Mỹ trừng phạt mới
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 24/8 dẫn các nguồn tin cho hay ngày 22/8/2017, Mỹ quyết định tiến hành trừng phạt mới đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga ủng hộ chương trình vũ khí của Triều Tiên. Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, trong danh sách có 6 thực thể của Trung Quốc, 1 thực thể của Nga, 1 thực thể của Triều Tiên và 2 thực thể có trụ sở tại Singapore.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mới nhằm vào các thực thể và cá nhân tiến hành giúp đỡ cho chương trình hạt nhân và tên lửa, thương mại năng lượng với Triều Tiên.
Những biện pháp này còn nhằm vào các thực thể và cá nhân giúp đỡ Triều Tiên đưa lao động ra nước ngoài và để cho các thực thể bị trừng phạt của Triều Tiên có thể sử dụng hệ thống tài chính Mỹ và quốc tế.
Bộ Tư pháp Mỹ còn đang tìm cách tịch thu 11 triệu USD của nhiều doanh nghiệp tình nghi rửa tiền cho ngân hàng Triều Tiên.
Những biện pháp trừng phạt mới nhất này không coi các tổ chức tài chính Trung Quốc tiến hành giao dịch với Triều Tiên làm đối tượng trừng phạt. Nếu làm như vậy thì sẽ gây tức giận rất lớn cho Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Richard Nephew từ Đại học Columbia Mỹ cho rằng Mỹ đang "thăm dò khả năng chịu đựng của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt bổ sung. Mỹ còn chưa áp dụng bất cứ động thái lớn trừng phạt ngân hàng nào. Điều này cho thấy họ còn lo ngại rủi ro bị đáp trả".
Ngoài ra, theo tờ Los Angeles Times Mỹ ngày 22/8, các biện pháp trừng phạt lần này cho thấy chính quyền Mỹ có thể đóng băng tất cả tài sản của đối tượng trừng phạt tại Mỹ và cấm các doanh nghiệp, công dân Mỹ làm ăn với họ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố: "Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gia tăng mức độ gây sức ép với Triều Tiên, đưa những người ủng hộ Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa vào danh sách trừng phạt, cô lập họ trong hệ thống tài chính của Mỹ".
Nhật Bản phối hợp
Ngoài ra, theo tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 23/8, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt mới nhất lần này là trừng phạt Triều Tiên có quy mô lớn nhất.
Nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho hay lần này Mỹ cũng yêu cầu Nhật Bản áp dụng các hành động đồng bộ. Phản ứng với phía Mỹ, Nhật Bản đã quyết định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự đối với một số doanh nghiệp. Làm như vậy sẽ tạo ra "vòng bao vây" cắt đứt nguồn tài chính phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, theo tờ The Japan Times ngày 22/8, Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 22/8 chủ trương thực hiện nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc một cách "nghiêm túc và triệt để" để tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền Triều Tiên, đồng thời cho biết phải loại bỏ những "sơ hở" làm suy yếu hiệu quả trừng phạt.
Trung, Nga phản đối
Đối với các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ đưa ra, Trung Quốc và Nga đều đã lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh cho rằng trừng phạt không có lợi cho hợp tác Trung - Mỹ trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng Mỹ cần “lập tức sửa chữa sai lầm”. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tiến hành đối thoại, làm dịu tình hình hiện nay của Triều Tiên.
Chuyên gia cho rằng do lệnh trừng phạt mới của chính quyền Donald Trump nhằm vào một số công ty tư nhân nhỏ, chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước lớn. Do đó, Trung Quốc sẽ không có nhiều khả năng áp dụng nhiều hành động hơn đáp trả Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang tìm cách thúc đẩy trao đổi cấp cao với Mỹ vào cuối năm 2017.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya gọi lệnh trừng phạt mới của Mỹ là “một hành động không hữu nghị khác”, cho biết Nga mạnh mẽ phê phán trừng phạt đơn phương.
Vasily Nebenzya cho rằng nếu Washington muốn trừng phạt bên thứ ba thì nên thông qua Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc. Tại đó, Mỹ có thể đưa ra các cá nhân hoặc công ty liên quan vào danh sách trừng phạt.
Nga phê phán hành động mới của Mỹ, cho rằng nó không hợp pháp, không có tác dụng ổn định và cải thiện quan hệ Nga - Mỹ.