Máy bay quân sự Trung Quốc ồ ạt lao về phía Nhật

Tokyo đã phải ra lệnh cho các máy bay của mình cất cánh khẩn cấp khi có đến 11 máy bay quân sự Trung Quốc ồ ạt lao đến gần khu vực quần đảo phía nam Nhật Bản. Bắc Kinh tuyên bố, hành động gây giật mình của họ là một bài diễn tập nhằm nâng cao năng lực chiến đấu tầm xa.
Nhật Bản đang củng cố năng lực phòng vệ để đối phó với Trung Quốc
Nhật Bản đang củng cố năng lực phòng vệ để đối phó với Trung Quốc

"11 chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc gồm 8 máy bay ném bom, hai máy bay thu thập thông tin tình báo và một máy bay cảnh báo sớm, đã bay lượn gầm rú ở gần hai đảo Miyako và Okinawa trong ngày hôm qua (27/11) mà không vi phạm không phận của Nhật Bản", Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố được phát đi cùng ngày.

Một vài chiếc máy bay đã bay giữa hai đảo Miyako và Okinawa trong khi những chiếc máy bay khác bay sát gần các hòn đảo kế bên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm.

Một phát ngôn viên của Không lực Trung Quốc cho hay, nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay  ném bom H-6K, đã tham gia vào một cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương, hãng tin Tân Hoa xã đưa tin.

Theo lời Shen Jinke, những cuộc tập trận ngoài khơi xa như vậy đã giúp nâng cao năng lực chiến đấu tầm xa của Không quân Trung Quốc.

Trong khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa đưa ra thêm lời bình luận nào thì tờ Yomiuri Shimbun cho biết, việc Trung Quốc phái một phi đội hùng hậu như thế đến áp sát không phận Nhật Bản là một điều “bất thường” và rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phân tích mục đích, động cơ đằng sau hành động của Trung Quốc.

Nhật Bản đã phải ra lệnh cho máy bay của mình cất cánh khẩn cấp hàng trăm lần một năm để bảo vệ không phận của mình trước các máy bay Nga và gần đây là máy bay Trung Quốc.

Bắc Kinh cảnh báo tình trạng trên đang làm leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á – hai nước vốn đã đối đầu nhau gay gắt vì cuộc tranh chấp lâu năm quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Diễn biến trên cũng diễn ra trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày sau khi Mỹ điều một tàu chiến đến sát một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012. Kể từ khi đó, Nhật Bản bắt đầu có nhiều động thái quân sự cho việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với Trung Quốc.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.

Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.

Theo Kiệt Linh - VnMedia