NATO xây căn cứ ở Romania, đối đầu với mối đe dọa nhằm vào điểm yếu của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không lâu sau khi Nga tấn công Ukraine, tướng Pháp Celment Torrent đã nhận chỉ thị: ông có 6 tháng để xây dựng một căn cứ cho 1.000 binh sĩ ở rìa phía Đông của NATO.

Ông Torrent và khoảng 200 binh sĩ đến từ Pháp, Bỉ và Hà Lan giờ đang bận rộn với việc xây dựng trên một đỉnh đồi ở khu vực Transylvania ở Romania.

“Thời hạn chót của chúng tôi là trước mùa Đông,” ông Torrent, người dẫn đầu một nhóm tác chiến kỹ thuật, phát biểu tại Cincu, cách Bucharest khoảng 260 km. “Đây là dấu hiệu của sự đoàn kết. Một khối đồng minh cần phải rõ ràng.”

Binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của Romania. Nước này đang có kế hoạch mua thêm xe thiết giáp, chiến đấu cơ và tàu ngầm (Ảnh: Shutterstock)

Binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của Romania. Nước này đang có kế hoạch mua thêm xe thiết giáp, chiến đấu cơ và tàu ngầm (Ảnh: Shutterstock)

Trong lúc các cường quốc phương Tây chạy đua để đối phó với mối đe dọa mà họ cho là gây ra bởi Tổng thống Vladimir Putin, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã trả lời một câu hỏi mà các nước NATO đã đặt ra suốt nhiều năm: liệu các thành viên lâu năm hơn như Mỹ, Pháp và Đức có chiến đấu vì các đồng minh ít giàu có hơn, từng thuộc Liên Xô trong trường hợp họ bị tấn công hay không.

Nhưng cuộc chiến này lại làm dấy lên nhiều câu hỏi khác, bao gồm liệu NATO có đang nỗ lực đủ để chống lại cái mà họ coi là sự bành trướng của Nga sau nhiều năm được đầu tư chưa xứng đáng và phớt lờ những cảnh báo hay không, và liệu nỗ lực củng cố cho khu vực Biển Đen có nên thực hiện từ lâu hay không.

6 tháng sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, NATO giờ đang tập trung vào cách đối phó với Nga ở rìa Đông Nam của châu Âu và ngăn chặn nguy cơ để một trong những khu vực nghèo nhất của lục địa này trở thành một yếu điểm an ninh.

Biển Đen chia tách châu Âu với châu Á và được bao quanh bởi Nga, Ukraine, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia. Đây là một tuyến đường thương mại quan trọng đối với các mặt hàng nông sản của Ukraine và Nga, và kết nối với Địa Trung Hải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow hiện đang ưu tiên khu vực Đông Nam của châu Âu, theo Matthew Orr, chuyên gia phân tích đến từ hãng Stratfor. Việc Nga tăng cường xây dựng ở đây “cho thấy người Nga quan ngại về khu vực đến mức nào, và họ muốn tăng cường hiện diện quân sự ở đây như thế nào – đến mức mà NATO cần phải phản ứng,” ông nói.

Trong nhiều năm qua, nhiều nhà lãnh đạo ở Đông Âu đã cảnh báo về mối đe dọa từ việc Nga tăng cường xây dựng, sau cuộc chiến ở Georgia năm 2008. Và đến năm 2014, Crimea trở lại thành một phần của nước Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khoảng thời gian đó, Điện Kremlin đã củng cố sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đen, điều động các lực lượng mặt đất, tăng cường các hệ thống phòng không và hiện đại hóa các hạm đội của họ, cùng lúc tăng cường hoạt động trong các vùng chiến sự như Libya và Syria, nơi họ có một căn cứ hải quân.

“Biển Đen là cánh cửa để Nga đi tới vùng biển ấm, cụ thể là Địa Trung Hải,” Iulia Joja, Giám đốc chương trình Biển Đen thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, nói. “Đó là cánh cửa ngõ để Nga bơm sức mạnh và lực lượng vào khu vực Trung Đông, châu Phi và nhiều khu vực khác.”

Chỉ vài tuần sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ ngày 24/2, NATO đã nhất trí trong một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels về việc thành lập thêm 4 đơn vị chiến đấu mới ở Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia, để tăng cường cho 4 đơn vị mà họ đã triển khai tới Ba Lan và các nước Baltic.

Logo của NATO trên thân khu trục hạm Regina Maria của Romania (Ảnh: AFP)

Logo của NATO trên thân khu trục hạm Regina Maria của Romania (Ảnh: AFP)

Romania, quốc gia có gần 19 triệu dân và chia sẻ 640 km đường biên giới với Ukraine, vốn đã có khoảng 1.000 binh sĩ NATO đồn trú trước khi chiến sự ở Ukraine xảy ra, trong đó căn cứ trên Biển Đen của họ ở Mihail Kogalniceanu đóng vai trò là điểm trung chuyển binh sĩ cho các vùng có xung đột ở Trung Đông.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, các nước đồng minh NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của họ ở rìa phía Đông của khối này, triển khai thêm binh sĩ, chiến đấu cơ và chiến hạm.

Hiện tại, kế hoạch của họ là thiết lập nhiều đồn trú ở các nước thành viên còn lại nằm ở rìa phía Đông, nơi mà các đơn vị mới, bao gồm khoảng 1.000 binh sĩ, sẽ thường xuyên luân chuyển. Sự tăng cường hiện diện này là điều mà các nước Baltic và Ba Lan đã kêu gọi trong suốt nhiều năm. Nga đã đe dọa sẽ có phản ứng, mặc dù không nêu rõ phản ứng đó là gì.

Mặc dù hầu hết giới chức NATO nghi ngờ khả năng Nga sẽ tấn công trực tiếp một nước thành viên, nhưng giờ khối này có kế hoạch duy trì binh sĩ quốc tế dọc các đường biên giới “trong nhiều năm để đảm bảo rằng tình hình được ổn định,” ông Garrigou Grandchamp, đại diện an ninh cấp cao của Pháp ở Romania, cho hay.

Kế hoạch này sẽ cần sự đầu tư, điều rất thiếu ở Romania và Bulgaria. Hai nước này đã gia nhập NATO vào năm 2004, 3 năm trước khi họ trở thành thành viên của EU. Đến nay họ vẫn đang cố gắng thu hẹp khoảng cách với các đối tác giàu hơn, bởi vậy mà làm ảnh hưởng tới nỗ lực của họ trong mọi hoạt động, từ việc tiếp nhận người tị nạn cho tới hỗ trợ Ukraine xuất khẩu nông sản.

“Vấn đề không chỉ là về quốc phòng, mà là về an ninh lương thực,” Thủ tướng Romania Nicole Cica nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 2/8. “Bởi vậy mà tất cả những quyết định được đưa ra nhằm tăng khả năng răn đe và quốc phòng dọc rìa phía Đông đều được hoan nghênh.”

Một lĩnh vực cần đầu tư khác của NATO chính là nhằm tăng cường sức mạnh quân đội của Romania. Hầu hết các nước thành viên NATO trước đây đều không hoàn thành mục tiêu chi ít nhất 2% GDP vào quốc phòng. Nhưng Romania đã hoàn thành mục tiêu đó kể từ năm 2015 đến nay và sẽ tăng lên 2,5% GDP trong năm tới.

Theo SCMP