Một thương vụ “đứng tên” của Cotana

VietTimes – Cụ thể là thương vụ “đứng tên hộ” ở Công ty cổ phần Comaland Đầu tư và Phát triển Bất động sản (viết tắt: Comaland BT).
Tòa nhà Cotana - đại bản doanh của Tập đoàn Cotana. (Ảnh: CSC)
Tòa nhà Cotana - đại bản doanh của Tập đoàn Cotana. (Ảnh: CSC)

Comaland BT được thành lập ngày 19/03/2010 bởi Tổng Công ty cơ khí Xây dựng – Công ty TNHH MTV (Coma) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (tiền thân của CTCP Tập đoàn Cotana; Mã chứng khoán: CSC).

Nó ra đời với sứ mệnh của một doanh nghiệp dự án khi liên danh Coma – Cotana được Hà Nội lựa chọn làm nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dài gần 4,2km, tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng (sau được điều chỉnh thành 497 tỷ đồng), theo hình thức BT.

Ngoài Coma và Cotana, trong danh sách cổ đông sáng lập của Comaland BT còn có sự xuất hiện của bà Đặng Thị Ngọc Bích – phu nhân của ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Tập đoàn Ecopark (tên cũ: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico)) – chủ đầu tư thành phố xanh Ecopark, đại dự án 500ha ngay kề Hà Nội và cũng là đối tượng được hưởng lợi lớn từ dự án BT trên.

Dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cho thấy, sau khi Coma thoái vốn, Cotana là cổ đông chi phối gần như tuyệt đối ở Comaland BT, với tỷ lệ sở hữu lên đến 97%. Kể cả cho đến giữa năm 2017, Cotana đã nhượng bớt một phần vốn ở Comaland BT để giảm tỷ lệ sở hữu về 51% thì về mặt lý thuyết, Cotana sẽ vẫn được xem như công ty mẹ của Comaland BT.

Cơ cấu sở hữu ở Comaland BT, theo ĐKKD thay đổi ngày 27/7/2017.
Cơ cấu sở hữu ở Comaland BT, theo ĐKKD thay đổi ngày 27/7/2017.

Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 27/07/2017 thể hiện, Comaland BT đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ mức 100 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu 51% và lượng vốn góp đăng ký 408 tỷ đồng ở Comaland BT khi này là một con số đáng kể với Cotana. Bởi lẽ, tính đến thời điểm ấy, vốn điều lệ đăng ký của Cotana chỉ là 100 tỷ đồng và tổng tài sản cũng chỉ hơn 500 tỷ đồng.

Chưa kể, với vai nhà đầu tư BT của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Comaland BT dự kiến sẽ được khai thác khu đất đối ứng rộng 63ha ở Đa Tốn, Gia Lâm (theo Quyết định số 4852/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 của UBND Tp. Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đối ứng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên, tỷ lệ 1/500).

Hẳn nhiên, theo suy nghĩ thông thường, Comaland BT sẽ là một thành viên tối quan trọng của Cotana. Ấy nhưng thực tế lại khác!

Suốt nhiều năm qua, trong các Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên của mình, Cotana hầu như không ghi nhận và liệt kê Comaland BT trong danh sách công ty con, công ty thành viên.

Bộ phận kế toán của Cotana có cái lý của họ!

Đứng tên hộ

Theo tìm hiểu của VietTimes, một phần đáng kể sở hữu của Cotana ở Comaland BT thuộc diện “đứng tên hộ”.

Bởi từ nhiều năm trước, một số cá nhân – có thể kể đến như ông Phạm Mạnh Long, bà Lê Thị Vân Anh - đã ủy thác hàng chục tỷ đồng để Cotana góp vốn vào Comaland BT. Việc ủy thác này thậm chí phát sinh ngay từ khi Comaland mới thành lập. Sau đó, đến năm 2015, Cotana còn tiếp tục nhận thêm gần 7 tỷ đồng được ủy thác từ bà Đặng Thị Ngọc Bích để đầu tư vào cổ phiếu Comaland BT.

Cotana vì thế - dù đứng tên sở hữu cổ phần ở Comaland BT – nhưng thực quyền lại thuộc về bên ủy thác. Kể cả giữa năm 2017, Cotana quyết định thoái một phần vốn ở Comaland BT cho Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển BBCông ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB – bộ đôi doanh nghiệp của vợ chồng ông bà chủ Tập đoàn Ecopark Lương Xuân Hà & Đặng Thị Ngọc Bích -  thì thực chất cũng chỉ là chuyển nhượng hộ các cá nhân như ông Phạm Mạnh Long và bà Lê Thị Vân Anh. Cập nhật đến đầu năm 2019 cho thấy, thương vụ chuyển nhượng này vẫn chưa được tất toán, Cotana chưa thu hồi được khoản chuyến nhượng vốn góp này để trả cho các nhà đầu tư cá nhân đã ủy thác.

