Các nhà quan sát cho rằng, với ảnh hưởng của cục diện căng thẳng trên biển, quan hệ Mỹ - Trung sẽ ngày càng xấu đi. Sự thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc trên biển của Mỹ thể hiện cả trên lời nói và hành động. Biểu hiện rõ rệt qua hai động thái mới nhất.
Tuyên bố sẽ đối xử với cảnh sát biển và dân binh Trung Quốc như với hải quân
Trước những hành động khiêu khích, hoạt động ngang ngược của các tàu Hải cảnh (cảnh sát biển) và tàu cá vũ trang Trung Quốc trên biển, một chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ đã cảnh cáo: họ sẽ đáp trả với các lực lượng này như đối với các tàu chiến của Hải quân để kiềm chế những hành động khiêu khích ngày càng gia tăng trên Biển Đông.
Theo Financial Times (Anh) số ra ngày 29.4.2019, Đô đốc Hải quân John Richardson, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ hôm 28.4 đã cho biết, khi sang thăm Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay, ông đã nói thẳng với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long: các tàu Hải cảnh và tàu cá Trung Quốc làm việc cho quân đội đều được sử dụng để phục vụ dã tâm quân sự; quân đội Mỹ sẽ đối xử với các tàu này như với các tàu Hải quân Trung Quốc.
Ông John Richardson nói: “Tôi đã nói rõ, Hải quân Mỹ sẽ không bị bắt nạt, sẽ tiếp tục tuần tra định kỳ tại các nơi trên thế giới, hành động hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của các nước sử dụng vùng biển và vùng trời tự do và hợp pháp”.
Đô đốc John Richardson: Mỹ sẽ đối xử với Hải cảnh và dân binh trên biển Trung Quốc như Hải quân
|
Theo ông, ngoài việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bắc Kinh còn bố trí các nhân viên quân sự. Trong một số sự kiện liên quan đến Mỹ, Philippines và Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc đã đâm va tàu thuyền nước khác, phong tỏa lối ra vào các vòng cung san hô, quấy rối tàu thuyền và tham gia vào việc tranh giành các rạn san hô và bãi ngầm.
Trang tin Đa Chiều ngày 30.4 viết, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng dân binh trên biển. Trung Quốc đã cho xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ trái phép một trụ sở Tổng bộ. Dân binh trên biển của Trung Quốc được huấn luyện cùng với Hải quân và Hải cảnh. Trong báo cáo thường niên mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình hình quân lực Trung Quốc đã nêu rõ: “Dân binh trên biển Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng trong các hoạt động uy hiếp để đạt mục tiêu chính trị bằng các thủ đoạn phi chiến tranh”. Cho đến nay, Trung Quốc ngày càng sử dụng lực lượng dân binh trên biển với tần suất dày đặc hơn do các tàu cá không gây nên sự đáp trả về quân sự của quân đội Mỹ.
Tuần san Châu Á xuất bản ở Hongkong cũng đưa tin, hai năm gần đây, tàu cá Trung Quốc xuất hiện rất nhiều ở khu vực phụ cận đảo Thị Tứ trên Biển Đông hiện đang do Philippines kiểm soát để giám sát và quấy nhiễu các nhân viên thi công của Philippines; có lúc số tàu cá này lên tới mấy trăm chiếc. Có chứng cứ cho thấy, những tàu cá này đều là dân binh làm việc cho Hải quân. Học viện chiến tranh Hải quân Mỹ tính toán, số dân binh này lên tới gần 4 ngàn người ở trên hơn 300 tàu cá, nhưng số lượng thực tế có lẽ còn nhiều hơn. Những dân binh này là các ngư dân được tập hợp lại, định kỳ huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Hải quân và được trả lương; một số tàu còn được trang bị vũ khí.
Tàu cá của dân binh trên biển Trung Quốc được sử dụng như một lực lượng hỗ trợ Hải quân trong các hành động quân sự
|
Sự cảnh cáo của Mỹ cũng nhằm vào lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Ông Dennis Wilder, cựu chủ quản cơ quan nghiên cứu Trung Quốc của CIA nói, năm 2018, ông Tập Cận Bình đưa Hải cảnh đặt dưới sự kiểm soát của Quân ủy, “để Hải quân và Hải cảnh cùng lệ thuộc Quân ủy đã cải thiện sự phối hợp và khống chế lực lượng trên biển trong thời chiến. Do Hải cảnh Trung Quốc được trang bị các vũ khí hạng nặng nên có một giả thuyết hợp logic là, nó sẽ được đưa vào các kế hoạch và hành động quân sự”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích thời cuộc cảnh báo, thực thi chính sách này, Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức. “Nếu Mỹ quyết định coi dân binh trên biển Trung Quốc là tàu dùng cho mục đích quân sự thì với việc các tàu khu trục Mỹ hoạt động ở Biển Đông và các dân binh trên biển tiếp tục làm nhiệm vụ ở đây thì ắt dẫn đến những rắc rối” – Ông Chung Vĩ Luân, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Singapore nói.
