Đáng chú ý hơn nữa, trong khi hầu hết các nội dung sửa đổi, bổ sung khác được BIDV đưa ra lấy ý kiến cổ đông lần này vốn xuất phát từ yêu cầu bắt buộc theo các quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật mới đi vào hiệu lực - như Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2017; Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty đại chúng; Thông tư 95 – thì nhiều chi tiết trong số 4 nội dung liên quan đến chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát lại được trình sửa đổi với căn cứ “phù hợp thực tế”.
Chưa rõ sự “phù hợp thực tế” mà HĐQT BIDV nêu ra để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cụ thể là như thế nào. Nhưng nên biết cách sửa đổi mà BIDV đang trình cho các nội dung này, đó là “BỎ”.
Cụ thể, theo Điều lệ 2017 (hiện hành), tại Điều 55 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm soát), BIDV quy định Ban kiểm soát ngân hàng này có nhiệm vụ và quyền hạn (là hai trong các nhiệm vụ quyền hạn): Thẩm định báo cáo đánh giá công tác quản lý của HĐQT và trình lên Đại hội đồng cổ đông tại các cuộc họp thường niên (Khoản 7); Giám sát quá trình thuê kiểm toán độc lập; giám sát quá trình thực hiện công việc của kiểm toán độc lập; đánh giá hiệu quả công việc của kiểm toán độc lập; xem xét báo cáo tài chính định kỳ của BIDV do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện (Khoản 10).
Tuy nhiên, theo Điều lệ sửa đổi (dự kiến), BIDV đang trình ĐHĐCĐ bỏ đi hai nhiệm vụ nêu trên của Ban kiểm soát, với lý do “phù hợp thực tế”.
Tại Điều 57 (Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Kiểm soát), BIDV hiện quy định các Thành viên Ban Kiểm soát ngân hàng này phải: “Chịu trách nhiệm trước Pháp luật, trước Cổ đông về việc xác định tính chính xác, trung thực của các số liệu, hồ sơ liên quan hoạt động ngân hàng. Trường hợp che dấu hoặc không kịp thời kiến nghị xử lý đối với những sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới khi thực hiện nhiệm vụ; và (Khoản 10).”
Cũng với lý do “phù hợp thực tế”, BIDV trình cổ đông bỏ đi nội dung trên.
Nhưng cần thiết phải lưu ý rằng, các cổ đông BIDV rất nên cân nhắc thấu đáo trước khi biểu quyết về vấn đề “chịu trách nhiệm trước Pháp luật, trước Cổ đông” này.
Tại Điều 61 (Đương nhiên mất tư cách, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban Kiểm soát), BIDV hiện đang quy định tại Khoản 5: Trong trường hợp khuyết thành viên Ban Kiểm soát mà những thành viên Ban Kiểm soát còn lại không có chuyên môn về tài chính kế toán. Trưởng Ban Kiểm soát đề nghị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung.
Tại ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới đây, BIDV cũng trình xin đại hội bỏ đi điều khoản nêu trên. Nhưng lý do không phải là “phù hợp thực tế” - như một số chi tiết trình “bỏ” khác, mà là bởi: “Do Điều 60 Điều lệ đã quy định tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Ban Kiểm soát là kiểm soát viên hoặc kế toán viên nên sẽ không xảy ra trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 61”.
Chưa rõ các cổ đông BIDV sẽ biểu quyết ra sao đối với Tờ trình về việc thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ngân hàng trong phiên đại hội ít ngày tới. Nhưng xét về cơ cấu sở hữu, với hơn 95% vốn cổ phần vẫn được nắm giữ bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì có thể hiểu, chỉ cần nhận được cái gật đầu từ cơ quan này, tất cả các quyết sách ở nhà băng lớn nhất nhì cả nước đều sẽ được thông qua.
Hiện, cơ cấu Ban Kiểm soát BIDV gồm 3 cái tên: Võ Bích Hà (Trưởng ban); Cao Cự Trí (Thành viên); Nguyễn Thị Tâm (Thành viên). Đây đều là những nhân sự kỳ cựu và có thâm niên tham gia Ban Kiểm soát BIDV trong nhiều năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, bà Hà, ông Trí và bà Tâm tiếp tục được các cổ đông BIDV tín nhiệm bầu vào Ban Kiểm soát ngân hàng nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Liên quan đến BIDV, nhấn mạnh rằng, từ sau khi ông ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng để nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 09/2016, thì đến nay, BIDV vẫn chưa có Chủ tịch HĐQT mới.
Ông Trần Anh Tuấn – người tạm thay ông Hà đứng đầu HĐQT BIDV với chức danh Ủy viên phụ trách HĐQT– sinh năm 1958. Có nghĩa, đến đại hội này, ông Tuấn đã đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng chưa rõ, NHNN đã nhắm ai thay thế chức danh đang bỏ trống hai năm rưỡi ở BIDV hay chưa; Cũng như việc bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT BIDV có diễn ra tại phiên ĐHĐCĐ lần này (?!)./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu