Theo Petapixel, mẫu camera Fluid Cam của NASA có khả năng chụp được xuyên qua lớp sóng biển và thể hiện chi tiết hình ảnh bên dưới.
NASA mô tả: "Thử tưởng tượng, bạn đang nhìn một thứ gì đó ở dưới đáy hồ bơi. Nếu không có ai bơi trong hồ, bạn có thể nhìn thấy nó dễ dàng. Nhưng nếu có ai bơi và tạo ra các đợt sóng nước di chuyển, hình dạng vật thể bạn nhìn thấy sẽ trở nên méo mó. Bạn sẽ không thể phân biệt được kích thước hoặc hình dạng của nó".
Camera Fluid Cam ra đời với mục đích loại bỏ các biến dạng quang học do sóng trên bề mặt nước gây ra. Hình ảnh thu được cuối cùng nhờ đó sẽ trở nên chi tiết và rõ ràng hơn như khi chụp từ bên dưới bề mặt nước.
Hình ảnh qua ống kính của camera Fluid Cam trở nên rõ ràng và chi tiết hơn rất nhiều nhờ việc loại bỏ tác động của sóng biển
Fluid Cam là sản phẩm của nhà khoa học Ved Chirayath đến từ Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA tại Thung lũng Silicon. Kỹ thuật chụp hình xuyên qua lớp sóng biển được Chirayath gọi là "fluid lensing", kỹ thuật này là sự kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm cao cấp.
Cấu hình của camera cũng khá ấn tượng với ống kính Leica Elmarit-M 28mm f/2.8 ASPH giá 2.300 USD, bộ xử lý 16 nhân và bộ nhớ 1TB. Tốc độ truyền dữ liệu của máy lên tới 550MB/s.
Hiện tại, Fluid Cam mới chỉ được thử nghiệm trên drone nhưng NASA dự kiến sẽ thử nghiệm camera trên các vệ tinh nhằm thu thập dữ liệu hình ảnh từ các rạn san hô trên thế giới.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư