Trên trang cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã có một chia sẻ rất thú vị về trải nghiệm mua hàng online, logistics của Mỹ và Trung Quốc.
Ông Bảo cho biết đã đặt trực tuyến 2 món đồ công nghệ từ Mỹ về Việt Nam. Ông rất bất ngờ khi tới hơn 1 tháng sau ông mới nhận được hàng. Trong khi đó, món đồ từ Trung Quốc gửi sang Việt Nam chỉ mất có 3 ngày.
Mặc dù khoảng cách về địa lý giữa Mỹ và Việt Nam xa hơn so với Trung Quốc và Việt Nam, nhưng ông Bảo cũng không nghĩ rằng các đơn vị logistics của Mỹ chuyển phát lâu đến như vậy.
Theo dõi vận đơn, ông thấy món đồ của mình vận chuyển trong nội địa nước Mỹ mất 8 ngày, Hải quan Mỹ kiểm tra để thông quan cũng mất 6 ngày. Trong khi đó, theo ông Bảo, hàng hóa vận chuyển nội địa Trung Quốc, việc giao hàng trong 24h được coi là tiêu chuẩn.
Nhưng Trung Quốc vẫn muốn cải thiện thời gian giao hàng nội địa xuống còn 12 giờ.
2 khía cạnh khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ
Vì đâu lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy giữa logictics Mỹ và Trung Quốc? Theo lý giải của Amgi Management Group thì sự khác biệt nằm ở hai khía cạnh chính: cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Trước hết, cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến phương thức giao hàng của các công ty logistics. Trung Quốc đã dành các làn đường riêng cho xe 2 bánh di chuyển giữa các thành phố, cùng với mạng lưới đường ray tàu cao tốc được xây dựng rộng rãi như mạng nhện kết nối giữa các tỉnh thành.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công ty SF Express của Trung Quốc để cạnh tranh với các công ty Mỹ như FedEx trong việc cung cấp dịch vụ chuyển phát.
Ví dụ, SF Express đã sử dụng tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa với tốc độ 80, 120 hoặc 160 km/h. Trong khi đó, các tàu hàng của Mỹ chỉ chạy với tốc độ trung bình 43 km/h. Điều này làm cho SF Express có lợi thế vượt trội trong việc cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và hiệu quả hơn.
Khi đề cập đến khía cạnh thứ hai - công nghệ, cả các công ty Trung Quốc và Mỹ đều tập trung vào việc cải thiện hệ thống phân phối logistics của họ. Ví dụ, dịch vụ CNTT trong ngành logistics ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều theo các giai đoạn tương tự nhau đó là luồng sản phẩm, luồng thông tin, ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) và dòng tiền; tất nhiên có một số khác biệt do tính chất địa phương của mỗi công ty, cũng như chính sách ở Trung Quốc và có một số khác biệt nhỏ.
Trung Quốc trung bình có tỷ lệ chi phí logistics chiếm 18% GDP, trong khi Hoa Kỳ chỉ là 8,5% GDP. Ngoài ra, logistics các ngành công nghiệp ở cả hai quốc gia có khả năng phân phối tương tự nhau và có cùng hướng phát triển.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đầu tư mạnh vào các công nghệ thịnh hành như AI, xe tự lái, dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái.
Ví dụ, công ty Trung Quốc, SF Express, đã liên tục tuyển dụng các kỹ sư AI, mức lương cơ bản trung bình của những các vị trí thường gấp ba lần so với kỹ sư phần mềm, không bao gồm tiền thưởng và cổ phiếu tùy chọn. Tương tự, Amazon đã liên tục đầu tư vào dự án giao hàng bằng máy bay không người lái của mình, tuyển dụng nhân tài trong các lĩnh vực AI, Machine Learning.
5 yếu tố giúp logistics Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới
Nếu chỉ nhìn ở 2 khía cạnh cơ sở hạ tầng và công nghệ thì chưa thấy hết được sức mạnh ngành logistics Trung Quốc. Theo báo cáo từ Research and Markets, ngành logistics ở quốc gia này sẽ tiếp tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là trên 6% tính từ năm 2022 đến 2027. Đại dịch đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thị trường logistics Trung Quốc.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã đóng vai trò dẫn đầu trên thị trường logistics quốc tế, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Với quy mô thị trường lên đến 2.425,91 tỷ USD, khu vực này nhận được sự đóng góp lớn nhất từ Trung Quốc.
Sự phát triển của ngành logistics Trung Quốc có thể được nhận thấy qua 5 yếu tố sau đây:
1. Ngành thương mại điện tử phát triển mạnh
Sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc đã mở ra một thời kỳ mới cho nền kinh tế của quốc gia này. Theo báo cáo từ Statista, trong hai năm qua, ngành kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc đã chiếm hơn 38% GDP. Đặc biệt, vào năm 2020, gần 1/4 sản phẩm của Trung Quốc đã có sẵn trên nền tảng trực tuyến, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 18%.
