Tờ The Wall Street Journal bản tiếng Trung ngày 14/8 cho rằng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cách Triều Tiên chỉ 35 dặm Anh, tương đương khoảng 56 km. Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự muốn phá hủy Seoul thì không nhất thiết phải phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, chỉ sử dụng hỏa lực mà Triều Tiên triển khai ở khu vực biên giới là đủ để đạt được mục đích.
Nếu Triều Tiên thực sự tấn công Seoul thì 25 triệu người của đô thị lớn này sẽ phải khẩn cấp tìm kiếm nơi ẩn náu. Mạng lưới đường sắt trong thành phố có thể trở thành cơ sở phòng không chủ yếu.
Đồng thời, quân đội Hàn Quốc có thể “ăn miếng trả miếng”, tấn công các cơ sở quân sự của Triều Tiên. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên sở hữu 8.600 khẩu pháo và hơn 5.500 thiết bị phóng rocket.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và quốc phòng từng hợp tác với quân đội Mỹ và Hàn Quốc, tình hình trên nếu thực sự xảy ra thì sẽ gây ra một cuộc chiến dữ dội và gây ra rất nhiều thương vong.
Tuy nhiên, họ cho rằng trừ phi hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc có sự can thiệp quy mô lớn của quân đội Trung Quốc, nếu không kết cục sẽ không có gì phải lo ngại quá mức. Đồng minh Mỹ - Hàn dự tính sẽ chiến thắng Triều Tiên bằng ưu thế áp đảo, cho dù cái giá phải trả tương đối nặng nề.
Giáo sư Daniel Pinkston, dạy học ở các căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thuộc phân hiệu Hàn Quốc, Đại học Troy Mỹ cho rằng Triều Tiên có khả năng gây ra rất nhiều thương vong và tổn thất, nhưng nếu chiến sự kéo dài, Triều Tiên cơ bản không có cơ thắng.
Căn cứ vào số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, lực lượng thường trực của Hàn Quốc là 625.000 quân, thấp hơn nhiều 1,3 triệu quân của Triều Tiên. Số lượng máy bay chiến đấu, xe tăng và tàu chiến của Triều Tiên cũng nhiều hơn Hàn Quốc nhưng lạc hậu hơn. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc chỉ thu hẹp phần nào khoảng cách về số lượng.
Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ có ưu thế áp đảo về công nghệ quân sự, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chỉ huy, hậu cần. Vì vậy, trong bất cứ hành động đối đầu nào thì đều rõ ràng có cơ thắng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Mỹ có thể sẽ nhanh chóng giành quyền kiểm soát trên không và quyền kiểm soát trên biển, nhưng hoàn toàn không phải không có rủi ro to lớn. Theo giáo sư Pinkston, hải quân Mỹ và Hàn Quốc phải tìm cách đánh bại hệ thống phòng không tương đối phức tạp và tên lửa đất đối hạm bờ biển của Triều Tiên.
Bất cứ cuộc chiến đấu nào như vậy đều có thể gây ra thương vong quy mô lớn cho quân đội và người dân, đặc biệt là trong tình hình Trung Quốc và Nhật Bản bị lôi kéo vào chiến tranh hoặc cuộc xung đột leo thang thành tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên thận trọng về lời nói và hành động, làm nhiều việc có lợi cho làm dịu tình hình căng thẳng, tăng cường lòng tin. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng phương án quân sự đã hoàn thành, quân đội Mỹ đã “đạn đã lên nòng”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc có bài xã luận cho rằng nếu Triều Tiên “chủ động” phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ và bị báo thù thì Trung Quốc sẽ giữ “trung lập”.
Nhưng bài xã luận này cho rằng nếu đồng minh Mỹ - Hàn phát động tấn công quân sự, tìm cách lật đổ chính quyền Triều Tiên, làm thay đổi bản đồ chính trị của bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ kiên quyết ra tay ngăn chặn.
Bruce Bennett, chuyên gia vấn đề Triều Tiên, nhà nghiên cứu cao cấp của Công ty RAND, Mỹ cho rằng nếu Triều Tiên tiến hành pháo kích gây ra xung đột, Hàn Quốc và Mỹ sẽ không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn.
Số liệu của cơ quan quản lý nhập cư Hàn Quốc cho biết dân số Hàn Quốc khoảng 50 triệu người, có khoảng 140.000 công dân Mỹ sinh sống ở Hàn Quốc, trong đó bao gồm khoảng 28.500 nhân viên quân sự.
Ở Hàn Quốc còn có khoảng 1 triệu người Trung Quốc và 50.000 người Anh, người Canada và người Australia. Chuyên gia Bruce Bennett cho rằng một khi Đại sứ quán quyết định rút công dân thì sẽ dẫn tới làn sóng tháo chạy.
Nếu Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở khu vực cách xa Seoul thì hành động đối đầu có thể kiểm soát. Giống như năm 2010 Triều Tiên tiến hành pháo kích vào hòn đảo ở bờ biển phía tây Hàn Quốc đã không gây ra xung đột toàn diện.
Triều Tiên chủ yếu dựa vào địa đạo và đồi núi để che chắn cho hệ thống phóng tên lửa cơ động có thể dùng để đáp trả.
Theo nhà nghiên cứu Bruce Bennett, nếu Triều Tiên tấn công pháo tầm xa hơn và tên lửa như Scud đối với Mỹ hoặc Hàn Quốc thì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ hoặc Hàn Quốc sẽ đủ để tiến hành đánh chặn trên không.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thúc đẩy triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. THAAD đã bao quát phần lớn các khu vực của Hàn Quốc, nhưng không bao quát Seoul.
Triều Tiên còn có thể sử dụng rất nhiều sách lược thời bình để ứng dụng cho thời chiến. Theo tổ chức tư vấn địa - chính trị Stratfor, Triều Tiên sẽ sử dụng các biện pháp khôn khéo để bù đắp cho hạn chế về vũ khí, có thể sẽ sử dụng lực lượng đột kích, tàu ngầm và vũ khí hóa học để chiếm thế thượng phong.
Chuyên gia tình báo hàng đầu Christopher Porter của công ty an ninh mạng Fireeye Mỹ cho rằng Triều Tiên còn có thể tìm cách sử dụng khả năng tác chiến mạng của họ để làm chậm phản ứng của Mỹ - Hàn, vì Mỹ - Hàn sử dụng hệ thống chỉ huy kiểm soát dựa trên công nghệ cao.
Mặc dù cuối cùng Mỹ - Hàn hầu như chắc chắn sẽ giành thắng lợi quân sự, nhưng cái giá phải trả và tổn thất chiến tranh tương đối lớn. Bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh như vậy có lẽ là thảm họa chính trị khó có thể chịu được của các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.
Tuần trước, Triều Tiên thông qua báo chí nhà nước tiến hành cảnh cáo rằng chỉ cần một viên đạn pháo rơi vào bán đảo Triều Tiên thì có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới, một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hiện vẫn còn chưa rõ Triều Tiên có mạo hiểm phát động chiến tranh hay không, nhưng cùng với tình hình căng thẳng không ngừng leo thang, các nhà quan sát gần đây đã bắt đầu lo ngại về khả năng nổ ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Nhà phân tích châu Á hàng đầu của Stratfor vẫn dự đoán khả năng xảy ra chiến tranh trong 12 - 14 tháng tới là không đến 50%, nhưng cách 50% cũng không xa.