Lạm phát sẽ tiếp tục ám ảnh nền kinh tế châu Âu trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nền kinh tế châu Âu sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong năm 2023, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao.
Khủng hoảng năng lượng khiến cho lạm phát ở châu Âu thêm trầm trọng (Ảnh: Reuters)
Khủng hoảng năng lượng khiến cho lạm phát ở châu Âu thêm trầm trọng (Ảnh: Reuters)

Như tiểu thuyết gia Stefan Zweig từng nói vào năm 1942: Không có gì khiến cho người Đức phải nếm cay đắng, thù hận Hitler bằng lạm phát.

Đúng 100 năm sau, châu Âu lại một lần nữa phải vật lộn với lạm phát, nguyên nhân là một cuộc chiến tranh.

Siêu lạm phát vẫn còn là viễn cảnh xa vời: các nền kinh tế của châu Âu vẫn mạnh mẽ, và các nhà hoạch định chính sách cam kết giữ cho nợ công bền vững và nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Nhưng đến năm 2023, sự tác động đầy đủ của giá cả leo thang và cơn khát năng lượng đối với nền kinh tế sẽ được cảm nhận trên khắp châu lục – dẫn tới một cuộc suy thoái và sau đó là đà phục hồi chậm chạp.

Trước hết là năng lượng. Trong cuộc chiến tại Ukraine, Nga đã sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí chống lại những nước phương Tây ủng hộ Kiev, giảm mạnh lượng khí đốt xuất sang châu Âu và khiến giá mặt hàng này tăng vọt.

Thêm nữa, nhiều nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã ngừng hoạt động để sửa chữa, và một đợt hạn hán trên khắp châu Âu đã tác động tới thủy điện. Những nhà máy điện chạy bằng khí đốt – với chi phí hết sức đắt đỏ - phải sản xuất bù lại lượng thiếu hụt đó.

Vào năm 2023, năng lượng vẫn sẽ có mức giá đắt đỏ. Châu Âu đã phải nhập khẩu thêm khí hóa lỏng (LNG) nhưng các nguồn cung ứng toàn cầu lại không tăng đủ để đáp ứng được nhu cầu đó. Các cơ sở dự trữ khí đốt đã gần đầy, và nhờ vào một mùa Thu ấm áp, nên sẽ không hoàn toàn trống vào mùa Xuân.

Tuy nhiên, các nước sản xuất dầu dường như rất kiên quyết trong việc duy trì sự khan hiếm của dầu, bất chấp sức ép ngoại giao từ phương Tây. Trong năm tới, các nhà máy điện hạt nhân của Pháp sẽ nối lại hoạt động, nhưng chắc chắn không đủ để làm giảm đáng kể chi phí năng lượng.

Điều này sẽ làm lạm phát cao hơn so với nhiều người kỳ vọng. Khi giá năng lượng thô ngừng tăng, lạm phát trong năm 2023 sẽ giảm so với năm 2022, về mặt cơ chế. Nhưng giá một số loại năng lượng vốn được thiết lập dựa trên những hợp đồng dài hạn nên chưa tăng đầy đủ.

Ở phần còn lại của nền kinh tế, cú sốc giá năng lượng sẽ tiếp tục khiến giá cả tăng cao.

Lương cơ bản sẽ tăng để bù lại cho khoản thu nhập thực tế bị hao hụt, khiến cho chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên.

Các doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển gánh nặng chi phí này sang phía khách hàng để bảo vệ lợi nhuận của họ.

Ở lĩnh vực dịch vụ, vốn không liên quan tới năng lượng, tình trạng tăng giá sẽ cần có thời gian để chậm lại.

Người tiêu dùng châu Âu sẽ cảm thấy rõ gánh nặng tài chính trong năm 2023 (Ảnh: Reuters)

Người tiêu dùng châu Âu sẽ cảm thấy rõ gánh nặng tài chính trong năm 2023 (Ảnh: Reuters)

Người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ bắt đầu cảm thấy gánh nặng trong năm 2023. Trong năm 2022, một năm phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhu cầu du lịch và đi ăn nhà hàng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế. Ngành du lịch trong năm qua được hưởng lợi từ nhu cầu du lịch tăng đột biến giai đoạn sau dịch và những sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhưng đến năm 2023, ngân sách hộ gia đình sẽ gặp phải khó khăn 2 mặt: giá năng lượng cao hơn và nợ thế chấp cao hơn do lãi suất vẫn được duy trì ở mức cao để chống lạm phát. Các công ty cũng sẽ bị vắt kiệt, bởi vậy phải giảm đầu tư. Tất cả những yếu tố này sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào chỗ suy thoái.

Không giống như những đợt suy thoái trước đây, nền kinh tế toàn cầu cũng không thể đứng ra hỗ trợ cho nền kinh tế châu Âu. Các đơn hàng xuất khẩu cho ngành công nghiệp của châu Âu vẫn sẽ ở mức thấp trong năm 2023, trong khi lãi suất cao hơn, cơn khát năng lượng toàn cầu và đồng USD mạnh làm suy yếu đà tăng trưởng và nhu cầu trên toàn thế giới.

Chỉ khi giá năng lượng giảm, và lạm phát ở Mỹ được kiểm soát, đà tăng trưởng toàn cầu mới có thể kéo theo đà phục hồi kinh tế ở châu Âu. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong năm 2023.

Một điểm sáng trong viễn cảnh ảm đạm đó là thị trường lao động. Nền kinh tế châu Âu ngày càng thiếu lao động, do một bộ phận người lớn nghỉ hưu trong khi chỉ có một nhóm người trẻ ít hơn tham gia vào lực lượng lao động.

Các công ty sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi thuê lao động, và những kế hoạch hỗ trợ hào phóng sẽ giúp bảo đảm công ăn việc làm. Nhiều người tiêu dùng sẽ cảm thấy lo lắng về chi phí năng lượng và nợ thế chấp trong năm 2023, nhưng sẽ có ít người lo mất việc làm.

Sự hỗ trợ của chính phủ đối với hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu diễn ra ở châu Âu trong năm 2023.

Chính phủ nhiều nước châu Âu đang cố gắng bảo vệ cử tri của họ khỏi tác động của giá năng lượng tăng.

Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động của khủng hoảng năng lượng. Nó cũng sẽ giúp giảm sự chia rẽ về chính trị thường xuất hiện trong bối cảnh lạm phát./.

Theo The Economist