Năm ngoái, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số bán lẻ trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu. Hiện nay, Trung Quốc cũng có dân số mua hàng trực tuyến lớn nhất trên thế giới, với hơn 780 triệu người. Sự phổ biến của lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ đã thúc đẩy ngành giao nhận hàng hóa ở Trung Quốc phát triển một cách tự nhiên.
Các công ty thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc như JD.com, NetEase và Alibaba cũng đã mở rộng cơ sở khách hàng của họ ở các quốc gia khác. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm trực tuyến đã thúc đẩy các công ty thương mại điện tử tìm kiếm một giải pháp phân phối hiệu quả dưới hình thức các công ty 3PL (thuê bên thứ ba đảm nhiệm dịch vụ logistics). Điều này cho phép người bán tập trung vào công việc kinh doanh của họ trong khi giao nhiệm vụ giao hàng cho các nhà cung cấp dịch vụ 3PL.
2. Sáp nhập dẫn đến tăng lợi nhuận cho các công ty giao nhận
Các công ty vận chuyển và nhà cung cấp dịch vụ 3PL đang tìm kiếm các phương thức mới để gia tăng lợi nhuận. Chẳng hạn, nhiều công ty trong số họ đang tăng cường khả năng phát triển bền vững bằng cách chuyển sang tích hợp đa kênh và áp dụng số hóa.
Tháng 12/2021, China Logistics Group được thành lập từ sự hợp nhất của 5 công ty thuộc sở hữu của Chính phủ. Các công ty này bao gồm China Logistics, China National Materials Storage and Transportation, CTS International Logistics, China Railway Materials Group và China National Packaging. Với số vốn đăng ký là 4,7 tỉ USD, công ty này đã trở thành một trong những công ty lớn nhất trên thị trường logistics của Trung Quốc.
Tương tự, các nhà cung cấp khác trong ngành logistics cũng đang nỗ lực mở rộng năng lực của họ thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Ví dụ, Cainiao Smart Logistics Network Ltd (một công ty con của tập đoàn Alibaba) đã mua 15% cổ phần của Air China Cargo vào năm 2021. Họ cũng đã hợp tác với Atlas Air và LATAM Airlines. Dịch vụ chuyển phát đa quốc gia của Trung Quốc SF Holding đã mua phần lớn cổ phần của Kerry Logistics và đã mở rộng đáng kể quy mô đội tàu của mình.
Xu hướng này đã thúc đẩy các công ty quốc tế mua lại các công ty logistics địa phương của Trung Quốc. Ví dụ, Maersk đã mua công ty LF Logistics có trụ sở ở Hồng Kông để nâng cấp năng lực thực hiện đa kênh của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương. Gần đây, Kuehne+Nagel đã tiếp quản công ty vận tải hàng không hàng đầu châu Á Apex để khẳng định vị thế tốt hơn trong lĩnh vực giao nhận vận tải châu Á.
3. Các sáng kiến của Chính phủ
Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành đầu tư quy mô lớn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và đưa nước này trở thành một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực logistics toàn cầu. Bên cạnh đó, BRI cũng biến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ logistics cho các quốc gia khác.
Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đáng kể trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường sắt. China Railway Express đã cung cấp một số lượng lớn chuyến tàu để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu. Tất cả những sáng kiến này từ Chính phủ Trung Quốc rõ ràng cho thấy cam kết của những người lãnh đạo trong việc biến đất nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực logistics quốc tế.
4. Sự cạnh tranh cao
Lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và logistics tại Trung Quốc là một lĩnh vực đầy cạnh tranh và phân mảnh, với sự tham gia của các công ty đa quốc gia nước ngoài, các công ty logistics Trung Quốc và các công ty vận tải Trung Quốc.
Các công ty đầu ngành đang hoạt động tại Trung Quốc và cạnh tranh để giành thị phần lớn hơn bao gồm UPS, DB Schenker, XPO Logistics, CEVA Logistics, DHL, Yusen Logistics, FedEx Corp, Sinotrans và CSC, International Logistics Group, COSCO, SF Express, Jizhong Energy, Kuehne + Nagel, Xiamen Xiangyu Group, v.v.
Sự cạnh tranh sòng phẳng này đã thúc đẩy các công ty nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian giao nhận và mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
5. Chuyển đổi số hoạt động logistics
Các công ty logistics độc lập ở Trung Quốc cũng đang mở rộng kinh doanh nhanh hơn bằng việc ứng dụng chuyển đổi số. Công nghệ đang cho phép họ phục vụ các phân khúc thích hợp và các địa điểm từ xa.
Các công ty giao nhận vận tải kỹ thuật số hàng đầu như Flexport, Freightos, Cogoport, Freighthub, Twill, v.v. cũng đã tham gia vào lĩnh vực logistics của Trung Quốc. Theo báo cáo từ Mordor Intelligence, thị trường logistics kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 24% từ năm 2022 đến năm 2027.
Quan trọng hơn, các công ty logistics nhỏ và độc lập sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các công ty logistics cỡ trung bình trong vài năm tới. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ cần bắt kịp xu hướng kỹ thuật số và bắt đầu số hóa mọi khía cạnh dịch vụ của mình./.
Đón xem bài 2: Ngành logistics Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?