NATO thừa nhận các nước thành viên đã điều cố vấn tới Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cố vấn quân sự của các nước phương Tây đã được điều đến các Đại sứ quán ở Kiev, người đứng đầu NATO cho hay.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty)

Các nước thành viên NATO đã triển khai một số nhân sự đến các Đại sứ quán của họ ở thủ đô Kiev, Ukraine để thực hiện nhiệm vụ cố vấn - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với kênh MSNBC News.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Stoltenberg đã nhận được câu hỏi rằng có phải NATO đang có kế hoạch triển khai thêm nhân sự tới hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga. “NATO không có bất kỳ kế hoạch nào để hiện diện chiến đấu ở Ukraine. Nhưng tất nhiên, một vài đồng minh NATO đã triển khai nhân lực tới các Đại sứ quán để cố vấn”, ông Stoltenberg trả lời.

Bình luận của ông Stoltenberg xuất hiện sau khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder nói với tạp chí Politico rằng Mỹ đang cân nhắc về việc triển khai thêm cố vấn quân sự tới Đại sứ quán của họ ở Kiev. Theo Politico, các cố vấn được triển khai thêm sẽ có nhiệm vụ xử lý vấn đề hậu cần và bảo trì các hệ thống vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số lãnh đạo châu Âu không loại trừ khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine trong tương lai, nhưng NATO đến nay vẫn khẳng định rằng họ không phải một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này.

Gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD được Hạ viện Mỹ thông qua trong hôm thứ Bảy tuần trước là tin tốt, tuy nhiên, “sự trì hoãn đã gây ra những hậu quả thực chất” trên chiến trường, ông Stoltenberg nói thêm. “Phía Ukraine đã bị áp đảo trong suốt nhiều tháng nay”.

Gói viện trợ của Mỹ – bao gồm tiền mua vũ khí cho Ukraine – đã bị mắc kẹt ở Hạ viện suốt nhiều tháng do sự bất đồng về chính trị.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần phàn nàn rằng gói viện trợ bị trì hoãn đã gây ra tình trạng thiếu đạn dược trên tiền tuyến, đồng thời cảnh báo rằng Kiev có thể thua trận nếu tình trạng này tiếp diễn. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp chỉ trích rằng “sự thiếu hành động của Quốc hội” đã khiến cho thành trì Avdeevka ở Donbass rơi vào tay Nga trong tháng 2.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng vũ khí và trang thiết bị mà phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ không thể ngăn chặn họ đạt được các mục tiêu quân sự - trong đó bao gồm dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine.

Hàng viện trợ vũ khí bổ sung của phương Tây sẽ chỉ “khiến cho nhiều người Ukraine bị chết do chính quyền Kiev,” và khiến cho nhiều nước phương Tây trở thành một bên tham gia xung đột trên danh nghĩa, Điện Kremlin tuyên bố.

Theo RT