Fed vẫn muốn nâng lãi suất trong tháng 5, bất chấp rủi ro suy thoái tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới chức Fed vẫn muốn nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 5/2023 dù dự báo suy thoái có thể xảy ra vào cuối năm.
Fed từng cân nhắc về việc ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 3 (Ảnh: Getty)
Fed từng cân nhắc về việc ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 3 (Ảnh: Getty)

Bất chấp suy thoái, Fed vẫn muốn nâng lãi suất

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank khiến giới chức Fed phải ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp trước. Nhưng theo biên bản họp trong ngày 21-22/3 vừa được công bố, họ cho rằng tình hình đã được kiểm soát và đủ điều kiện để tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25%.

Biển bản cuộc họp mới nhất cũng cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất, các chuyên gia kinh tế của Fed đã đưa ra dự báo về một cuộc suy thoái có thể sẽ xảy ra vào cuối năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo Wall Street Journal, biên bản họp cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ của Fed, trong đó một số quan chức chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn về suy thoái lớn hơn so với dự báo trước đó, và số còn lại chỉ ra viễn cảnh lạm phát dai dẳng hơn trong năm nay.

Giới chức Fed kết luận rằng, do sức ép giá cùng nhu cầu lao động vẫn ở mức cao, “họ tin rằng thắt chặt thêm chính sách hiện nay là điều phù hợp” để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% đã đề ra, theo biên bản họp. Họ cũng nói sẽ tập trung hơn vào các điều kiện cho vay ngân hàng khi cân nhắc về bước đi tiếp theo của mình.

Đợt nâng lãi suất gần đây nhất đã đẩy lãi suất quỹ liên bang trong khoảng 4,75%-5%. Tất cả 18 quan chức tham gia vào vòng họp về lãi suất hồi tháng trước đều ủng hộ nâng lãi suất, theo biên bản họp.

Các dự báo kinh tế mới được công bố sau đó cho thấy hầu hết ý kiến đều cho rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Phần lớn kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao sau đợt nâng đó, do nền kinh tế có đà tăng trưởng thấp trong năm nay và nhu cầu lao động “hạ nhiệt”.

Thị trường lao động Mỹ vẫn ở trạng thái khoẻ mạnh (Ảnh: FT)

Thị trường lao động Mỹ vẫn ở trạng thái khoẻ mạnh (Ảnh: FT)

Trong suốt năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất với nhịp độ cao nhất kể từ những năm 1980 để chống lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Cho đến mãi gần đây, giới chức Fed mới đánh tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi nhận thấy thêm bằng chứng rằng hoạt động kinh tế và đà tăng giá chậm lại.

Tuy nhiên, viễn cảnh về lãi suất trở nên mờ mịt hơn sau cú sốc ngành ngân hàng, bắt đầu vào ngày 9/3 khi khách hàng đồng loạt rút tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến ngân hàng này sụp đổ nhanh chóng. Các cơ quan quản lý cũng đóng cửa ngân hàng Signature Bank vào ngày 12/3 và can thiệp quyết liệt để vực dậy niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Cần thêm những đợt nâng lãi suất

Nhiều quan chức Fed tin rằng “điều kiện tín dụng sẽ được thắt chặt thêm, và rằng điều đó sẽ mang lại những hiệu ứng tương tự như chính sách của chúng tôi,” Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/3. “Và nếu điều đó không đúng, về nguyên tắc, sẽ cần thêm những đợt nâng lãi suất.”

Mức tăng lạm phát trong tháng trước đã giảm nhẹ, theo Bộ Lao động Mỹ. Chỉ số CPI tăng 0,1% trong tháng 3 và 5% so với 12 tháng trước đó, đây là mức tăng nhỏ nhất trong gần 2 năm. Nhưng các chỉ số giá lõi, trừ giá thực phẩm và năng lượng, lại tăng 0,4% trong tháng 3 và 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 5,5% so với tháng 2.

Fed kiềm chế lạm phát bằng cách “hạ nhiệt” nền kinh tế thông qua nâng lãi suất. Điều này khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt – như tăng chi phí cho vay, giảm giá cổ phiếu và đồng USD mạnh hơn, làm giảm cầu.

“Mặc dù hiệu quả toàn phần của chính sách thắt chặt tiền tệ này vẫn chưa được cảm nhận hết, sức khoẻ của nền kinh tế và nhận định về lạm phát cho thấy vẫn còn nhiều điều cần làm,” Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, phát biểu trong hôm 12/4.

Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker nói rằng, từ lâu ông đã cho rằng ngân hàng trung ương cần phải nâng lãi suất trên 5% “và duy trì mức đó trong một khoảng thời gian.”

Năm ngoái, sự hồi phục của chuỗi cung ứng khiến nhiều người có lý do để tin rằng đà tăng giá sẽ chậm lại. Nhưng trong năm nay, lạm phát giảm hay không còn tuỳ thuộc vào giảm nhu cầu lao động và giảm chi tiêu tiêu dùng. “Nếu bạn không thấy nhu cầu giảm, rất khó để nghĩ rằng lạm phát sẽ giảm,” Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin nhận định./.

Theo Wall Street Journal