Hãng Sputnik của Nga dẫn lời ông Andrei Karnev, Viện phó Học viện Á Phi Đại học Moscow nói: nội dung phát biểu của Đô đốc J.Richardson bộc lộ mục đích thật sự của Hải quân Mỹ trên Biển Đông là ngăn cản mọi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực chứ không phải bảo đảm tự do hàng hải. Đối với người Mỹ đây không phải là vấn đề mặc cả. Họ sẽ không thừa nhận hoặc chấm dứt tuần tra, mà là một cách nhấn mạnh sự tồn tại của họ trong khu vực.
Trợ lý nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Chính sách và Pháp luật biển thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, Trần Tương Miễu cũng đồng quan điểm trên. Ông nói, mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ là duy trì địa vị trên Biển Đông và là biện pháp phản chế để chống Trung Quốc can thiệp, đảm bảo họ được tự do hành động trên Biển Đông.
Ông Trần Tương Miễu nói, việc Mỹ tính toán có hành động cứng rắn trên biển hay không, thực ra họ đã nói từ hai năm nay rồi. Sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ bắt đầu thấy “tự do hàng hải” đã không thể kiềm chế được sự mở rộng hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông; thực tế Mỹ đã áp dụng thái độ cứng rắn. Việc lần này coi dân binh trên biển và Hải cảnh Trung Quốc giống như Hải quân chính là thể hiện thái độ cứng rắn hơn.
Chuyên gia về quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cảnh báo, Mỹ tăng cường sự có mặt quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, có thể dẫn tới khả năng xảy ra va chạm quân sự
|
Đa Chiều cho rằng, thái độ cứng rắn của Mỹ lần này, trên thực tế là truyền đi thông điệp tới Trung Quốc và cộng đồng quốc tế: sau này nếu có gặp những tàu thuyền này của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ sẽ hành động dựa trên sự phán đoán chúng có phối hợp hành động với Hải quân hay không, có mang sắc thái hoạt động quân sự hay không. Vì tàu quân sự không thể có biện pháp với tàu dân sự, sẽ vi phạm luất quốc tế, bị quốc tế lên án. Sau khi nói rõ điều này, Mỹ sẽ có thể có thêm sự lựa chọn hành động trên thực tế.
Tàu chiến Mỹ công khai đi xuyên eo biển Đài Loan
Hôm 28.4, Hải quân Mỹ lại cho 2 tàu quân sự đi xuyên dọc eo biển Đài Loan, nhưng khác với những lần trước, lần này các tàu đã chủ động bật hệ thống nhận biết tự động (AIS) để các nước biết sự có mặt và toàn bộ hành trình của họ. Các chuyên gia phân tích thời cuộc nói, Hải quân Mỹ muốn cho toàn thế giới biết, họ muốn bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, không đếm xỉa đến việc người Trung Quốc nghĩ gì.
Theo Reuters, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ tuyên bố: hôm 28.4, hai tàu Hải quân Mỹ gồm hai tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem thuộc hạm đội này đã “đi qua eo biển Đài Loan, thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và mở rộng cửa”.
Hãng Thông tấn CNA của Đài Loan hôm 29.4 cũng đưa tin, quan chức quân sự Đài Loan xác nhận: khác với những lần trước đây, các tàu Mỹ đã chủ độngbật hệ thống AIS, qua đó nhấn mạnh biển Đài Loan là một eo biển quốc tế.
Mỹ đang thường xuyên hóa và công khai hóa việc cho tàu chiến qua lại eo biển Đài Loan
|
Ian Easton, quan chức Viện nghiên cứu dự án 2049, một think tank của Mỹ khi trả lời phỏng vấn đã nói: chuyến hành trình mới nhất của Hải quân Mỹ ở eo biển Đài Loan “thể hiện Hải quân Mỹ đang bình thường hóa việc tuần tra biển Đài Loan, các đồng minh của Mỹ và đối tác trong khu vực cũng bắt đầu thực thi việc này”.
Ian Easton nói: “Tàu Mỹ bật hệ thống AIS để toàn thế giới theo dõi được tín hiệu hành trình của các tàu khu trục, thể hiện Hải quân Mỹ đang cho cả thế giới biết họ phải bảo vệ một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do rộng mở và không cần biết người Trung Quốc nghĩ gì”. Ông cho rằng, đó là một sự phát triển tích cực: “Nó phát đi tín hiệu mạnh mẽ và hạ thấp khả năng Trung Quốc Đại Lục dùng vũ lực tấn công Đài Loan; bước tiếp theo sẽ là Mỹ tiến hành phối hợp tuần tra, diễn tập chung và thăm viếng cảng lẫn nhau đối với Đài Loan”.
