Điều mong mỏi cơ bản nhất là Việt Nam cần tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện về thể chế và cấu trúc chính quyền từ trung ương đến địa phương – không những chỉ là chính sách đối với trí thức, kiều bào, mà là thể chế công quyền tổng quan trên tất cả các bình diện. Bởi vì với thể chế và chính sách như hiện nay thì cơ hội cho trí thức hải ngoại trở về tham gia đóng góp vào cơ đồ của đất nước rất là giới hạn. Ví dụ như tiêu chuẩn ưu tiên lý lịch và nhân thân, phải là đảng viên chẳng hạn, cho các vị trí từ công quyền, lãnh đạo giáo dục hay hành chính, chức năng luật pháp, xã hội… đã bó buộc, ngăn cản, hạn chế vai trò của trí thức kiều bào rất nhiều.
Mong đừng nhìn chúng tôi chỉ qua vai trò kinh tế, hay chỉ như những bình hoa trang điểm với những khẩu hiệu thiếu thực chất. Chính sách phân biệt đối xử, ví dụ về quyền mua nhà ở, vẫn là một thực tế. Nói thẳng ra thì Nhà nước vẫn còn rất e dè với trí thức hải ngoại, cho nên vẫn chưa thực sự mở cửa rộng rãi cho chúng tôi.
Chiều 26/01/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ 100 kiều bào tiêu biểu, đại diện cho 4,5 triệu kiều bào Việt Nam tại nước ngoài về Việt Nam dự chương trình chương trình Xuân Quê hương 2019.
|
Thêm một trở ngại chính là thực tế kinh tế. Những trí thức, chuyên gia đang có công việc vững chắc, nắm giữ chức năng lãnh đạo các lãnh vực ở hải ngoại, khi về nước vẫn không có một không gian, một cơ hội thuần về chuyên môn với mức lương khả dĩ sống được. Một giáo sư, hay kỹ sư điện toán ở Hoa Kỳ, ví dụ, với mức lương mười ngàn đô la một tháng, khi về nước tham gia giảng dạy, hay hành nghề, thì chỉ được trả lương khoảng 10 đến 15 phần trăm, nếu họ may mắn có việc. Thử hỏi một tiến sĩ chuyên về điện toán từ Mỹ về nước sẽ làm việc ở đâu?
Chúng tôi trong ngành giáo dục chẳng hạn, không muốn về nước đi dạy đại học với mức lương chưa tới 500 đô la mỗi tháng để rồi phải “chạy shows” dạy thêm nhiều nơi, làm nhiều dịch vụ khác mới chỉ đủ để mưu sinh. Làm sao chúng tôi có cơ sở, thời gian, môi trường để nghiên cứu, phát huy lãnh vực chuyên ngành? Đó là chưa nói đến những giới hạn khắt khe về học thuật, tư tưởng, xuất bản, cơ hội bày tỏ chính kiến, hay phản biện chính sách.
Một số trí thức hải ngoại về nước với tư cách nhà đầu tư, kinh doanh, thương mại thì có nhiều cơ hội hơn. Có một thiểu số thành công lớn và trở nên giàu có, vì chế độ thuế má thấp và lỏng lẻo tạo ra những khoảng trống kinh doanh theo kiểu thế giới thứ Ba. Giới này chấp nhận cuộc chơi ở một số khu vực kinh tế có màu sắc tư bản thân hữu. Nhưng với tầng lớp trí thức chuyên môn cao thì họ sẽ không thể nào tham dự vào kiểu cách làm ăn như vậy được. Mức độ rủi ro khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện cũng khá cao. Hệ thống luật pháp chưa trưởng thành, thiếu kỷ cương, thiếu minh bạch, thiếu vô tư, kèm theo một bộ phận doanh nhân mới làm ăn chụp giựt, thiếu chữ tín, đã làm cho doanh nhân hải ngoại rất sợ về nước tham gia kinh tế. Đó là chưa kể đến các trở ngại về khí hậu khắc nghiệt, giao thông hỗn độn, thiếu an toàn, ô nhiễm thực phẩm, sinh môi, v.v.
So với hai ba mươi năm trước khi tôi mới về nước, bây giờ mọi chuyện đã thoáng, mở ra nhiều lắm. Nhưng không gian tự do chuyên môn và học thuật vẫn chưa mở đủ rộng cho chúng tôi. Hàng năm nhà nước vẫn có những buổi gặp mặt kiều bào, vẫn nghe lặp lại rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia,” rằng người Việt hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm”… Tuy nhiên cần phải nhìn thẳng vào thực tế và có những hành động thực chất.
Chúng tôi mong muốn Nhà nước hãy thực tâm nhìn vào vấn đề này để mở rộng không gian cơ hội cho trí thức hải ngoại về quê hương đóng góp và tham gia việc nước. An ninh quốc gia chống ngoại thù sẽ được nâng cao, tiền đồ thịnh vượng và văn minh dân tộc sẽ tránh bị thoái hóa, khi đất nước tạo được cơ hội cho giới nhân tài, nhất là trí thức kiều bào, tham gia toàn diện vào cơ đồ xây dựng đất nước. Đây là lúc nên có một cuộc đối thoại cởi mở, thành tâm, sâu rộng về vấn đề này.