Tại cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27/4, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine do cuộc xung đột với Nga đã lên tới gần 90 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Kubrakov, thiệt hại chủ yếu xảy ra đối với hệ thống đường sắt, đường bộ và cầu của Ukraine.
Ông Kubrakov cũng thông báo về tốc độ cải tạo đường và xây dựng lại các cây cầu ở các vùng lãnh thổ đã được giải phóng, đồng thời cho biết mục tiêu của Ukraine là xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong một hoặc hai năm.
Trước đó, Bộ trưởng Kubrakov cho biết, chiến sự giữa Ukraine và Nga đã khiến khoảng 20-30% cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại với các mức độ khác nhau.
Theo Bộ trưởng Kubrakov, hơn 300 cây cầu trên đường quốc lộ của Ukraine đã bị phá hủy hoặc hư hại, hơn 8.000 km đường sá cần phải sửa chữa hoặc xây dựng lại, hàng chục cầu đường sắt bị nổ tung.
Bộ trưởng Kubrakov cho biết, Ukraine đã bắt đầu công tác tái thiết ở một số khu vực nằm trong sự kiểm soát của quân đội. Ông hy vọng quá trình tái thiết có sự hỗ trợ của phương Tây.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass hôm 21/4 cho biết thiệt hại đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng của Ukraine do xung đột với Nga đã lên tới gần 60 tỷ USD. Ông Malpass nói rằng con số ước tính trên mới chỉ là chi phí "hẹp", chưa bao gồm thiệt hại kinh tế ngày càng tăng của Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ước tính GDP của Ukraine có thể giảm từ 30-50%, với tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới 560 tỷ USD cho đến nay. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, con số đó gấp hơn 3 lần quy mô nền kinh tế Ukraine, ở mức 155,5 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Ngân hàng Thế giới, mức độ suy giảm thực tế của nền kinh tế Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc chiến sự kéo dài bao lâu và khốc liệt đến mức nào. Các chuyên gia của WB nhận định, tương lai nền kinh tế Ukraine vẫn rất ảm đạm do cục diện chiến sự chưa rõ ràng trong khi đàm phán hòa bình chưa có nhiều tiến triển.
Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine cần 7 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga và cần "hàng trăm tỷ USD để xây dựng lại tất cả sau này".
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc lập một quỹ tái thiết quốc tế, trong khi một số chính trị gia EU kêu gọi sử dụng tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, trong đó có 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga, để dùng cho mục đích này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev đầu tháng 4 cảnh báo, các doanh nghiệp, tổ chức của Nga bị trừng phạt sẽ đệ đơn kiện lên tòa án khắp thế giới để ngăn những nỗ lực chiếm đoạt tài sản của Nga ở nước ngoài.
Theo Dantri.com.vn