Theo Đa Chiều, hôm 6.4.2019 đã xảy ra sự kiện được coi là do Mỹ đứng sau đạo diễn: chiếc tàu hộ vệ Vendemiaire của Pháp lần đầu tiên đi xuyên eo biển Đài Loan và cách giải thích của phía Pháp về hành động này y chang Mỹ. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ về việc này, ngoài việc Bộ Ngoại giao lên tiếng phê phán và cảnh cáo, gọi đây là hành động khiêu khích và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, phía Trung Quốc còn bãi bỏ lời mời Hải quân Pháp tham gia các hoạt động kỉ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 23.4.
Bình luận về hành động của hai tàu Mỹ hôm 28.4, tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 30.4 viết, khác với mấy lần trước đây, lần này tàu Mỹ đến rất cao giọng, bật hệ thống nhận biết tự động AIS tựa hồ muốn kêu to “Chúng tôi đã đến”; Mỹ muốn đưa trò biểu diễn “tự do hàng hải” trên Biển Đông vào eo biển Đài Loan.
Bài báo viết, cần phải khẳng định, vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, các thế lực bên ngoài diễu võ dương oai đến mấy cũng không thể lay chuyển quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Việc Pháp cho tàu hộ vệ Vendemiaire đi xuyên eo biển Đài Loan đã khiến quan hệ Trung - Pháp nổi sóng
|
Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29.4 đã nói tại cuộc họp báo: phía Trung Quốc theo dõi chặt chẽ và nắm chắc toàn bộ quá trình và tình hình của các tàu Mỹ đi quan eo biển Đài Loan và đã bày tỏ quan ngại tới phía Mỹ.
Cảnh Sảng nhấn mạnh, Đài Loan là vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung – Mỹ. Phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc một nước Trung Quốc và những quy định trong 3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ, thận trọng xử lý ổn thỏa những vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung – Mỹ và tình hình hòa bình,ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Theo Minh báo, trước tuyên bố của ông John Richardson, Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nói, đối phó với các hành động trên biển của Mỹ, Trung Quốc áp dụng nhiều phương thức bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ biển là hành động chính đáng; Mỹ cũng sử dụng lực lượng Cảnh vệ bờ biển để giám sát vùng biển, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài nên họ không có tư cách dạy dỗ người khác trong vấn đề này. Ông nói, việc Mỹ tuyên bố coi Hải cảnh và tàu cá Trung Quốc như quân đội có thể bị coi là một biện pháp gây nên quan hệ căng thẳng giữa hai nước mà người Mỹ có thể vẫn làm.
Tống Trung Bình nói, Mỹ ngang nhiên áp dụng lập trường cứng rắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ, tình hình biển Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc cũng sẽ áp dụng biện pháp để bảo vệ quyền lợi biển, nhưng như thế ắt sẽ làm quan hệ Trung – Mỹ xấu đi, không lợi cho sự giao lưu; “Mỹ đã đem lợi ích cốt lõi ra để thách thức, thậm chí không tiếc dùng biện pháp “lấy hạt dẻ trong lò than” (ý nói mạo hiểm) để kiềm chế Trung Quốc”.
Giáo sư Lý Hải Đông: quan điểm của John Richardson cho thấy trong nhận thức mới nhất về Trung Quốc của quân đội Mỹ đang tồn tại một khuynh hướng nguy hiểm.
|
Ông cho rằng, nếu Mỹ tăng cường sự có mặt quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, bao gồm dồn dập đưa tàu đến, thường xuyên hóa việc đi xuyên eo biển thì giữa hải quân hai nước có khả năng xảy ra va chạm quân sự. Tống Trung Bình cảnh cáo: Mỹ cần phải thận trọng trong vấn đề này, đừng thách thức nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, có những hành vi quá khích ở eo biển Đài Loan, “điều này không có lợi cho việc phát triển quan hệ Trung – Mỹ, cũng dễ dẫn đến sự phán đoán sai giữa hai quân đội, xuất hiện những hậu quả không thể lường được trên vùng biển nhạy cảm”.
Trong khi đó, Giáo sư Tiến sĩ Lý Hải Đông ở Học viện Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng, trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, mục tiêu cốt lõi của Mỹ là bao vây Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc; trong đó Đài Loan rõ ràng là một quân bài của họ. Một ý đồ rất rõ của Mỹ là muốn các khu vực khác nhau trên thế giới có tranh chấp, có xung đột để thể hiện “tầm quan trọng độc đáo của quân đội, nhất là Hải quân Mỹ”. Hiện nay Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, quan điểm của John Richardson cho thấy trong nhận thức mới nhất về Trung Quốc của quân đội Mỹ đang tồn tại một khuynh hướng nguy hiểm.