Năm lạm phát 'càn quét' toàn cầu sắp qua, năm 2023 sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2022 là năm chứng kiến lạm phát 'càn quét' thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải gấp rút tăng lãi suất. Nhưng hành động này cũng có mặt trái. Nó đẩy nhiều nền kinh tế tới bờ vực suy thoái vào năm 2023.
Kinh tế toàn cầu có thể trượt vào một cuộc suy thoái trong năm 2023 (Ảnh: The Economist)
Kinh tế toàn cầu có thể trượt vào một cuộc suy thoái trong năm 2023 (Ảnh: The Economist)

“Lạm phát thấp thực sự là vấn đề của kỷ nguyên này”, John Williams, Chủ tịch Fed New York, từng nhận định như vậy vào cuối năm 2019. Nó thể hiện rõ quan điểm của số đông lúc bấy giờ.

Giờ đây, mọi chuyện đã khác. Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng mạnh trong năm 2022. Tình trạng này có thể được cải thiện trong năm 2023 nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ phải trả giá đắt.

Lạm phát 'càn quét'

Điều khiến năm 2022 trở nên khác thường là áp lực đột biến về giá cả, theo The Economist. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu vào cuối năm nay ở mức 9%.

Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, lạm phát cao là thách thức mà họ thường xuyên gặp phải. Nhưng đối với những nước giàu, thời điểm gần đây nhất mà họ đối diện với lạm phát cao đến vậy là vào đầu những năm 1980.

Ở Mỹ, giá tiêu dùng đang trên đường tăng thêm khoảng 7% trong năm 2022, mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Ở Đức, con số này là gần 10%, đánh dấu lần đầu tiên lạm phát hai con số kể từ năm 1951.

Những yếu tố chung khiến cho lạm phát tăng ở khắp mọi nơi chính là giá nhiên liệu và giá thực phẩm tăng mạnh.

Giá cả nhiều loại hàng hóa tiêu dùng vốn đã có xu hướng tăng từ đầu năm 2022 do các chuỗi cung ứng chịu tác động tiêu cực của COVID-19. Cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine trong tháng 2 năm nay càng khiến tình trạng thêm nghiêm trọng. Giá dầu tăng vọt khi các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt với Nga.

Giá thực phẩm cũng tăng mạnh, chủ yếu do giá phân bón và chi phí vận chuyển tăng, thêm nữa là việc Nga chặn tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Xét về mặt kinh tế, diễn biến này không khác gì một cú sốc nguồn cung kinh điển.

Sự tăng giá đột ngột của các loại hàng hóa quan trọng nhanh chóng tác động tới cuộc sống thường nhật của người dân trên toàn thế giới.

Ở châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, hàng triệu người chật vật do chi phí sưởi ấm trong mùa Đông tăng cao. Trên toàn khu vực, thực phẩm và nhiên liệu đóng góp tới hơn một nửa mức lạm phát của năm 2022.

Nếu như lạm phát chỉ là một hiện tượng về nguồn cung thì nó đã gây ra đủ đau đớn.

Nhưng diễn biến đáng ngại nhất đối với các ngân hàng trung ương là sức ép lạm phát đã thấm vào những thành phần “lõi” của các chỉ số giá – cụ thể là hàng hóa và dịch vụ thay vì thực phẩm và năng lượng.

Sự gia tăng của các chỉ số giá lõi là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang lấy dần động lực.

Điều này chỉ ra thêm nhiều nguyên nhân khác, ngoài cú sốc dầu thô. Nhiều quốc gia hiện đang có thị trường lao động quá khỏe mạnh, một phần là do làn sóng nghỉ hưu sớm trong bối cảnh đại dịch.

Tại Mỹ, nơi có lạm phát lõi tăng cực kỳ cao, có thêm một nguyên nhân khác chính là các gói kích thích khổng lồ của chính phủ và Fed ngay trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19.

Trong phần lớn của năm 2022, những gói kích thích này đã làm tăng mạnh nhu cầu mua sắm, khiến cho hoạt động chi tiêu cá nhân thậm chí còn sôi động hơn so với giai đoạn trước đại dịch.

Đáng chú ý, nền kinh tế lớn có mức lạm phát thấp nhất chính là Trung Quốc. Chiến lược zero-COVID của họ đã khiến chi tiêu rớt xuống mức thấp hơn nhiều so với trước đại dịch.

Lạm phát qua đi, kinh tế sẽ trả giá đắt?

Ở hầu hết quốc gia, có sự lo lắng rằng giá cả leo thang sẽ làm thay đổi những kỳ vọng của người dân về lạm phát, khiến họ yêu cầu mức lương cao hơn.

Nó được gọi là vòng xoáy tiền lương/giá cả. Diễn biến này sẽ khiến cho lạm phát khó được kiềm chế hơn.

Chỉ riêng mối đe dọa này cũng đã đủ để khiến các ngân hàng trung ương phải hành động.

Fed là bên đưa ra những hành động quyết liệt nhất, nâng lãi suất từ mức 0 trong tháng 3 lên hơn 4% ở thời điểm hiện nay, đánh dấu nhịp độ nâng lãi suất nhanh nhất trong suốt 4 thập kỷ. Các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển, từ Thụy Điển cho tới Australia, cũng tiếp bước Fed.

Một cách để mô tả về lạm phát trong năm 2023 là một trận đấu giữa cung đang lên và cầu đang giảm.

Tin tốt là một số yếu tố gây lạm phát vào đầu năm 2022 đã bắt đầu suy giảm.

Giá hàng tiêu dùng đã giảm khi các chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Giá dầu cũng giảm trở về mức như cách đây một năm, một phần nhờ vào đà hồi phục sản xuất. Chính sách tiền tệ thắt chặt cũng đã bắt đầu có tác dụng.

Những khu vực vốn nhạy cảm với lãi suất sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng nhất, cụ thể là thị trường bất động sản với lượng giao dịch gần như cạn khô.

Nếu sự phục hồi nguồn cung – bao gồm cả lực lượng lao động sẵn sàng nhận việc – đủ nhanh và lớn, các ngân hàng trung ương có thể ngừng thắt chặt chính sách trước khi gây ra một cuộc suy thoái. Nhưng ở thời điểm này, có vẻ như nhiều khả năng họ sẽ gây thiệt hại thực sự cho nền kinh tế toàn cầu.

Bước sang năm 2023, nỗi lo về lạm phát có thể nhường chỗ cho nỗi lo về thất nghiệp gia tăng./.

Theo The Economist