Một tòa nhà 6 tầng trắng tuyền, với lối kiến trúc cầu kỳ, kéo dài suốt nhiều chục mét mặt đường. Dưới mái hiên đua kiểu cách, hàng tường kính được tận dụng tối đa để khoe những sản phẩm tinh tế được trưng bày phía trong. Góc hắt của ánh đèn trang trí càng khiến chúng trở nên lung linh – đủ để người qua đường hiểu được đẳng cấp của nhóm khách hàng mục tiêu. Showroom hơn 10.000m2 sàn trưng bày này, nghe đâu, còn có cả những căn phòng dát vàng 24k cùng nội thất cực hạng được sử dụng làm nhà riêng cho ông chủ.
Với 30 năm lịch sử, showroom nội thất này cũng để lại ký ức với nhiều người dân thủ đô, từ ngày đầu mở cửa. Hùng Túy vì thế được xem như thương hiệu phân phối các trang thiết bị, sản phẩm nội thất có quy mô và bề dày bậc nhất Hà Nội.
Việc chỉ có duy nhất một showroom tại 20 Cát Linh không phản ánh hết năng lực và tầm vóc của Hùng Túy. Bởi không chỉ bán lẻ, thị trường trọng yếu của Hùng Túy là các công trình, dự án quy mô lớn – thông qua việc bắt tay trực tiếp với chủ đầu tư để cung cấp các thiết bị vệ sinh, thiết bị phòng tắm, gạch đá ốp lát, và các sản phẩm nội thất phòng khách, phòng ngủ.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, hoạt động của Hùng Túy hiện nay không chỉ giới hạn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trang thiết bị, sản phẩm nội thất.
Một cách âm thầm và kín đáo, Hùng Túy – hay chính xác hơn là hệ sinh thái Hùng Túy – đã và đang đẩy mạnh hoạt động trên thị trường địa ốc.
“Hệ sinh thái” Hùng Túy
Lấy tên showroom là Hùng Túy và định vị thương hiệu này trên thương trường, nhưng lưu ý, Hùng Túy không phải là tên doanh nghiệp sở hữu showroom nội thất này.
Doanh nghiệp ấy cũng được viết tắt với hai chữ cái đầu H.T nhưng mà là Công ty TNHH Hoàng Tử (Hoàng Tử), thành lập ngày 06/12/1996, có trụ sở tại 20 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
Còn về thương hiệu Hùng Túy, đây khả năng là cách gọi nhiều thành quen, theo tên hai nhà sáng lập: Nguyễn Văn Hùng (SN 1957) và Cao Văn Túy (SN 1950).
Ông Hùng và ông Túy chính là hai người đã sáng lập nên Hoàng Tử và từng chia nhau 2 vị trí chủ chốt ở công ty, là Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc. Bên cạnh đó, danh sách cổ đông sáng lập của các công ty này, còn có những người thân như Đặng Thị Lợi, Nguyễn Kim Hoa.
Bộ đôi nhà sáng nghiệp Nguyễn Văn Hùng (trái) và Cao Văn Túy của "hệ sinh thái" Hùng Túy. (Ảnh: Internet)
|
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/09/2016, vốn điều lệ của Hoàng Tử là 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Hùng đóng góp 90 tỷ đồng (chiếm 45%), ông Cao Văn Túy đóng góp 22 tỷ đồng (chiếm 11%) và bà Nguyễn Kim Hoa – SN 1963 – đóng góp 88 tỷ đồng (chiếm 44%).
Thành lập năm 1996, Hoàng Tử có thể xem như doanh nghiệp khởi thủy của “hệ sinh thái” Hùng Túy. Nhưng đây không phải là doanh nghiệp lớn nhất của hệ sinh thái này – chí ít là theo quy mô vốn điều lệ đăng ký.
Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam (tiền thân là CTCP Picenza Việt Nam; viết tắt: Picenza), được sáng lập bởi Hoàng Tử và các cổ đông sáng lập nên Hoàng Tử vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc. Picenza chuyển về Hà Nội từ tháng 04/2007 và hiện đăng ký trụ sở tại cùng địa chỉ với Hoàng Tử: số 20 Cát Linh, Đống Đa.
