Viễn cảnh ảm đạm cho kinh tế toàn cầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2022 là một năm đầy những biến động, với những sự kiện lớn gây ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới có khả năng cao sẽ trượt vào suy thoái trong năm 2023 (Ảnh: AZ)
Nền kinh tế thế giới có khả năng cao sẽ trượt vào suy thoái trong năm 2023 (Ảnh: AZ)

Chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine đã dẫn tới cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945, sự leo thang căng thẳng hạt nhân nguy hiểm nhất kể từ sau Khủng hoảng Tên lửa Cuba và những đòn cấm vận ngặt nghèo nhất kể từ những năm 1930. Giá thực phẩm và năng lượng làm tỷ lệ lạm phát tăng đến mức cao nhất kể từ thập kỷ 80 ở nhiều quốc gia, cùng với thách thức lớn nhất về kinh tế vĩ mô mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt.

Những nhận định tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua – rằng biên giới của một nước là không thể xâm phạm, vũ khí hạt nhân sẽ không được đem ra sử dụng, lạm phát sẽ ở mức thấp và vầng hào quang của các nước giàu sẽ được duy trì – đều bị chấn động.

3 cú sốc kết hợp lại đã gây ra tình trạng bất ổn hiện nay. Lớn nhất trong số đó là địa chính trị. Trật tự thế giới thời kỳ hậu chiến do Mỹ dẫn đầu đã bị thách thức, chủ yếu là bởi Nga, và càng phức tạp hơn trong khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng trở nên căng thẳng. Lòng quyết tâm mà Mỹ và các nước châu Âu thể hiện qua việc chống lại hành động của Nga ở Ukraine có thể đã vực dậy khái niệm “phương Tây”, cụ thể là khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Phần lớn dân số thế giới sinh sống ở những quốc gia không ủng hộ các đòn trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai bác bỏ giá trị chung vốn là nền tảng của trật tự của phương Tây. Sự tách rời về mặt kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở thành một thực tại. Nhiều rạn nứt cũng xuất hiện giữa các nước vốn là đồng minh lâu năm, ví dụ như quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Arab Saudi.

Sự kết hợp giữa 3 cú sốc lớn có thể khiến kinh tế toàn cầu trượt vào suy thoái (Ảnh: Freepik)

Sự kết hợp giữa 3 cú sốc lớn có thể khiến kinh tế toàn cầu trượt vào suy thoái (Ảnh: Freepik)

Cú sốc hàng hóa và năng lượng toàn cầu

Cuộc chiến ở Ukraine cũng dẫn tới cú sốc hàng hóa lớn nhất kể từ thập kỷ 70 và sự tái định hình nhanh chóng hệ thống năng lượng toàn cầu. Do có vị thế nhà xuất khẩu nông sản quan trọng của thế giới, nên cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, có nguy cơ gây ra nạn đói, cho đến khi cảng Odessa mở cửa lại.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, đối với nhiều quốc gia, hậu quả tức thì từ cuộc xung đột này đã làm tăng đột biến giá thực phẩm và phân bón. Việc Nga “vũ khí hóa” dầu xuất khẩu của họ đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow, khiến cho ngành công nghiệp vốn cần nhiều năng lượng của họ chịu ảnh hưởng tiêu cực ngay tức thì, buộc chính phủ nhiều nước phải chi hàng tỉ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhiều nước châu Âu cũng chạy đua kiếm nguồn cung năng lượng mới.

Diễn biến càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, từ nạn lụt ở Pakistan cho tới các đợt nắng nóng ở châu Âu. Khi giá năng lượng tăng đột biến, ngay cả những chính trị gia có tư tưởng ủng hộ năng lượng xanh nhất ở châu Âu cũng phải quay sang nhất trí khởi động lại các nhà máy điện than.

Giá nhiên liệu tăng mạnh càng khiến cú sốc thứ ba trở nên trầm trọng, mất ổn định kinh tế vi mô. Giá tiêu dùng vốn đã tăng mạnh vào đầu năm 2022 do nhu cầu tăng cao – chủ yếu do các gói kích thích – trong khi các chuỗi cung ứng lại quá tải. Nhưng khi giá năng lượng và giá thực phẩm tăng đột biến, lạm phát hai con số đã trở thành một vấn đề dai dẳng.

Tiếp nối theo động thái của Fed, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất liên tiếp, nhịp độ nhanh nhất trong suốt 4 thập kỷ. Thế nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa thể trở lại trong năm 2022: lạm phát trên toàn cầu vẫn ở sát mức hai con số và gần sát với mức trong thập kỷ 70.

Châu Âu trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 (Ảnh: MarketWatch)

Châu Âu trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 (Ảnh: MarketWatch)

Viễn cảnh suy thoái toàn cầu

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tất cả đều tùy thuộc vào cách mà 3 cú sốc này – địa chính trị, năng lượng và kinh tế - diễn biến, và cách mà chúng tác động lẫn nhau. Trong ngắn hạn, viễn cảnh rất ảm đạm. Phần lớn thế giới sẽ bị trượt vào suy thoái trong năm 2023, và ở một số nơi, sự suy yếu về kinh tế có thể làm tăng rủi ro địa chính trị.

