Việc Mỹ tiếp tục mở rộng chiến dịch tẩy chay Huawei nhằm hạn chế vai trò của các công ty viễn thông Trung Quốc trong việc xây dựng mạng 5G diễn ra trong bối cảnh các nước EU đang phải đối mặt với những bất ổn an ninh mạng khi chuyển sang mạng 5G.
Hội nghị Prague dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Ảnh: Reuters
|
Hoa Kỳ đã nhiều lần gặp gỡ các đồng minh của mình trong thời gian gần đây nhằm cảnh báo rằng các thiết bị viễn thông của Huawei có thể bị chính quyền Trung Quốc sử dụng làm gián điệp. Phía Huawei cũng đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Các đại diện đến từ hơn 30 quốc gia dự kiến sẽ họp vào ngày 2-3 tháng 5 để thống nhất và đưa ra một nguyên tắc chung cho thế hệ mạng viễn thông 5G mới nhất hiện nay, Robert Kahofer, giám đốc cơ quan an ninh mạng NUKIB của Séc cho biết.
Một quan chức Mỹ đã nói với tờ Reuters rằng kế hoạch của Mỹ trong cuộc họp ở Prague đánh dấu sự thay đổi chiến lược của kế hoạch kêu gọi các nước cấm cửa Huawei. Các đề xuất của Hoa Kỳ cho cuộc họp ở Prague sẽ thúc đẩy chính phủ ở các nước xem xét kỹ lưỡng hơn môi trường pháp lý ở quốc gia của nhà cung cấp, tính minh bạch giữa chính phủ và nhà cung cấp. Nó cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh ưu tiên bảo mật, thắt chặt hơn các biện pháp an ninh mạng và cùng nhau kiến thiết mạng 5G.
Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký một dự luật nhằm cấm chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE Corp. Tờ Reutes cũng tiết lộ rằng vấn đề bảo mật và an toàn cho các cuộc trò chuyện riêng tư cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp ở Prague này. Hội nghị Prague sẽ được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Séc với sự hỗ trợ từ cơ quan NUKIB, Kahofer – người phát ngôn của cơ quan chia sẻ.
Mỹ cũng kêu gọi Liên minh châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát an ninh mạng đối với các thiết bị của Huawei. Ảnh: SCMP
|
Các phái đoàn đến từ 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, Ủy ban chấu Âu, NATO và khoảng 8 quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ và Úc dự kiến sẽ tham dự Hội nghị này, ông Kahofer nói thêm.
Điểm đặc biệt trong Hội nghị này là Trung Quốc và Nga không được mời tham dự. Tuy nhiên, ông Kahofer cũng nhấn mạnh đây không phải là một hội nghị chống lại Huawei hay Trung Quốc bởi các chính phủ châu Âu vẫn còn cảnh giác với các hậu quả kinh tế, thương mại nếu chọc giận Bắc Kinh. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng cảnh báo rằng việc cấm cửa Huawei sẽ khiến các nước EU phải chịu nhiều chi phí hơn và việc triển khai mạng 5G cũng sẽ bị trì hoãn sau vài năm.
Người phát ngôn của Hội đồng bảo an Nhà Trắng cho biết Mỹ hoan nghênh sự tham gia của các đối tác và đồng minh nhằm cùng nhau xây dựng mạng 5G an toàn và đáng tin cậy. Vào tháng trước cơ quan điều tra Anh cũng tiết lộ các lỗ hổng bảo mật mới trong thiết bị do Huawei cũng cấp. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nói thêm rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc trong sự việc này. Trong tháng 3, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất chia sẻ các thông tin liên quan đến rủi ro an ninh mạng 5G và tuyên bố sẽ thống nhất đưa ra biện pháp giải quyết chung vào cuối năm nay.
Theo Reuters