Nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, Fed "vùi dập" kỳ vọng giảm lãi suất trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới chức Fed quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp mới nhất, đồng thời phát tín hiệu rằng khó có khả năng hạ lãi suất trong năm nay.
Giới chức Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp (Ảnh: WSJ)

Giới chức Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp (Ảnh: WSJ)

“Nhiều người đã nói về việc ngừng nâng lãi suất, nhưng trong cuộc họp này thì không. Chúng tôi nhận định lãi suất đã tiệm cận hoặc đang ở mức cần thiết", Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/3 (theo giờ Mỹ).

Đây là lần thứ 10 liên tiếpFed nâng lãi suất nhằm chống lạm phát. Lãi suất tham chiếu hiện tại ở trong khoảng 5-5,25%, cao nhất trong vòng 16 năm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh sau quyết định của Fed. Nỗi lo về suy thoái kinh tế tiếp tục đẩy giá dầu thô lao dốc, với mức giảm hơn 4%.

Với đợt nâng mới nhất, Fed đã nâng lãi suất tham chiếu lên mức 5%. So với mức lãi suất gần 0 hồi tháng 3/2022, đây là nhịp độ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980. Lãi suất tham chiếu sẽ tác động tới nhiều lãi suất khác trong mọi khu vực của nền kinh tế, như lãi suất vay thế chấp, thẻ tín dụng và vay doanh nghiệp.

Cho đến nay, giới chức Fed đã tuyên bố rằng họ vẫn luôn quan sát sự phục hồi của nền kinh tế để có thể ngừng nâng lãi suất. Nhưng ông Powell chỉ ra rằng kế hoạch đó giờ có thể thay đổi, vì họ cần phải nhìn thấy tín hiệu của đà tăng trưởng bền vững và lạm phát mới có thể tiếp tục nâng lãi suất. Cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra trong ngày 13 và 14/6.

Fed đã sử dụng các biện pháp như nâng lãi suất, thắt chặt các điều kiện tài chính (bằng cách tăng chi phí vay mượn, giảm giá cổ phiếu và làm đồng USD mạnh hơn) để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khủng hoảng trong ngành ngân hàng Mỹ có thể tiếp tục khiến Fed thắt chặt điều kiện tài chính, nhưng thắt chặt tín dụng sẽ rất khó dự đoán về mức độ nghiêm trọng.

“Chúng tôi rất hiểu về chính sách tiền tệ. Nhưng thắt chặt tín dụng lại là vấn đề khác”, ông Powell nói.

Giới phân tích cho rằng, bình luận mà ông Powell đưa ra đã phản ánh sự thay đổi quan trọng trong cách điều hành của Fed, trong lúc họ đang cân nhắc về những bước đi tiếp theo.

“Trong suốt 12 tháng vừa qua, họ luôn tập trung vào lạm phát và tốc độ tăng trưởng việc làm”, Blerica Uruci, trưởng kinh tế gia Mỹ đến từ hãng T. Rowe Price, nói. “Giờ đây, có lẽ sự tập trung đó đang được mở rộng. Căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng và các điều kiện tín dụng sẽ trở thành một phần trong tính toán của họ".

Trong tháng 3 năm nay, Fed từng cân nhắc về việc ngừng nâng lãi suất sau khi 2 ngân hàng sụp đổ, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank, làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống. Nhưng sau đó họ kết luận rằng căng thẳng đã lắng xuống, đủ để tiếp tục nâng lãi suất. Quyết định này được đưa ra vào ngày 22/3.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của ngân hàng First Republic, hiện đã được JPMorgan Chase mua lại, cho thấy những lo ngại về hệ thống ngân hàng vẫn tác động tới viễn cảnh kinh tế. Ông Powell cũng ra sức trấn an dư luận liên quan tới cú sập ngân hàng mới nhất. “Có 3 ngân hàng lớn ngay từ đầu đã nằm ở tâm điểm của cơn khủng hoảng, như chúng ta đã chứng kiến”, ông nói. “Những ngân hàng này đều đã được giải quyết ổn thoả và tất cả người gửi tiền đều được bảo vệ".

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu giảm nhiệt đôi chút, nhưng thị trường việc làm vẫn nóng (Ảnh: Reuters)

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu giảm nhiệt đôi chút, nhưng thị trường việc làm vẫn nóng (Ảnh: Reuters)

Kinh tế Mỹ bắt đầu hạ nhiệt?

Kể từ sau cuộc họp của Fed hồi tháng 3, nền kinh tế Mỹ cho thấy ít nhiều có tín hiệu hạ nhiệt – chủ yếu trong chi tiêu tiêu dùng và hoạt động sản xuất. Số lượng công việc đăng tuyển đã giảm trong tháng 2 và tháng 3, tỷ lệ người lao động ở khu vực tư nhân tự nguyện bỏ việc đã trở lại mức gần sát tiền đại dịch, điều này cho thấy thị trường lao động đã hạ nhiệt đôi chút.

Tuy nhiên, hoạt động tuyển mộ vẫn “nóng”. Các chủ doanh nghiệp đã thêm gần 345.000 việc làm mỗi tháng trong quý đầu tiên của năm 2023.

Đà tăng trưởng vững chắc của việc làm và tăng lương có thể tiếp tục duy trì lạm phát ở mức cao. Chỉ số PCE - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, là chỉ số mà Fed đang theo dõi, đã tăng 4,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù con số này giảm so với mức tăng 5,1% của tháng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) vẫn tăng mạnh 4,6% trong tháng 3, giảm so với mức tăng 5,1% trong tháng 10/2022. Thị trường nhà ở - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ những đợt nâng lãi suất của Fed – đã có dấu hiệu cải thiện.

Trong cuộc phỏng vấn sau cuộc họp chính sách, ông Power cũng tìm cách xoa dịu kỳ vọng của thị trường về những đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, mặc dù thừa nhận rằng tâm lý này xuất phát từ việc các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ nhanh chóng giảm xuống.

“Trong hội đồng này, chúng tôi có quan điểm rằng lạm phát sẽ không giảm nhanh đến như vậy. Và nếu như dự báo đó đúng, thì việc hạ lãi suất là chưa phù hợp, và chúng tôi sẽ không hạ lãi suất”, ông nói.

Theo Wall Street Journal