PCRM cho rằng một con khỉ đã bị mất ngón tay và chân "có thể do tự cắt hoặc một số chấn thương không xác định khác". Con khỉ sau đó đã bị giết trong một "thủ tục cuối cùng", nhóm cho biết trong một bản sao của đơn khiếu nại được chia sẻ với The Post.
Trong một trường hợp khác, một con khỉ bị khoan lỗ trên hộp sọ và cấy các điện cực vào não, sau đó bị cáo buộc bị nhiễm trùng da chảy máu và phải nhịn ăn, theo đơn tố cáo.
Trong trường hợp thứ ba, một con khỉ cái đã được cấy các điện cực vào não của nó, sau đó bị nôn, ọe và thở hổn hển. Nhiều ngày sau, các nhà nghiên cứu viết rằng con vật "có vẻ như gục ngã vì kiệt sức / mệt mỏi" và sau đó đã tử vong. Một cuộc khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy con khỉ đã bị xuất huyết não, theo báo cáo. Nhìn chung, các con khỉ đều phải trải qua "đau khổ tột cùng do việc chăm sóc không đầy đủ và thí nghiệm cấy ghép vào đầu có tính xâm phạm cao". Theo nhóm này, ít nhất 15 con khỉ đã bị chết vào năm 2020.
Jeremy Beckham, giám đốc vận động nghiên cứu của Ủy ban Bác sĩ về Y học có trách nhiệm, nói với The Post: “Hầu hết mọi con khỉ được cấy ghép vào đầu đều phải chịu những ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe. Thành thật mà nói, họ đã và đang đối xử tàn ác với những con khỉ”.
Những báo cáo này được đưa ra ngay khi Neuralink đang có kế hoạch bắt đầu các thử nghiệm đầu tiên trên người. Vào tháng 12, Elon Musk cho biết ông muốn bắt đầu thử nghiệm trên người cho các thiết bị này vào năm 2022.
Tổ chức này đang cáo buộc Neuralink và UC Davis có 9 hành vi vi phạm Đạo luật Phúc lợi Động vật của liên bang - một đạo luật được thiết kế để giảm bớt sự đau đớn trong quá trình thí nghiệm trên động vật.
“Nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, trong số các con khỉ đã phải trải qua sự đau đớn tột cùng do không được chăm sóc đầy đủ và việc cấy ghép có tính xâm lấn cao trong các thí nghiệm. Những thiết bị cấy ghép có tính xâm lấn cao này và phần cứng liên quan của chúng, được đưa vào não sau khi khoan lỗ trên hộp sọ của động vật, đã tạo ra bệnh nhiễm trùng tái phát ở động vật, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của chúng cũng như tính toàn vẹn của nghiên cứu”, nhóm PCRM cho biết.
Nhóm này hiện cũng đang kiện UC Davis với nỗ lực yêu cầu họ phát hành thêm ảnh, video và thông tin về những con khỉ theo luật hồ sơ công khai của California.
Được biết, các cáo buộc lạm dụng hoàn toàn trái ngược với các tài liệu được chia sẻ công khai từ Neuralink. Trong một video được đăng trên YouTube vào tháng 4 năm ngoái, công ty đã cho thấy một con khỉ có vẻ ngoài khỏe mạnh và vui vẻ chơi trò chơi điện tử Pong bằng trí não của nó.
Video: Neuralink
PCRM cho biết trong đơn khiếu nại của mình rằng Neuralink đã vi phạm các quy định của Đạo luật Phúc lợi Động vật và đã yêu cầu cả UC Davis và Neuralink phải chịu “hình phạt dân sự tối đa cho mỗi vi phạm”. USDA đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Mới đây, trong bài đăng blog ngày 15/2, Neuralink thừa nhận giết 8 con khỉ trong các thí nghiệm, nhưng phủ nhận các con vật phải chịu đau đớn. "Tất cả động vật dùng để thí nghiệm của UC Davis đã được Ủy ban chăm sóc và sử dụng động vật (IACUC) phê duyệt theo luật liên bang. Tất cả hỗ trợ y tế và sau phẫu thuật, bao gồm các quyết định cuối cùng, đều được giám sát bởi nhân viên thú y tận tâm và lành nghề".
Công ty này cũng cho rằng việc sử dụng động vật để nghiên cứu là điều cần thiết để đạt được các tiến bộ xã hội. "Chúng tôi luôn mong chờ một ngày động vật không còn cần thiết khi nghiên cứu y học. Nhưng xã hội cần những đột phá của y học để chữa bệnh, ngăn chặn sự lây lan của virus và tạo ra công nghệ có thể thay đổi cách thức con người tương tác với thế giới".
Theo New York Post, Fortune