Động thái này phản ánh nỗ lực của tập đoàn công nghệ khổng lồ trong nỗ lực mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc, khi doanh nghiệp đối mặt với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến những biện pháp cách ly chống Covid-19.
Nikkei Asia cho biết, tháng 8, Apple được cho là đã đàm phán để chuyển một số hoạt động sản xuất Apple Watch, MacBook và HomePods sang Việt Nam. Hiện nay, đối tác lắp ráp của doanh nghiệp là Foxconn có thể bắt đầu sản xuất MacBook tại quốc gia này bắt đầu vào tháng 5/2023.
Công ty đã thực hiện kế hoạch chuyển một số nhà sản xuất MacBook sang Việt Nam trong gần hai năm qua, thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm ở quốc gia này, theo bản tin trước đó của Nikkei Asia. Apple sản xuất từ 20 triệu đến 24 triệu MacBook mỗi năm, phân bổ sản xuất giữa các cơ sở ở các thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và Thượng Hải của Trung Quốc.Các đối tác sản xuất của công ty đã lắp ráp một số iPhone ở Ấn Độ và cũng đang đàm phán để sản xuất AirPods ở quốc gia này.
Trong tháng 12, CEO Tim Cook của Apple cam kết mua chip do Mỹ sản xuất từ một nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan mới ở Arizona. TSMC đang xây dựng 2 nhà máy trong tiểu bang, nhà máy đầu tiên sẽ khởi động sản xuất vào năm 2024 và một nhà máy khác sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Đó là một năm đầy thách thức đối với Apple trong nỗ lực điều hướng chuỗi cung ứng. Tháng 11/2023, tại nhà máy Trịnh Châu ở Trung Quốc, các công nhân đã xung đột với nhân viên an ninh, cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành. Nhà máy cũng bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid vào tháng 10, khiến hàng nghìn công nhân phải rời khỏi cơ sở khi công ty chuyển sang kiểm soát dịch bệnh bằng biện pháp cách ly những người bị nhiễm bệnh.
Các nhà phân tích cho biết tình trạng bất ổn ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quý IV tháng 12 của Apple, theo truyền thống là quý quan trọng nhất của công ty do đây là mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Đối với Trung Quốc, việc mất quyền sản xuất MacBook tượng trưng cho sự suy yếu rộng rãi vị thế là công xưởng của thế giới. Các nhà sản xuất điện tử hàng đầu từ Apple, HP và Dell, đến Google và Meta đều đã thực hiện một số kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất và tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan chống lại quốc gia này.
Các cơ sở cung cấp máy chủ trung tâm dữ liệu đến Mỹ, sản xuất theo hợp đồng của Google, Meta, Amazon và Microsoft đã chuyển sang Đài Loan, Mexico hoặc Thái Lan.
"Nhìn chung, lợi ích của Trung Quốc về sản xuất chi phí thấp đang mờ dần và nhiều khách hàng Mỹ hiện muốn một số lựa chọn, thay thế bằng những địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc", một giám đốc điều hành tại Inventec, nhà cung cấp sản phẩm chính cho HP và Dell cho biết. "Đây là một xu hướng đang tăng tốc đối với hầu hết các thương hiệu toàn cầu và sẽ không thay đổi trong tương lai."
Trong nhiều thập kỷ, Apple coi Trung Quốc là cơ sở lắp ráp quan trọng nhất, nhưng cao trào của chiến thắng đó đã đạt đến điểm khủng hoảng trong năm 2022. Các địa điểm sản xuất MacBook và iPhone quan trọng ở Thượng Hải phải đối mặt với sự gián đoạn lớn do lệnh phong tỏa và cách ly kéo dài nhiều tháng. Tháng 11, Apple cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max cao cấp cho cao trào mua sắm kỳ nghỉ lễ, nguyên nhân là thiếu lao động do sự cố bùng phát dịch Covid - 19 tại nhà máy lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết, những thay đổi địa điểm đối với chuỗi cung ứng công nghệ là không thể đảo ngược. Ông nói:
"Trước đây, hầu hết mọi người trong ngành luôn hy vọng rằng tình hình có thể giảm bớt và có thể quay lại những ngày xưa tốt đẹp", ông Chiu phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia. “Nhưng lần này, các tập đoàn lớn nhận thấy, thời kỳ hoàng kim không có cách nào để quay trở lại và các doanh nghiệp phải chuẩn bị những lựa chọn thay thế ngoài Trung Quốc".
Sự đa dạng hóa của Apple sang Việt Nam bắt đầu với AirPods, được sản xuất hàng loạt vào năm 2020. Công ty cũng đã chuyển một số sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam. Tháng 10, Apple thông báo bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ.
Apple đặt mục tiêu tăng đáng kể sản lượng iPhone từ Ấn Độ trong năm 2022 và năm 2023 với định hướng biến quốc gia này thành một cơ sở sản xuất quan trọng các thiết bị điện tử. Apple cũng đặt mục tiêu chuyển một số sản phẩm tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ.
Apple không trả lời yêu cầu bình luận của Nikkei Asia. Foxconn cũng từ chối bình luận.
Theo CNBC
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu