Mỹ đưa ra chính sách mới khuyến khích quan hệ với giới chức Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố chính sách mới nhằm “khuyến khích” quan hệ giữa giới chức chính phủ Mỹ và Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra hướng dẫn mới khuyến khích quan hệ với giới chức Đài Loan (Ảnh: Reuters)
Bộ Ngoại giao Mỹ ra hướng dẫn mới khuyến khích quan hệ với giới chức Đài Loan (Ảnh: Reuters)

Biên bản hướng dẫn mới “khuyến khích chính phủ Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan, phản ánh mối quan hệ không chính thức đang trở nên sâu sắc giữa chúng tôi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói. “Đài Loan là một nền dân chủ năng động và là một đối tác an ninh, kinh tế quan trọng, một lực lượng tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế”.

Ông Price nói rằng những thay đổi trên “đã mở rộng hướng dẫn về việc tiếp xúc với Đài Loan, phù hợp với mối quan hệ không chính thức của chúng tôi. Nó Giúp nhánh hành pháp hiểu rõ hơn về thực thi hiệu quả chính sách “một Trung Quốc”, điều đã được định hướng nhờ Đạo luật Quan hệ Đài Loan, 3 Tuyên bố chung và 6 Điều Bảo đảm”.

Đạo luật Quan hệ Đài Loan được ký bởi Tổng thống Jimmy Carter ngay sau khi Washington chuyển hướng quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979, và cam kết rằng chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Các tuyên bố chung là những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm hợp thức hóa việc chuyển hướng quan hệ ngoại giao và cho phép “hợp tác văn hóa, thương mại và quan hệ không chính thức” giữa Mỹ và Đài Loan. 6 Điều Bảo đảm là những cam kết mà Washington từng đưa ra với Đài Bắc năm 1982, nhằm bác bỏ sự phản đối của Bắc Kinh đối với các thương vụ vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan.

Khi được hỏi rõ về sự thay đổi nói trên, một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các cuộc họp giữa quan chức Mỹ và Đài Loan giờ đã có thể được tổ chức trong các tòa nhà chính phủ.

“Như một ví dụ, giờ chúng tôi khuyến khích tổ chức các cuộc họp cấp độ làm việc tại các tòa nhà liên bang. Các cuộc họp như vậy cũng có thể được tổ chức ở TECRO (Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc)” – người này nói, nhắc tới thứ về danh nghĩa được coi như đại sứ quán của Đài Loan ở New York – “Những cuộc họp như vậy trước đây bị cấm”.

Giới phân tích, trong khi đó, ngợi khen chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây vì đã dọn đường cho chính sách mới này.

“Hướng dẫn về việc tiếp xúc trong quá khứ đã làm giảm khả năng của giới chức Mỹ và Đài Loan chung tay làm việc vì lợi ích chung” – Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạng Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

“Quyết định hủy các hướng dẫn trước đây của chính quyền Trump đã tạo động lực để chính quyền Biden cập nhật nó” – bà Glaser nói.

Ông Price nói rằng chính sách mới được đưa ra sau một quá tình đánh giá lại quan hệ Washington-Đài Bắc, dựa trên Đạo luật Bảo đảm Đài Loan năm 2020, trong đó nêu rằng mối quan hệ này “nên được tạo dựng với ý định tăng cường và mở rộng quan hệ Mỹ-Đài Loan”.

Ông Trump đã ký phê duyệt đạo luật trên cùng với Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng trong tháng 12/2020, một động thái mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói là Bắc Kinh “cực lực phản đối”.

Tuyên bố mới của chính phủ Mỹ xuất hiện giữa lúc mà căng thẳng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Đài Loan gia tăng đột biến.

Thứ Tư trong tuần, quân đội Trung Quốc xác nhận rằng họ đã theo dõi một chiến hạm Mỹ lúc nó đi qua Eo biển Đài Loan, một động thái mà Mỹ mô tả là thực thi tự do hàng hải thường lệ, trong khi Bắc Kinh cho là hành động gây bất ổn trong khu vực.

Cùng thời điểm, chính quyền ở Đài Loan cũng đưa ra cảnh báo sau khi 15 máy bay quân sự Trung Quốc – trong đó có cả chục phản lực cơ chiến đấu – đã băng qua vùng nhận dạng phòng không của họ.