Ảnh: istock
Mọi người ngày càng có xu hướng mua nhiều đồ điện tử hơn, từ smartphone tới máy tính, tủ lạnh, điều hòa. Và mỗi năm, lại có nhiều món đồ điện tử bị bỏ đi. Năm 2019, thế giới sản sinh ra 53,6 triệu tấn rác điện tử, mức cao kỷ lục, tăng 20% so với 5 năm trước. Thiếu cơ sở hạ tầng tái chế rác hợp lý và khả năng sửa chữa, rác thải điện tử chỉ có thể tăng lên và thực tế đang là loại rác nội địa tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đây là dữ liệu rút ra từ Global E-Waste Monitor 2020, báo cáo của Liên Hợp Quốc, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Hiệp hội Rác thải rắn quốc tế. Báo cáo nằm trong nỗ lực định lượng rác thải điện tử của mỗi quốc gia và tình hình vứt bỏ, tái chế thiết bị điện tử.
53,6 triệu tấn rác thải điện tử tương đương trọng lượng của 350 tàu du lịch Queen Mary 2. Trong số này, chỉ có 17,4% được thu gom và tái chế. Vanessa Forti, tác giả chính của báo cáo, cho rằng điều đáng quan ngại hơn là không chỉ số lượng ngày một tăng mà công nghệ tái chế còn không theo kịp với số lượng rác thải điện tử. Theo bà, thông điệp quan trọng là cần cải thiện tái chế.
Trên toàn cầu, nhiều nơi thiếu cơ sở hạ tầng tái chế cần thiết để xử lý loại rác thải này, đặc biệt vì đây là công việc nặng nhọc và tốn kém. Tại châu Phi và châu Á, người nhặt rác thường tự tháo dỡ thiết bị điện tử song nó độc hại cho cả sức khỏe của họ lẫn môi trường. Họ cũng chỉ chọn xử lý các món đồ giá trị cao nhất, còn lại chìm trong núi rác. Với phần lớn rác thải điện tử, lợi ích kinh tế của đơn vị tái chế rất thấp, thực sự cần hỗ trợ từ chính phủ.
Tái chế phải tập trung vì rất khó phân loại rác thải điện tử tại nguồn. Thiết bị điện tử hiện đại thường có vòng đời ngắn, không dễ sửa chữa, góp phần khiến rác điện tử tăng đột biến. Dù vậy, chưa thể kết luận loại sản phẩm nào đóng góp phần nhiều trong rác thải điện tử vì chẳng hạn, tủ lạnh nặng hơn laptop, vì thế tủ lạnh sẽ chiếm phần cao hơn so với màn hình và máy tính.
Không tái chế rác điện tử hay không tái chế đúng cách đồng nghĩa linh kiện độc hại trong đồ điện tử không được xử lý đúng cách và thêm nhiều carbon bị xả ra không khí. Báo cáo ước tính năm 2019, tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ không được tháo dỡ đúng cách sản sinh tổng cộng 98 triệu tấn CO2 vào không khí, chiếm 0,3% khí nhà kính trên toàn cầu. Lượng nhỏ rác thải điện tử được tái chế cũng góp pần ngăn chặn 15 triệu tấn CO2.
Bên cạnh đó, nếu không thể tái chế rác điện tử, chúng ta không thể tái sử dụng nguyên vật liệu đồng nghĩa với việc phải khai thác nguyên liệu thô mới. Với mỗi thiết bị điện tử không được tái chế, vật liệu như vàng, bạc, platinum không được khôi phục và gây tổn thất 57 tỷ USD cũng như tác hại lớn tới môi trường.
Các quốc gia đã bắt đầu áp dụng chính sách rác thải điện tử song hiện tại chỉ có khoảng 78 quy định được thi hành. Nếu không có hành động cấp toàn cầu, chuyên gia dự đoán đến năm 2030, thế giới sẽ sản sinh hơn 74 triệu tấn rác thải điện tử.