Theo thỏa thuận vừa được ký kết giữa Đại học FPT, công ty Sotatek và Liên minh Blockchain Việt Nam (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), thì Sotatek sẽ tài trợ ngân sách hàng năm cho Innovation Lab của Đại học FPT để hỗ trợ giảng viên và sinh viên đào tạo, nghiên cứu phát triển các dự án chuyên sâu về Blockchain; phối hợp với Đại học FPT đồng triển khai các dự án phát triển phần mềm. Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) hỗ trợ truyền thông các hoạt động đào tạo và nghiên cứu Blockchain của hai đơn vị, hỗ trợ cung cấp thông tin và các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia các dự án, đề án về Blockchain của Đại học FPT và Sotatek. Đại học FPT tổ chức các chương trình đào tạo và nghiên cứu về Blockchain để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về Blockchain và tham gia các chương trình truyền thông, các cuộc thi về Blockchain do Liên minh Blockchain Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Tạ Ngọc Cầu - Phó Giám đốc Đại học FPT cơ sở Hà Nội cho biết, 75% sinh viên Đại học FPT (khoảng 3000 người) học về chuyên ngành CNTT. Đây là lực lượng sẽ góp phần vào sự phát triển CNTT Việt Nam trong tương lai gần, trong đó có lĩnh vực Blockchain. Ông Cầu cũng mong muốn rằng trong tương lai có những sinh viên FPT có thể trở thành nhà sáng lập các công ty công nghệ có mức vốn hóa tỉ USD.
Ông Tạ Ngọc Cầu phát biểu |
Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần công nghệ Sotatek cho biết công ty đã tham gia phát triển Blockchain từ khá sớm, hiện tại có khoảng 650 kỹ sư đang thực hiện các dự án Blockchain cho các đối tác tên tuổi trên toàn thế giới. Trong số những kỹ sư này có những người từng là sinh viên của Đại học FPT. Ông Tuấn cũng nói rằng trong lĩnh vực Blockchain thì xuất phát điểm của Việt Nam và thế giới là như nhau, nếu được đầu tư và phát triển có bài bản thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một Blockchain Hub của thế giới.
Ông Lê Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện |
Đại diện VBU, ông Đặng Minh Tuấn nói rằng Blockchain là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của công nghệ thông tin. Chẳng hạn như Bitcoin, trong vòng 10 năm giá trị của nó đã tăng 680 triệu lần. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng đã dần hội nhập với thế giới, thậm chí có những lĩnh vực đứng đầu thế giới về Blockchain - như game Blockchain dẫn đầu cả về người dùng lẫn giá trị vốn hóa. Từ nhu cầu xã hội mà Liên minh Blockchain Việt Nam đã ra đời với mục tiêu kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dùng; tổ chức các chương trình đào tạo.
Phần phát biểu của ông Đặng Minh Tuấn |
Trong vài năm trở lại đây, các dự án ứng dụng công nghệ Blockchain ở Việt Nam hoặc do người Việt Nam phát triển xuất hiện rất phong phú và đa dạng. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về Blockchain do người Việt sáng lập, được bạn bè quốc tế công nhận và phát triển mạnh mẽ.
Chính phủ Việt Nam khẳng định Blockchain sẽ là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó Blockchain được xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt. Khảo sát nghề nghiệp CNTT tại Việt Nam, nhóm ngành liên quan đến Blockchain chiếm tỷ trọng lớn và có nhu cầu nhân lực rất cao.
Sự kiện hợp tác giữa Đại học FPT, Sotatek và VBU là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao về Blockchain cho thị trường Việt Nam và thế giới, đóng góp ý nghĩa cho quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Trường Đại học FPT được thành lập vào ngày 8/9/2006, do Tập đoàn FPT đầu tư 100% vốn và đã trở thành trường đại học đầu tiên do một doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam.
SotaTek là thành viên lớn nhất của Sota Holdings, đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm, sản phẩm phần mềm và platform công nghệ có trụ sở tại Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.
Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) là tổ chức trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), thực hiện chức năng tập hợp, kết nối các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư, xây dựng chính sách về Blockchain bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và khu vực tư nhân nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp, hướng tới mục tiêu chung phát triển và ứng dụng Blockchain hiệu quả vào nền kinh tế số, đóng góp cho Chuyển đổi số quốc gia.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu