Ngày 27/4, ông Alexei Arestovich, cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, nếu Moldova yêu cầu, quân đội Ukraine sẵn sàng chiếm khu vực Transnistria. Ông nói: "Do tình hình ở Transnistria ngày càng xấu đi, Moldova nên nhờ Ukraine và Romania giúp đỡ. Nếu Moldova yêu cầu Ukraine, thì chúng tôi có thể kiểm soát Transnistria. Các lực lượng vũ trang Ukraine có đủ sức mạnh và đủ tự tin để làm điều đó."
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là biểu hiện cuộc chiến đang lan sang Moldova, các vụ nổ liên tiếp xảy ra ở vùng Transdenestan của Moldova (tả ngạn sông Dniester). Đầu tiên là tòa nhà của "Bộ An ninh Quốc gia” sau đó là "Bộ Quốc phòng" của “Cộng hòa Transnistria" (một nước cộng hòa ly khai thân Nga tự xưng tách ra từ Moldova) và hiện đã lan rộng đến các ngôi làng có thường dân sinh sống.
Tối 25/4 theo giờ địa phương, một vụ nổ đã xảy ra tại tòa nhà "Bộ An ninh Nhà nước" ở Tiraspol trên tả ngạn sông Transnistrian. Vào ngày 26/4, Transnistria lại bị tấn công, và trung tâm phát thanh truyền hình ở làng Mayak trong khu vực bị đánh bom. Ngày 27/4, “Bộ Nội vụ Cộng hòa Transnistria” thông báo đã có một cuộc tấn công nhằm vào kho đạn Korbasna. Trong một tháng qua, các trường học và bệnh viện ở khu vực Transdenestan đã nhiều lần nâng mức cảnh báo an ninh.
Anten phát sóng đài phát thanh Nga ở Moldova bị phá hủy. |
Điều may mắn là, không có thương vong về người trong mấy vụ nổ, nhưng hai tháp antena tiếp sóng đài phát thanh của Nga đã bị phá hủy và không thể nghe các chương trình phát sóng của Nga tại đây được nữa. Hiện "Cộng hòa Transnistria" đã ban bố báo động khủng bố cấp độ "đỏ" và hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 quy mô lớn đã lên kế hoạch từ trước.
Đối với vụ việc này đã có nhiều ý kiến khác nhau. Các nhà chức trách của "Cộng hòa Transnistria" cho rằng những điều tồi tệ này do Ukraine gây ra nhằm chuyển hướng sự chú ý của quân đội Nga và đưa xung đột lan sang khu vực “Cộng hòa Transnistria”.
Chính phủ Moldova thì thận trọng hơn khi cho rằng có nhiều thế lực phá hoại ở khu vực “Cộng hòa Transnistria”, có ý định kích động tranh chấp và lôi kéo Moldova vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Rudenko cho biết, Moscow hy vọng rằng vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý và Nga không muốn khu vực “Cộng hòa Transnistria” bị cuốn vào chiến tranh.
Ông Alexei Arestovich Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, nếu Moldova yêu cầu, quân đội Ukraine sẵn sàng chiếm khu vực Transnistria. |
Theo giới phân tích, đối với tình hình hiện tại ở Moldova, còn quá sớm để đưa ra kết luận, đằng sau nó có ba khả năng: khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoặc hành vi côn đồ.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Putin, ông Peskov cũng cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình, do tình hình chưa rõ ràng nên Tổng thống Putin không có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo Moldova.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Mỹ đang phân tích nguyên nhân cụ thể của các vụ nổ và chúng tôi không muốn xung đột lan sang các nước khác”. Có vẻ ngụ ý của ông là “chỉ một Zelensky làm con nợ là đủ rồi, thêm một người nữa thì Mỹ không thể cáng đáng nổi”.
Moldova là một quốc gia nhỏ ở Đông Âu tiếp giáp với Tây Nam Ukraine. Về mặt lịch sử, nơi đây từng bị các Đế chế Ottoman, Nga và Romania lần lượt cai trị. Vào trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, Romania buộc phải nhượng Bessarabia và các nơi khác bao gồm phần lớn lãnh thổ của Moldova ngày nay cho Liên Xô theo thỏa thuận bổ sung của Hiệp ước Không xâm phạm Xô-Đức. Từ đó, Moldova đã trở thành một quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết.
Bản đồ Moldova. Màu đỏ là khu vực thuộc "Cộng hòa Transnistria" nằm giữa Moldova và Ukraine. |
Nhóm dân tộc chính ở khu vực Transnistria ban đầu là người Moldova, trong thời kỳ Liên Xô, một số lượng lớn người Moldova đã bị đưa đi Siberia để đào khoai tây và tới thay thế họ là người Nga và Ukraine đến sinh sống.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên Xô, Transnistria đã trở thành khu vực phát triển tốt nhất ở Moldova, đóng góp tới 90% điện năng và 40% GDP của cả nước. Phân phối thu nhập không đồng đều, thành phần dân tộc khác nhau và các yếu tố khác khi đó đã tạo nên mầm mống cho sự chia rẽ của Moldova trong tương lai.
Vào tháng 6 năm 1990, Moldova đòi độc lập khỏi Liên Xô, nhưng bị Transnistria phản đối mạnh mẽ. Tháng 9 cùng năm, Transnistria đơn phương tuyên bố thành lập nước “Cộng hòa Transnistria”, thậm chí còn coi Nga là “anh cả” để che chở cho họ.
