“Mưa hồng” bản "nhái" có phải kiếp nạn của nhạc Trịnh?

VietTimes – Dư luận xôn xao về việc “Mưa hồng” phiên bản mới đã “sửa lời” từ “cho mây hồng” thành “chó mây hồng”?
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và anh trai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và anh trai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời

Nhiều hơi thở thời đại

Mới đây, khi tác giả Bùi Lan Hương công bố ca khúc “Mưa hồng” (nguyên tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và “Dư âm” (nguyên tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) là sáng tác phái sinh và trình bày các ca khúc này, cô đã vấp phải phản ứng “nóng bỏng” với nhiều chỉ trích từ dư luận.

Trên trang youtube công bố ca khúc phái sinh “Mưa hồng”, có tới hơn 24.364 lượt xem video, “Dư âm” thu hút 53.193 lượt xem cho đến hiện tại. Nhưng cả hai ca khúc đều phải nhận nhiều lời bình luận khiếm nhã.

Với khán thính giả trẻ, nếu chỉ nghe “Dư âm” bản phái sinh, thì khá thích thú, bởi nhiều người trong số họ không hình dung được giai điệu nguyên tác đi cùng những ca từ như “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn ý tơ…” thế nào. Họ chỉ cảm nhận “hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu” theo cách pop hóa khá gần gũi với giới trẻ.

Ngược lại, “Mưa hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại ấn tượng khá sâu đậm trong lòng người nghe, nên khán thính giả bất ngờ, đang hình dung “Trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu…” theo giai điệu cũ, thì bỗng “vấp” phải một nét nhạc hoàn toàn xa lạ, mới mẻ, có phần bạo dạn của giới trẻ.

Bùi Lan Hương không phải một nhạc sĩ mới “trắng tay”, mà tác giả này vừa đoạt giải Nghệ sĩ mới của năm tại giải Cống hiến 2019. Bùi Lan Hương tốt nghiệp á khoa thính phòng, opera tại Học viện âm nhạc Quốc gia, nổi lên từ chương trình "Sing my song" và để lại ấn tượng trong một số chương trình âm nhạc, là ca sĩ tiên phong trong thể loại Dream pop.

Tuy nhiên, người nghe không dễ dàng chấp nhận chuyện “sửa lời” nhạc Trịnh. Nhiều khán thính giả bức xúc để lại những lời nặng nề, cho là Bùi Lan Hương đã “phá nát nhạc Trịnh”, “lấy lời rồi bịa ra nhạc”, “nhạc Trịnh gặp kiếp nạn”…

Nhạc sĩ Lại Thế Bảo Huy cho rằng không thể “sửa lời” của Trịnh Công Sơn, từ “cho mây hồng” biến hẳn thành “chó mây hồng” (trong câu đầu tiên của ca khúc) như vậy được.

Nhạc sĩ Lại Thế Bảo Huy viết: “Lời bài hát đang từ: “Trời ươm nắng cho mây hồng” mà hát đổi thành “chó mây hồng” thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sống dậy cũng sẽ tức giận và phản ứng dữ dội chứ đừng nói tới những người yêu âm nhạc của ông”.

Phái sinh phải được phép của chủ sở hữu quyền

Trong các loại tác phẩm âm nhạc phái sinh thì có thể phái sinh phần nhạc hoặc phần lời. Trường hợp cụ thể của “Mưa hồng” và “Dư âm”, người sáng tác mới cũng đã ghi rõ tên tác giả bài gốc và tên của người viết tác phẩm mới, thể hiện thành ý sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, còn có phần tự sự ở đầu video, nói rõ là tác giả phái sinh giữ gần như nguyên vẹn phần lời, có sửa một ít và viết bản nhạc mới, mong công chúng chấp nhận.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) khẳng định việc xuất hiện bản phái sinh “Mưa hồng” và “Dư âm” mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền như thế này, chính là vi phạm quyền tác giả.

Bùi Lan Hương viết lại và trình bày hai ca khúc gây dư luận trái chiều (Ảnh cắt từ clip)
Bùi Lan Hương viết lại và trình bày hai ca khúc gây dư luận trái chiều nhưng chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền (Ảnh cắt từ clip)

Trong số các quyền nhân thân, quyền tài sản, tác giả (đại diện tác giả/chủ sở hữu quyền) có thể cho phép hoặc không cho phép sáng tạo các tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc. Kể cả khi được sự cho phép của chủ sở hữu quyền rồi thì vẫn phải có những văn bản thỏa thuận ghi rõ việc đề tên tác giả bài gốc như thế nào, tỷ lệ phân chia tiền tác quyền ra sao khi phát hành.

Phân tích về bản quyền tác phẩm, nhạc sĩ Lại Thế Bảo Huy cho rằng: “Gia đình của tác giả chỉ có quyền thụ hưởng từ sự khai thác tác phẩm ca khúc đó của tác giả thôi, chứ không có quyền được sửa đổi nội dung của tác phẩm ca khúc (bao gồm nhạc và lời), chỉ có tác giả mới có quyền sửa đổi, và sự sửa đổi này cũng còn tùy thuộc vào văn hóa và pháp luật do nước sở tại qui định, không phải là gia đình của tác giả đã cho phép thì bên thứ ba được chỉnh sửa thoải mái. Đối với trường hợp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì ông đã mất, thì văn bản các bài hát của ông đã ủy quyền cho Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam bảo vệ”.

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ cho biết trước đây, trong dịp kỷ niệm 18 ngày mất của nhạc sĩ tài danh, các ca sĩ Tùng Dương, Thanh Lam cũng từng hát nhạc Trịnh theo một phong cách mới lạ, khác với những gì mà công chúng đã quen thuộc qua sự thể hiện của ca sĩ Khánh Ly hay Hồng Nhung, hoặc ca sĩ Đồng Lan cũng từng thể nghiệm hát nhạc Trịnh theo phong cách nhạc Jazz…

Dù khẳng định nhạc Trịnh không gò bó vào một phong cách nào và mong muốn âm nhạc của cố nhạc sĩ có thể đến với nhiều đối tượng người nghe, nên gia đình sẵn sàng đồng ý với các thể nghiệm mới mẻ, có yếu tố khám phá, song bà Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng, nghe "Mưa hồng" do Bùi Lan Hương hát, bà "không thể nhận ra đây là nhạc của anh Sơn". Và, đại diện gia đình cố nhạc sĩ danh tiếng khẳng định: "Việc sửa đổi ca từ là điều không thể chấp nhận”. 

Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam đang tiếp tục làm việc với chủ sở hữu quyền của “Mưa hồng” và “Dư âm” để xem yêu cầu của họ về việc xử lý trường hợp vi phạm này như thế nào?