Cập nhật đến cuối năm 2016, Picenza có vốn điều lệ ở mức 650 tỷ đồng. Hoàng Tử đã thoái vốn nhiều năm nhưng ông Nguyễn Văn Hùng và ông Cao Văn Túy vẫn là cổ đông lớn của Picenza với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 64% và 11%.
Bộ đôi sáng nghiệp Hùng Túy cũng chia nhau nắm giữ những cương vị chủ chốt tại tập đoàn này. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, còn ông Cao Văn Túy là Phó Tổng Giám đốc.
Một P.TGĐ khác của Picenza và cũng là một nhân vật quan trọng của “hệ sinh thái” Hùng Túy là ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1959) – người đồng thời đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật cho Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Picenza Việt Nam (thành lập vào đầu năm 2017 tại Lô 39B Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội).
Tòa nhà Picenza, đại bản doanh của Hùng Túy, tại số 20 Cát Linh.
|
Nếu như showroom 20 Cát Linh giúp Hùng Túy ghi dấu ấn trong làng vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất thủ đô bằng các sản phẩm hạng sang, thì Picenza chính là đơn vị đã mở rộng độ phủ của hệ sinh thái này trên phạm vi cả nước – với các dòng sản phẩm bình dân hơn.
Nổi bật hơn cả là sản phẩm bình nước nóng Picenza – thương hiệu từng làm mưa làm gió trên khắp các siêu thị và cửa hàng điện máy. Ngoài bình nước nóng, thương hiệu Picenza cũng tích cực phát triển độ phủ với nhiều dòng thiết bị nhà tắm như chậu rửa, bàn cầu, sen vòi….
Ngoài ra, theo dữ liệu của VietTimes, hệ sinh thái Hùng Túy cũng từng có một doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Hùng Túy. Công ty này thành lập ngày 01/07/2004 nhưng “sau một thời gian hoạt động, các thành viên công ty không thống nhất được phương án kinh doanh dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Công ty không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh”, nên cuối năm 2016, đã tiến hành giải thể.
Cuộc chơi khác của “ông trùm” nội thất
Phát tài nhờ buôn vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất, với lượng tư bản dồi dào và cả sự tương thích về chuỗi giá trị, giống như nhiều “đại gia” Hà Nội khác, Hùng Túy cũng tìm đến… đất.
Nhưng cách “ông trùm” nội thất này gia nhập thị trường địa ốc khá kín đáo và ít được để ý, nhất là ở thị trường thủ đô. Hùng Túy thường không ra mặt trực tiếp mà ấn sau hoạt động hợp tác hay liên danh, liên kết đầu tư.
Có thể kể đến như tại dự án King Palace số 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Thị trường đa phần chỉ biết chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào (Hoa Anh Đào). Một số ít hơn nhìn thấy hình bóng của Alphanam Group ở đằng sau. Nhưng chắc không mấy người để ý đến vai trò của Hùng Túy.
Hùng Túy "nắm" một nửa King Palace. (Ảnh: Internet)
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Công ty TNHH Hoàng Tử - thành viên “lõi” của hệ sinh thái Hùng Túy – chính là cổ đông sáng lập nên Hoa Anh Đào, bên cạnh Alphanam Group. Tỷ lệ sở hữu Hoàng Tử ở Hoa Anh Đào là 45% - có nghĩa Hùng Túy đang chi phối gần một nửa tổ hợp địa ốc nghìn tỷ ở số 108 Nguyễn Trãi.
Nên biết, Tập đoàn Picenza – một thành viên khác của Hùng Túy – chính là bên đã ký hợp đồng tổng thầu thi công với Hoa Anh Đào để thực hiện gói thầu “cung cấp vật tư và thi công cảnh quan, hoàn thiện nội thất – khối tháp A” cho dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng khách sạn căn hộ và nhà ở để bán King Palace.