Nhưng “anh cả” Nga không phải vô ích, khi hai bên chính thức giao chiến vào năm 1992, quân đội Nga đã giúp “Cộng hòa Transnistria” chiến thắng Moldova. Cho đến nay, hiện vẫn còn 1.300 quân Nga đang đóng tại khu vực Transnistria.
Không giống như Ukraine, để tự bảo vệ mình trong cuộc chơi giữa các cường quốc, Moldova đã ghi rõ lập trường trung lập vào hiến pháp của mình, và nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ không gia nhập NATO. Nhưng dù vậy, phe thân châu Âu và phe thân Nga vẫn đang đấu nhau kịch liệt.
Tổng thống Nga Putin và cựu Tổng thống Moldova Dodon. |
Trước mỗi kỳ bầu cử, Moldova đều trở thành “điểm ngọt ngào” mà Nga và phương Tây tranh giành. Mỹ và Liên minh châu Âu đã nói rõ rằng họ ủng hộ các đảng thân phương Tây, trong khi Nga muốn Đảng Xã hội thân Nga và Đảng Cộng sản lên nắm quyền.
Hệ quả của nhiều đảng phái mọc lên là hầu như không đảng chính trị nào có thể giành được đa số phiếu tuyệt đối và có quyền thành lập nội các riêng biệt, và phần lớn các cuộc bầu cử đều dẫn tới một liên minh cầm quyền. Hơn nữa, các phe thân Nga và thân châu Âu có sức mạnh tương đối ngang nhau và thường phải dựa vào các thế lực lượng bên ngoài để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Tổng thống khóa trước của Moldova là ông Igor Dodon, lãnh đạo Đảng Xã hội. Để ủng hộ ông Dodon lên nắm quyền, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp Moldova ở Nga để họ có thể bỏ phiếu ở nước ngoài. Ngoài ra, Nga cũng đã bãi bỏ thuế quan đối với 5 loại hàng hóa của Moldova, và nhiều chính sách ưu đãi hơn sẽ được xác định theo kết quả của cuộc tổng tuyển cử.
Ông Dodon thừa cơ thép nóng rèn dao, hứa rằng nếu thắng cử, ông sẽ chống lại áp lực của phương Tây và thực hiện các chính sách thân Nga hơn.
Nền kinh tế Moldova phụ thuộc nhiều vào Nga. Gần 360.000 người làm việc tại Nga, hàng năm mang lại thu nhập ngoại hối hơn 1 tỷ USD cho đất nước. Cần biết rằng GDP hàng năm của Moldova chỉ hơn 10 tỷ USD, và lượng kiều hối chiếm gần 1/10 GDP. Ngoài ra, 80% nông sản của Moldova được xuất khẩu sang Nga. Để có cuộc sống tốt hơn, người dân cuối cùng đã chọn Dodong.
Dưới thời chính quyền của Dodon, quan hệ Moldova với Nga và khu vực Transnistria đã được cải thiện. Vào thời điểm đó, các cuộc thăm dò cho thấy 65% người Moldova tin rằng Nga là một quốc gia thân thiện và từ chối gia nhập Liên minh châu Âu cùng NATO.
Năm 2020, cựu Thủ tướng Moldova, bà Maia Sandu, một người thân phương Tây, đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Moldova. Bà chủ trương hội nhập hoàn toàn vào phương Tây và yêu cầu rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ Moldova. Quan hệ giữa Transnistria và Moldova lại bắt đầu xuống cấp.
Bà Maia Sandu, Tổng thống Moldova. |
Điều đáng chú ý là Transnistria giáp với Odessa, Ukraine. Theo ông Zelensky, Nga đang gây bất ổn cho khu vực Odessa thông qua các hoạt động quân sự ở Transnistria. Trợ lý của ông là Podoljak cũng cảnh báo chính phủ Moldova rằng nếu Ukraine thất thủ, mục tiêu tiếp theo của quân đội Nga sẽ là Moldova.
Tính toán của ông Zelensky rất rõ, chỉ cần Moldova bị thất bại, Romania bên cạnh sẽ không thờ ơ. Romania cũng là một thành viên của NATO, theo Điều V của NATO, nếu bất kỳ quốc gia thành viên nào bị tấn công, các quốc gia khác có nghĩa vụ cử quân đội đến hỗ trợ. Bằng cách này, khả năng chiến thắng của Ukraine được tăng lên rất nhiều.
Bà Maia Sandu thân phương Tây đã vượt qua Nga và Ukraine, nhắm mục tiêu vào lực lượng ly khai Transnistria. Sau đó, Sandu nói rõ rằng Moldova sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập và không tham gia vào các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng.
Ngoại trưởng Moldova đã nói rõ nguyên nhân. Trong tất cả các nước láng giềng của Ukraine, Moldova là nước yếu nhất, tham gia vào cuộc xung đột sẽ không có lợi cho Moldova chút nào ngoại trừ việc xúc phạm các cường quốc láng giềng, trung lập là lựa chọn tốt nhất để tự bảo vệ mình.
Rõ ràng, có vẻ không bên nào muốn leo thang xung đột, ngoại trừ Ukraine. Những lời của ông Zelensky cũng nhắc nhở Mỹ và Nga rằng để đối đầu với Nga, Ukraine có khả năng kéo một nước thứ ba xuống nước. Lần này là Moldova, nhưng lần sau thì không rõ đó là ai. Có lẽ đó là Ba Lan, quốc gia chống Nga tích cực nhất lúc này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu