Đánh giá về con số này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cho rằng, đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành và địa phương.
Cụ thể, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỉ đồng, tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014.
Tuy nhiên, thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Năm qua, giá dầu thế giới sụt giảm sâu, giảm trên 43 USD/thùng so với giá tính dự toán, dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỉ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỉ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỉ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỉ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015 so với dự toán. Tại thời điểm này, hoạt động xuất-nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh, do đó, số thu cho ngân sách có thể vượt dự toán.
Chi NSNN năm 2015 cũng đã đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của QH, tiết kiệm chi khá tích cực, hạn chế ban hành chính sách mới làm tăng chi, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, ước thực hiện dự toán chi NSNN tăng thấp (1,4% so với dự toán).
Cũng trong báo cáo này, Chính phủ dự tính bội chi NSNN khoảng 226.000 tỉ đồng, bằng 5,0% GDP, trong phạm vi dự toán được QH quyết định. Mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).
Năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN là 1.014.500 tỉ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá đây là mức tăng hợp lý.
Về chi NSNN, đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo định mức giai đoạn 2011-2015. Tán thành với một số biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyên theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách QH cũng đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của nhiều chương trình, dự án để có giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để hơn so với năm 2015, cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, phô trương hình thức, lãng phí, đặc biệt là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, chi công tác nước ngoài…
Đối với chi đầu tư phát triển, năm 2016 là năm đầu áp dụng định mức chi đầu tư phát triển trung hạn cho giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Do vậy, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ cần triển khai áp dụng nhiều giải pháp để huy động nguồn lực ngoài NSNN, tăng cường huy động vốn đầu tư toàn xã hội cho đầu tư phát triển.
Chính phủ dự kiến bội chi NSNN ở mức 4,95% GDP (254.000 tỉ đồng, tăng 28.000 tỉ đồng so với năm 2015). Nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2% GDP.
Theo VGP