Cứ mỗi lần, trước các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng thì những thông tin thất thiệt, thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt về cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao lại xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên internet. Sống trong môi trường mạng thông tin như vậy, làm thế nào để người dân phân biệt được đâu là thực, đâu là giả? Đó là câu hỏi mà VietTimes đã đặt ra với ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội TTS VN.
- Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi tin tức, sự kiện ở khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới đều được phản ánh một cách tức thì. Trong thế giới thông tin hỗn độn ấy, những thông tin về cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nắm các cương vị cao của Đảng và Nhà nước luôn được người đọc quan tâm. Các thông tin thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt có sức lan truyền nhanh đến chóng mặt. Vậy, làm thế nào để có thể điều chỉnh được dư luận xã hội, thưa ông?
Theo tôi thì chúng ta cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần hoàn chỉnh luật pháp để bảo vệ cái đúng và ngăn ngừa cái xấu; bảo vệ người tốt và răn đe người xấu. Ngăn được cái xấu thì chính là khuyến khích cái tốt. Ngăn được người xấu thì chính là ủng hộ người tốt. Ai nói đúng thì khuyến khích, ai nói không đúng, thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt thì bằng các chế tài khác nhau mà xử lý.
Hai là, ta phải học hỏi thế giới để quản lý. Xem các nước quản lý xã hội mạng như thế nào để mình học. Muốn học hỏi thì phải hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các nước ở khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; các nước tiên tiến khác như Mỹ, Pháp, Đức… xem người ta quản lý không gian mạng như thế nào để ta rút ra những kinh nghiệm quản lý phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Ba là, nâng cao dân trí để tự phòng vệ chính đáng. Khi dân trí cao thì đọc cái gì đúng, cái gì sai người đọc đều nhận biết được. Thứ tư, đấu tranh phản bác. Nghĩa là, khi có những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về cán bộ lãnh đạo, thì chúng ta phải thông tin lại cho chuẩn xác để người đọc nhìn nhận, xuy xét và tự bản thân họ biết sàng lọc đâu là sự thật, đâu là xuyên tạc, bịa đặt.
Tôi xin lấy một ví dụ khi tôi còn làm ở Thành phố Vinh (Nghệ An). Trước Đại hội, người ta tung tin rằng ông B.D có tư tưởng đa nguyên. Ngay đêm hôm đó Thường vụ thành ủy họp xem xét rất kỹ và ra một văn bản có một bản nhận xét về ưu, khuyết điểm của đồng chí đó. Sáng hôm khai mạc Đại hội văn bản được chuyển đến cho từng đại biểu tham dự Đại hội. Kết quả là đồng chí B.D vẫn trúng cử. Như vậy phải biết bảo vệ cái đúng, sai thì phải tiếp thu. Mà ai bảo vệ thì những người quản lý cán bộ phải đứng ra chứ bản thân cán bộ đó không thể đứng ra thanh minh cho mình được.
Thứ năm, tiến tới công tác cán bộ phải được công khai dân chủ, mọi ý kiến phải được minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản thân cán bộ bị xuyên tạc, bịa đặt cũng có quyền nói lại. Ví dụ, người ta nghi ngờ anh, người ta chất vấn anh về vấn đề nào đó thì anh phải công khai trình bày lại để người chất vấn, người dân hiểu. Tóm lại, cách bảo vệ uy tín tốt nhất cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải đầy đủ, kịp thời minh bạch thông tin.
- Gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tuyên giáo đang yêu cầu báo chí phản bác lại các thông tin độc hại, xuyên tạc các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là một số đồng chí lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, nhìn trên thực tế thì thấy dường như chúng ta chưa có một cơ chế hữu hiệu nào để bảo vệ uy tín của cán bộ lãnh đạo?
Như chúng ta đã nói, trước các sự kiện lớn, đặc biệt là trước các kỳ Đại hội Đảng thì những thông tin nhận xét về người này, người kia, thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt vẫn sẽ xuất hiện, một khi công tác bổ nhiệm cán bộ của chúng ta vẫn theo kiểu “chọn cử”, chứ không phải “tranh cử”. Mà chọn cử thì anh thích ai sẽ nói tốt về người đó và ngược lại không thích ai sẽ bôi nhọ người đó.
Điều đó tạo ra một môi trường không minh bạch. Nếu như mình có cơ chế từ Đảng cử sang Đảng lãnh đạo tranh cử, cung cấp đủ thông tin cho cán bộ Đảng viên để dân bầu cử thì lúc đó mọi vấn đề về cán bộ được lựa chọn minh bạch hơn. Cũng phải nói thêm rằng trong cơ chế thị trường tình cảm khác nhau sẽ nói khác nhau, lợi ích khác nhau nói khác nhau. Nhận thức khác nhau sẽ nói khác nhau. Đó là chuyện rất bình thường, vấn đề là Đảng phải phân loại đúng để có các giải pháp xử lý phù hợp.
- Thưa ông, gần đây những thông tin trên mạng đưa ra ông này có bao nhiêu tiền, tài sản, biệt thự, con ông kia ăn chơi trác táng ra sao kèm theo những tài liệu để chứng minh. Tại sao các cơ quan nội chính, bảo vệ chính trị nội bộ không coi đây là “một nguồn tin tố cáo” để xét, nếu xét thấy có những chứng cứ được đưa ra là thật thì xử lý cán bộ; nếu là bịa đặt, xuyên tạc thì cũng cần công bố những thông tin phản bác để bảo vệ uy tín cho những tổ chức, cá nhân bị xuyên tạc, bôi nhọ?
Nếu cứ có một thông tin thất thiệt nào đó mà chúng ta lại phải ngồi lại để xem xét thì không thể nào làm hết được. Tuy nhiên thả nổi thông tin như hiện nay thì cũng cần phải được xem xét lại. Nếu dư luận đưa ra sai hoặc đúng hoàn hoàn toàn thì dễ xử lý. Nhưng những thông tin đưa ra dường như là có đúng, có sai thì việc xử lý là không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo tôi cái gì đúng thì tiếp thu và ghi nhận, cái gì sai thì nói lại một cách minh bạch như thế thì mới thuyết phục được.
Trên thế giới nếu dư luận phản ánh về một nhân sự của đảng phái nào thì trước tiên đảng đó phải trả lời trước dư luận. Ở ta hiện nay chưa có cơ chế để bảo vệ uy tín của cán bộ khi có những thông tin sai lệch, thậm chí là bịa đặt. Tổ chức quản lý cán bộ đó cũng không đứng ra để cung cấp thông tin, phản bác lại những dư luận sai lệch. Cá nhân bị bôi nhọ cũng không thể đứng ra tự bảo vệ mình. Vì vậy những thông tin xấu “rơi” vào ai, người đó chịu. Như vậy là không minh bạch, kịp thời làm cho lòng người rất phân tâm.
Xin cảm ơn ông!
L.T.B (thực hiện)