Sự kết hợp đáng sợ này đã được thể hiện khá rõ ở châu Âu. Mặc dù giá năng lượng đã giảm trong mùa Thu, nhưng châu lục này vẫn phải đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt 2022-2023 và 2023-2024. Nhiều nền kinh tế ở châu Âu vốn đã ở bên bờ vực suy thoái. Lãi suất được nâng lên cao hơn nhằm giảm lạm phát, và sẽ tiếp tục làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Một đợt lạnh sẽ đẩy giá khí đốt lên cao và làm tăng nguy cơ mất điện. Đến thời điểm này, chính phủ các nước châu Âu đã ra sức bảo vệ người dân của họ khỏi cú sốc giá năng lượng tồi tệ nhất bằng các biện pháp trợ giá và áp mức giá trần. Nhưng điều này không thể cứ mãi tiếp diễn.

Anh hiện đang trong hình thái tồi tệ nhất, do tổn thất từ sau Brexit và kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ của cựu Thủ tướng Liz Truss. Để tạo dựng lại niềm tin thị trường, Anh sẽ cần phải đưa ra kế hoạch thắt chặt tài chính khắc nghiệt nhất trong nhóm G7, kể cả khi họ trượt vào suy thoái trầm trọng nhất. Italy, từ lâu đã bị tụt hậu ở khu vực châu Âu, cũng là trường hợp đáng lo ngại.

Nguy cơ địa chính trị lớn nhất là Nga, nếu không thể chiến thắng trên chiến trường, họ sẽ cố gắng nhiều hơn để lợi dụng những điểm yếu của châu Âu. Chiến lược này vốn đã được áp dụng ở Ukraine, khi Nga cố gắng phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này khi mùa Đông tới gần. Đến nay, nỗ lực phá vỡ sự đoàn kết ủng hộ Ukraine ở Tây Âu bằng cách vũ khí hóa khí đốt đã thất bại. Nhưng Moscow có thể đi xa hơn, bằng cách cắt hết nguồn cung khí đốt cho châu Âu hoặc phá hủy các đường ống dẫn khí của khu vực này.

Lạm phát ở nhiều nước vẫn ở mức cao và dai dẳng (Ảnh: Getty)

Lạm phát ở nhiều nước vẫn ở mức cao và dai dẳng (Ảnh: Getty)

Kinh tế giảm tốc tăng trưởng

Một nơi khác mà sự suy yếu kinh tế có thể làm tăng nguy cơ trong năm tới là Trung Quốc. Nền kinh tế nước này sẽ bước vào năm 2023 trong khi COVID-19 vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn và tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, kéo tụt đà tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ bước vào năm 2023 với hình thái về cơ bản là mạnh mẽ hơn so với cả Trung Quốc lẫn các nước châu Âu. Những đợt nâng lãi suất mạnh tay của Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái, nhưng do thị trường lao động vẫn khỏe mạnh và tiền tiết kiệm của hộ gia đình vẫn dồi dào, cuộc suy thoái sẽ nhẹ nhàng hơn.

Mặc dù giá xăng cao đã làm tăng lạm phát và tổn hại cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhưng Mỹ vẫn là một nhà sản xuất năng lượng lớn và bởi vậy được hưởng lợi từ những cú sốc hàng hóa trong năm 2022. Nghịch lý thay, trong năm 2023, sức mạnh kinh tế đáng kể của Mỹ có thể lại trở thành vấn đề với phần còn lại của thế giới. Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất sâu hơn trong khoảng thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát, làm tăng sức mạnh của đồng USD và khiến ngân hàng trung ương các nước khác làm theo.

Ở trong nước, một chính phủ bị chia rẽ và đà giảm nhẹ của nền kinh tế có thể tạo ra một môi trường chính trị độc hại hơn ở Washington. Trong môi trường đó, sự ủng hộ viện trợ cho Ukraine có thể giảm đi và làn sóng ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan sẽ tăng. Vế đầu sẽ mang lại lợi ích cho Nga, vế sau sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.

Nói ngắn gọn, có vô vàn lý do để chỉ ra 2023 sẽ là một năm ảm đạm và nguy hiểm tiềm tàng. Nhưng do mọi cuộc khủng hoảng đều sản sinh ra những triển vọng mới, nên cũng có nhiều tin tốt trong bối cảnh bất ổn.

Một số quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Các nền kinh tế trong khu vực Vùng Vịnh đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ nhờ vào giá năng lượng cao mà còn nhờ vị thế trung chuyển tài chính của họ đang tăng lên. Ấn Độ - có thể chiếm ngôi nước đông dân nhất thế giới của Trung Quốc trong năm 2023 – cũng là một điểm sáng khác, nhờ mua được nguồn dầu giá rẻ từ Nga, các khoản đầu tư trong nước tăng, và lãi suất ở các nước khác tăng giúp đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Sự biến đổi này sẽ dẫn tới một số câu hỏi. Khi lạm phát dần dần được kiểm soát, các ngân hàng trung ương sẽ đặt ra câu hỏi rằng họ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ đến đâu. Rất ít ngân hàng trung ương có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2%, bởi vậy mà đang có một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu đây có phải mức mục tiêu đúng cần nhắm đến hay không.

Theo The Economist