Hay như tại dự án Hà Nội Aqua Central số 44 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tháp Nước Hà Nội (Tháp nước Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nếu không tính cổ đông nhà nước là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội – chủ của nền đất 44 Yên Phụ (nhà máy nước Yên Phụ), thì Picenza chính là cổ đông sáng lập lớn thứ 2 của Tháp nước Hà Nội, với tỷ lệ sở hữu 11,5% - sau Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 48,5%).
Vai trò nhà thầu cung cấp của Hùng Túy vẫn tiếp tục phát huy. Lần này, khi Picenza “ra mặt” làm cổ đông tại pháp nhân dự án thì Hoàng Tử lại lùi về sắm vai nhà cung cấp. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, Hoàng Tử đã ký hợp đồng với Tháp nước Hà Nội để cung cấp gạch ốp nhà WC, gạch lát nhà WC, gạch ốp lát căn hộ và cả cung cấp tủ bếp cho dự án Hà Nội Aqua Central.
Hà Nội Aqua Central. (Ảnh: Internet)
|
Lưu ý rằng, hoạt động của Hùng Túy trên thị trường địa ốc không chỉ dừng lại ở 2 dự án trên. Theo như giới thiệu trên website www.picenza.com.vn (đơn vị đăng ký tên miền: Công ty TNHH Hoàng Tử), Picenza còn sắm vai chủ đầu tư, tham gia đầu tư tại hàng loạt dự án như: Dự án toàn tháp đôi An Khánh (Khu đô thị An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội); Khu đô thị Minh Khai (Xã Minh Khai – Từ Liêm – Hà Nội); Khu nhà ở DIAMOND FLOWER Việt Hưng (Khu đô thị Việt Hưng – Long Biên – Hà Nội); Khu liên hợp cao cấp và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Xã Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội).
Không chỉ đầu tư ở Hà Nội, theo tìm hiểu, nhóm Hùng Túy còn mở rộng hoạt động ra các dự án địa ốc ở nhiều địa phương, có thể kể đến như dự án Picenza Mỹ Hưng quy mô hơn 34ha ở Sơn Tây (Hà Nội); Khu đô thị Picenza Plaza Thái Nguyên quy mô hơn 40ha (Đồng Bẩm, Thái Nguyên); Khu đô thị tại phường Chiềng Lề và phường Chiềng An, TP. Sơn La,…
Có thể thấy rằng, bên cạnh ngành buôn bán vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất, “đại gia” Hùng Túy đang rất nghiêm túc và thực sự có tham vọng với cuộc chơi địa ốc. Theo thông tin trên thị trường, ông chủ Hùng Túy là một doanh nhân có thực lực và có quan hệ gắn bó nhiều năm với nhóm đại gia xây dựng và địa ốc trên địa bàn thủ đô.
Ông Trần Trung Dũng - Thành viên BKS Vinaconex - được cho là "người của Hùng Túy".
|
Thậm chí có ý kiến còn đồn Hùng Túy chính là một trong các “đại gia” đã liên minh với ông Đông “An Quý Hưng” và ông Thanh “Ecopark” để thực hiện thương vụ đấu giá Vinaconex đình đám mới đây.
Tuy những người trong cuộc từng thừa nhận Công ty TNHH An Quý Hưng chỉ là đại diện của một nhóm các nhà đầu tư đã chi ra 7.400 tỷ đồng để thâu tóm 58% cổ phần Vinaconex của SCIC thì đến nay, danh tính của những nhân vật đã đồng hành cùng ông Nguyễn Xuân Đông và Đào Ngọc Thanh vẫn là một bí ẩn.
Kể cả khi tại phiên đại hội đầu tiên của Vinaconex hậu đấu giá (ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/01/2019), một nhân vật được cho là “người của Hùng Túy” – là ông Trần Trung Dũng (Trưởng bộ phận kế toán xây dựng cơ bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza việt Nam) – bất ngờ được đề cử và bầu vào Ban Kiểm soát thì vẫn còn quá sớm để kết luận về sự tham gia của Hùng Túy trong “game” Vinaconex./.