4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên mà Comaland BT đầu tư theo hình thức BT chạy qua dự án Ecopark. Dĩ nhiên nó cũng giúp dự án này nâng tầm và nâng địa tô chênh lệch! (Ảnh: Internet)
4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên mà Comaland BT đầu tư theo hình thức BT chạy qua dự án Ecopark. Dĩ nhiên nó cũng giúp dự án này nâng tầm và nâng địa tô chênh lệch! (Ảnh: Internet)

Nhắc lại rằng, Hà Nội đã “chấm” khu đất đối ứng rộng 63ha tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm để đổi lại cho việc Comaland BT đầu tư 4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. Tham gia nhận chuyển nhượng cổ phần Comaland BT, đồng nghĩa, vợ chồng ông bà Hà - Bích lại sắp có thêm một dự án “khủng” cách không xa Thành phố xanh Ecopark – dự án hưởng lợi lớn từ tuyến đường BT mà Comaland BT sắm vai nhà đầu tư.

Nói đến Tập đoàn Ecopark có lẽ cũng nên đề cập đến ông chủ Cotana – doanh nhân Đào Ngọc Thanh, người được biết đến rộng rãi trên vai trò Tổng Giám đốc của Tập đoàn Ecopark.

Ông Đào Ngọc Thanh

Là người thường xuyên xuất hiện trước truyền thông và đứng tên người đại diện theo pháp luật của Vihajico (tên cũ của Tập đoàn Ecopark), ông Thanh thậm chí được nhiều người nghĩ là ông chủ của Ecopark, hơn là vợ chồng doanh nhân phố cổ Lương Xuân Hà – Đặng Thị Ngọc Bích.

Dĩ nhiên, đấy là với số đông, chứ không phải với những người trong ngành, trong nghề! Bởi Cotana và hai công ty thành viên của nó dù cũng được xem như các cổ đông sáng lập của Vihajico nhưng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm này chỉ là 10%. Trong khi phần còn lại chủ yếu được sở hữu – cả gián tiếp và trực tiếp – bởi vợ chồng ông bà Hà – Bích.

Ông Đào Ngọc Thanh vẫn đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark cho đến cuối tháng 1/2019, trước khi bàn giao lại cho người kế nhiệm Trần Quốc Việt. Song thực tế nhóm Cotana đã rục rịch rút khỏi Ecopark từ trước đó hàng năm – theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01 ngày 21/04/2017 của Cotana.

Chủ trương này được hiện thực hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký giữa nhóm Cotana và bên nhận chuyển nhượng – là ông Nguyễn Vũ Kiên - vào ngày 25/12/2017. Với các phụ lục hợp đồng được ký bổ sung vào ngày 8/3/2018 và 24/3/2018, nhóm Cotana cơ bản đã chuyển nhượng hết cổ phần tại Vihajico. Thương vụ đã mang về cho công ty của ông Đào Ngọc Thanh hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận và xem như khép lại quãng đường hợp tác nhiều trái ngọt với chủ đầu tư của dự án Ecopark.

Ngôn phong điều hành của ông Đào Ngọc Thanh tại phiên ĐHĐCĐ mới đây của Vinaconex phần nào phản ánh "vai" của người đang đứng ghế Chủ tịch HĐQT VCG.
Ngôn phong điều hành của ông Đào Ngọc Thanh tại phiên ĐHĐCĐ mới đây của Vinaconex phần nào phản ánh "vai" của người đang đứng ghế Chủ tịch HĐQT VCG.

Hậu cuộc tình Ecopark, theo tìm hiểu, ông Đào Ngọc Thanh từng định “về đội” của đại gia Phương Hữu Việt. Nhưng có vẻ việc hợp tác với ông chủ Tập đoàn Việt Phương không có kết quả. Rồi mới đây, như đã thấy, ông Thanh bất ngờ xuất hiện trong vai trò Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Vị doanh nhân hiện đã 73 tuổi này được coi là một thành viên trong liên minh đứng sau Công ty TNHH An Quý Hưng – nhà đầu tư đã bỏ ra 7.400 tỷ đồng để thâu tóm 58% cổ phần Vinaconex từ SCIC. Trao đổi với truyền thông, ông Thanh cũng hơn một lần xác nhận điều này.

Tuy được liên minh lựa chọn và bố trí ở vị trí cao nhất tại Vinaconex – với chức danh Chủ tịch HĐQT – nhưng không nhiều người tin cựu giảng viên Đại học Xây dựng là người “cầm cơ”. Quy mô của Cotana và tầm lực của ông Đào Ngọc Thanh, so sánh với tầm vóc của “game” Vinaconex, dù muốn hay không, vẫn cho thấy những sự chênh lệch.

“Có lẽ ông Thanh chỉ là người ra mặt” – một cổ đông bình luận với VietTimes bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 mới diễn ra của Vinconex, nơi ông Đào Ngọc Thanh đã có màn trình diễn “xứng tầm”./.