Mỹ có thực sự đến giúp Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đài Loan sẽ phải tự chiến đấu với Trung Quốc đại lục, mặc dù mối quan hệ của họ với Mỹ sẽ giúp hòn đảo tự trị này có được nguồn cung vũ khí; theo các chuyên gia quân sự.
Đài Loan sẽ phải tự bảo vệ mình nếu bị Trung Quốc tấn công, theo giới chuyên gia (Ảnh: EPA)
Đài Loan sẽ phải tự bảo vệ mình nếu bị Trung Quốc tấn công, theo giới chuyên gia (Ảnh: EPA)

Trong lúc căng thẳng trên eo biển Đài Loan tăng nhiệt trong những năm gần đây, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra sôi nổi mà trong đó tập trung vào phản ứng của Mỹ trong trường hợp đảo Đài Loan bị đại lục tấn công. Và quan điểm chung của giới chuyên gia là, Mỹ sẽ không cử lực lượng tham chiến.

Điều này cũng đã được nhấn mạnh tại một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong hôm thứ Năm tuần trước, trong đó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cho rằng hàng rào tốt nhất để bảo vệ Đài Loan chính là người Đài Loan.

“Chắc chắn là chúng ta có thể giúp họ, như ở Ukraine hiện tại, và rất nhiều bài học được đưa ra mà Trung Quốc đang học hỏi một cách nghiêm túc” – ông Milley nói. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng biện pháp răn đe hữu hiệu nhất chính là “đảm bảo rằng phía Trung Quốc hiểu rằng đó là mục đích rất khó đạt được.”

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và cần tái thống nhất dù có bằng vũ lực. Quan hệ giữa hai bên đã suy giảm kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo của hòn đảo tự trị. Để buộc chính quyền hòn đảo này ngồi vào bàn đàm phán tái thống nhất, Bắc Kinh đã tăng cường sức ép bằng cách điều hàng loạt máy bay quân sự và tổ chức các cuộc tập trận ở các khu vực xung quanh.

Đầu năm nay, cuộc chiến Nga-Ukraine càng làm tăng quan ngại về khả năng người Mỹ sẽ điều quân bảo vệ Đài Loan trong trường hợp nó bị Trung Quốc tấn công.

Tại một cuộc hội thảo ở Đài Bắc hôm thứ Năm tuần trước, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã dạy cho Đài Loan rằng, ngay cả một thế lực nhỏ cũng có thể chống lại chiến dịch quân sự từ một thế lực lớn, đặc biệt là nhờ vào các loại vũ khí cỡ nhỏ mà Mỹ chế tạo, như tên lửa Javelin và Stinger.

Nhưng những sự kiện ở Ukraine cũng giúp Đài Loan hiểu rõ rằng Mỹ sẽ không bao giờ điều lực lượng của họ tới giúp trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, theo các chuyên gia. Họ nhất trí rằng, khả năng Mỹ cử binh sĩ tới giúp Đài Loan là bằng 0, giống như việc Nhà Trắng từ chối cử viện binh giúp Ukraine, chỉ hứa hẹn cung cấp vũ khí và các loại viện trợ quân sự khác.

“Tổng thống Joe Biden đã viện lý do một cuộc chiến tranh thế giới có thể bùng phát nếu họ cử binh sĩ tới Ukraine” – Max Lo, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Đài Loan, trụ sở tại Đài Bắc, nhận định.

Ông thêm rằng nếu sự can thiệp trực tiếp có thể dẫn tới một cuộc chiến Nga-Mỹ và từ đó làm bùng phát thế chiến, vậy thì trường hợp tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc, bởi 3 nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Theo logic như vậy, Mỹ có rất ít khả năng sẽ cử binh sĩ tới giúp Đài Loan nếu như cuộc xung đột xuyên eo biển diễn ra” – ông nói.

Ông Lo phân tích rằng, Mỹ chỉ cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và liên lạc vệ tinh cho Ukraine. Điều này không chỉ giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga, mà còn giúp NATO đoàn kết hơn, làm suy yếu đáng kể sức mạnh của Nga thông qua các lệnh trừng phạt quốc tế.

“Về phần mình, Mỹ là bên chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến ở Ukraine. Bởi vậy, hiển nhiên là Mỹ sẽ áp dụng mô hình cho Đài Loan nếu như xung đột xuyên eo biển xảy ra” – ông nhận định.

Alexander Huang Chieh-cheng, Giáo sư quan hệ quốc tế và là chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại ĐH Tamkang, nói rằng nhiều người ở Đài Loan kỳ vọng Mỹ sẽ giúp bảo vệ hòn đảo này, bởi Washington liên tục đưa ra lời đảm bảo về an ninh cho họ. “Nhưng những gì đã thấy ở Ukraine cho chúng ta thấy thực tế, Mỹ sẽ không cử binh sĩ tới giúp”, ông nói.

Theo ông Huang, Mỹ từng cam kết “giúp bảo vệ Đài Loan” nhưng cách nói này có nhiều cách diễn dịch, có thể là Mỹ viện trợ quân sự chung chung hoặc cử binh sĩ tới theo điều kiện đặc biệt nào đó. Và cách hiểu về sự đảm bảo đó còn tùy thuộc nhiều yếu tố, như tính hợp pháp, tình hình địa chính trị và các biện pháp phòng vệ.

Ví dụ, nếu LHQ nhận thấy rằng cần phải bảo vệ Đài Loan hay bất kỳ bộ luật nào của Mỹ như Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ và các nước có chung chí hướng, bao gồm Nhật Bản, sẽ làm như vậy. Tương tự, nếu như việc quân đội Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan gây ảnh hưởng tới các lợi ích chính trị và kinh tế - như nguồn cung năng lượng – của các nước láng giềng hay nước khác, Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ nhập cuộc.

Ông Huang nói, hiện tại Mỹ đã sử dụng mô hình cung cấp viện trợ quân sự mà không cần triển khai binh sĩ tới giúp Ukraine, họ có thể làm điều tương tự với Đài Loan.

Chang Kuo-cheng, Giáo sư đến từ ĐH Y Đài Bắc, cho rằng nếu như ý chí phản kháng của người Đài Loan yếu, nó sẽ tác động tới mong muốn hỗ trợ của phía Mỹ. Ông cũng cảnh báo về khả năng Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt kinh tế với Đài Loan, từ đó tạo tác động tiêu cực. Đài Loan hiện đang phải dựa dẫm khá nặng nề vào nền kinh tế đại lục, với ít nhất 40% lượng hàng hóa xuất khẩu của hòn đảo này là tới Trung Quốc.

Theo SCMP