Theo báo cáo tài chính mới nhất của Công ty cổ phần VNG (viết tắt: VNG) thì tính đến ngày 31/12/2017, ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNG – đang vay công ty số tiền 249.643.473.900 đồng. So với thời điểm cuối năm 2016, là 250.143.473.900 đồng, thì quy mô vay đã giảm 500.000.000 đồng.
“Đây là khoản cho ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty vay từ ngày 11 tháng 9 năm 2012. Khoản vay này không có tài sản thế chấp và đáo hạn vào ngày 7 tháng 4 năm 2018”, VNG thuyết minh.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thì còn tròn một tháng nữa sẽ đến ngày ông Minh phải tất toán khoản vay với VNG.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, hai bên sẽ gia hạn thời gian trả nợ. Trong quá khứ, điều này đã diễn ra nhiều lần.
Như tại báo cáo tài chính hợp nhất cả năm sau soát xét năm 2016 (phát hành ngày 31/3/2017), ngày đáo hạn của khoản vay được ghi nhận là vào ngày 8/4/2017. Nhưng đến báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét năm 2017 (phát hành ngày 14/8/2017), ngày đáo hạn của khoản vay lại được dời lên thành 08/10/2017. Và vừa rồi như đã đề cập, đến báo cáo hợp nhất quý IV/2017 (phát hành ngày 30/1/2018), VNG lại ghi nhận ngày đáo hạn là ngày 7 tháng 4 năm 2018.
Nhấn mạnh lại rằng, khoản tiền 250 tỷ đồng mà VNG cho ông Minh vay từ năm 2012 đến nay là khoản vay không có tài sản thế chấp. Nhưng nó có tính lãi - theo như thông tin tại báo cáo tài chính bán niên 2017 của VNG, thì lãi suất là 3,58%/năm. Cũng theo báo cáo này, tính đến ngày 30/6/2017, VNG đang ghi nhận một khoản phải thu ngắn hạn khác – là lãi vay của ông Lê Hồng Minh – với giá trị 22,3 tỷ đồng.
Vì VNG không thuyết minh chi tiết, nên chưa rõ ông Minh đã vay công ty số tiền 250 tỷ đồng cho mục đích gì và tại sao lại với thời hạn lâu (và lại liên tục được gia hạn) như vậy. Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình ở VNG, ông Minh có thể chỉ vay tiền đơn thuần phục vụ cho mục đích cá nhân; Nhưng cũng không loại trừ khả năng, khoản vay vốn này có bản chất là một thương vụ ủy thác đầu tư – cụ thể, VNG ủy thác cho ông Minh một số tiền để ông Minh đầu tư vào một dự án dưới danh nghĩa cá nhân. Tất nhiên, đó chỉ là một khả năng và có thể không chính xác.
Trở lại với ông Lê Hồng Minh, vai trò của doanh nhân này tại VNG không chỉ giới hạn trong chức danh mà ông nắm giữ tại công ty - là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Nhiều doanh nhân và tại nhiều doanh nghiệp khác, cũng có người kiêm giữ các chức vụ như vậy. Nhưng có lẽ không nhiều người có tầm ảnh hưởng bao trùm, đến mức “linh hồn” của tổ chức như ông Minh tại VNG. Nói một cách đơn giản, ông Minh là người đã lập nên VNG và dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành một đế chế như hiện nay.
Bản thân tờ trình phê duyệt Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNG tại ĐHĐCĐ thường niên cách đây ít tháng cũng khẳng định: “Với vai trò là người sáng lập chính của Công Ty, ông Minh giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của Công ty và khó có người thay thế được vị trí của ông".
“Ông đã chứng minh năng lực lãnh đạo từ ngày đầu thành lập đến khi công ty trở nên lớn mạnh với doanh thu vượt 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Ông dẫn dắt VND đa dạng hóa ngành nghề, trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực Internet, tạo ra những giá trị đáng kể cho cổ đông và khẳng định vị thế của công ty với chiến lược phát triển lâu dài”, văn bản nhấn mạnh. Khá thú vị khi văn bản này được ký bởi chính ông Lê Hồng Minh, trên cương vị Chủ tịch HĐQT.
Theo đánh giá của Hiệp hội Internet Việt Nam, VNG chính là doanh nghiệp internet hàng đầu của đất nước, cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí và công cụ làm việc của hàng chục triệu người dùng, cả trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, VNG hiện không chỉ là một doanh nghiệp thuần Việt. Một phần không nhỏ cổ phần của VNG hiện đang được nắm giữ bởi Tencent Holdings Limited – tập đoàn công nghệ khổng lồ có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Yếu nhân” của Tencent – ông Martin Lau Chi Ping – hiện là một trong 5 cái tên trong Hội đồng quản trị của VNG. Trong khi, Johnny Shen Hao – một cái tên gốc Tencent khác - hiện cũng đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực VNG.
VNG có thể sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam IPO tại thị trường chứng khoán Mỹ. Tháng 5/2017 vừa rồi, doanh nghiệp này đã ký và trao Bản ghi nhớ với sàn chứng khoán NASDAQ về việc VNG sẽ niêm yết cổ phiếu.
Theo BCTC riêng Công ty mẹ Quý IV/2017, tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của VNG là 3.360 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 2.574 tỷ đồng; Còn nợ phải trả chỉ chưa đầy 786 tỷ đồng.
Lưu ý là VNG chỉ đăng ký vốn điều lệ ở mức khá hạn chế so với thực lực của họ, đó là 337,22 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, quy mô vốn điều lệ này đã tăng hơn 6,3 tỷ đồng – do trong năm VNG đã phát hành 631.826 cổ phần ESOP.
Quý IV/2017, VNG bất ngờ báo lỗ 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2017, công ty vẫn đạt 632 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tăng trưởng 68,5% so với năm 2016./.