Mỹ mở rộng chiến dịch tẩy chay Huawei sang châu Á

VietTimes – Ngoài châu Âu, chiến dịch tẩy chay Huawei của Mỹ đang được mở rộng sang một mặt trận mới – châu Á.
Ông Keith Krach (thứ hai từ phải sang) đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường an ninh kinh tế và độc lập với Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Ông Keith Krach (thứ hai từ phải sang) đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường an ninh kinh tế và độc lập với Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các quốc gia châu Á trong nỗ lực mở rộng chiến dịch tẩy chay thiết bị mạng 5G của công ty viễn thông Trung Quốc  Huawei – một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ cho biết.

Tại châu Á, Huawei đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút các quốc gia đang phát triển. Do nguồn lực ở các quốc gia này còn hạn chế, các sản phẩm và dịch vụ giá rẻ của Huawei sẽ dễ cạnh tranh hơn so với các thiết bị tương tư của Ericsson và Nokia. Tuy nhiên, giá rẻ cũng thường đi kèm với nhiều nguy cơ tiềm ẩn – Keith Krach, Thứ trưởng chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Nikkei.

“Huawei có khả năng chịu sự giám sát của chính phủ Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao tất cả các thiết bị của Huawei hoặc ZTE trong cơ sở hạ tầng mạng 5G có thể dễ dàng bị theo dõi bất cứ lúc nào” – ông Keith nói.

Chính phủ Trump đã thực hiện một chiến dịch chống lại Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, cáo cuộc những công ty này gây ra các mối rủi ro an ninh quốc gia. Mỹ đã bước đầu thành công khi “lôi kéo” được 2 quốc gia châu Âu lớn tham gia vào chiến dịch này, là Anh và Pháp.

Ảnh: Asia Times Financial
Ảnh: Asia Times Financial

Ngày 14/7, Anh chính thức tuyên bố cấm thiết bị mạng của Huawei khỏi mạng 5G nước này. Về phía Pháp, mặc dù không tuyên bố thẳng thừng như Anh thậm chí ngày 21/7, Bộ Trưởng Tài chính Pháp còn tuyên bố sẽ không cấm Huawei tham gia vào mạng 5G nước này, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi.


Ngày 24/7, chính quyền Pháp đã nói với các công ty viễn thông nước này đang có kế hoạch mua thiết bị 5G của Huawei rằng họ sẽ không thể gia hạn giấy phép sử dụng thiết bị khi chứng nhận hết hạn. Tuyên bố này ngầm khẳng định cho một lệnh cấm tiềm năng đối với Huawei tại Pháp.

Thay vì dựa vào Huawei, Mỹ muốn các quốc gia khác tìm kiếm những thiết bị thay thế từ các quốc gia khác, ông Krach cho biết.

“Có rất nhiều điều chúng ta phải làm” để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển thay thế các thiết bị của Huawei – ông Krach nói tại cuộc thảo luận với Nikkei. Ông còn đề xuất các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ tiềm năng có thể thực hiện sự hỗ trợ này, bao gồm: Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đẩy mạnh gấp đôi năng lực đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ theo đạo luật được thông qua vào tháng 10/2018. Ông Krach cũng nhấn mạnh Nhật Bản và Australia là hai quốc gia hàng đầu trong chiến lược hợp tác lần này.

Cơ sở hạ tầng viễn thông đáng tin cậy là “một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi” – ông nói.

Đối với các quốc gia như Philippines và Thái Lan, hai quốc gia đang sử dụng thiết bị mạng của Huawei, ông nói: “Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên chúng tôi muốn thực hiện là hợp tác với họ để biết được liệu họ có thể suy nghĩ lại và thay đổi quyết định hay không”.

Cả Philippines và Thái Lan đều là đồng minh quân sự của Washington. Mỹ lo ngại rằng thiết bị Huawei có thể làm lộ những thông tin nhạy cảm với các gián điệp Trung Quốc và cản trở việc liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Chính phủ Bắc Kinh đã phủ nhận việc nước này có thể sử dụng thiết bị của Huawei cho hoạt động gián điệp.

Về lâu dài, ông Krach cho biết Mỹ có kế hoạch mở rộng “con đường 5G sạch”, một sáng kiến mà mục tiêu chính là loại bỏ các nhà cung cấp như Huawei và ZTE ra khỏi mạng 5G và các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ.

“Ngoài 5G, chúng tôi sẽ sớm mở rộng sáng kiến con đường sạch này sang các lĩnh vực khác bao gồm các ứng dụng sạch, hệ thống sạch, dữ liệu sạch, đám mây sạch, cáp biển sạch để tạo một sự minh bạch khác hoàn toàn với Trung Quốc” – ông nói.

Theo Nikkei Asian Review