Trung Quốc dùng chiến lược “vùng xám” hòng đả bại Mỹ

Trung Quốc đang giành ưu thế trước Mỹ với chiến lược “vùng xám”, những lĩnh vực mà một quốc gia đạt được lợi thế trước đối thủ chiến lược bằng cách sử dụng các thủ thuật dù rất hung hăng nhưng vẫn giữ dưới ngưỡng có thể gây ra sự trả đũa quân sự thông thường.
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa, xây dựng đường băng và các tổ hợp công trình quân sự kiên cố
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa, xây dựng đường băng và các tổ hợp công trình quân sự kiên cố

Tình trạng trên gợi nhớ lại chiến lược của Mỹ vào những năm 1950 dưới thời Eisenhower. Washington đã nỗ lực để ngăn chặn Liên Xô với học thuyết “trả đũa toàn diện”, nhằm cảnh báo với Liên Xô rằng Mỹ có thể đáp trả bất cân xứng trước một thách thức quân sự thông thường của kẻ thù bằng việc phát động tấn công hạt nhân chiến lược. Giả định của học thuyết này là nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể đe dọa Liên Xô không khơi mào một cuộc chiến, thậm chí ở mức thấp nhất trong các mức độ leo thang.

Tuy  nhiên, vấn đề của học thuyết này nằm ở độ tin cậy của mối đe dọa. Nếu một kẻ thù không tin rằng Washington sẵn sàng phát động một cuộc chiến hạt nhân để đáp trả một xung đột ngoại vi và tương đối nhỏ, việc quá phụ thuộc vào trả đũa toàn diện sẽ đưa đến hệ quả là khiến cho Mỹ bất lực trước chính sách “cắt lát salami”. Do đó, vào năm 1961, chính quyền Kennedy đã chuyển sang chiến lược “đáp trả linh hoạt”, hướng đến việc tạo dựng ưu thế vượt trội của Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau trong một cuộc xung đột tiềm tàng chưa đạt đến ngưỡng của chiến tranh hạt nhân.

Ngày nay Mỹ có lẽ cũng cần một sự điều chỉnh chính sách tương tự. Quân đội của Mỹ rõ ràng được trang bị tốt hơn bất kỳ một lực lượng quân đội nào khác trong các cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, năng lực này của Mỹ bị vô hiệu hóa khi Bắc Kinh luôn chứng tỏ sự khéo léo của mình trong việc tìm kiếm các cách thức triển khai kế hoạch chiến lược - và đe dọạ các lợi ích của Mỹ - nhưng hoàn toàn chưa hề vượt qua các ranh giới đỏ. Người Trung Quốc, với nền văn minh đã sáng tạo ra Binh pháp Tôn tử, là những người cổ súy nhiệt thành cho ý tưởng rằng một chiến lược khôn ngoan có thể mang lại chiến thắng trước một đối thủ có tiềm lực mạnh hơn.

Tranh chấp Biển Đông cung cấp nhiều ví dụ về ưu thế “vùng xám” của Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc thiết lập sự hiện diện thường trực trên Bãi cạn Scarborough, thực thể mà trước đó chưa có nước nào chiếm đóng. Thực thể tranh chấp này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, một đồng minh của Mỹ. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila do Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không phải gánh chịu hậu quả nào, ngoài sự phản đối về mặt ngoại giao.

Trung Quốc đã triển khai chiến thuật đánh trận hải quân không cần tiếp tế ở Biển Đông. Chiến thuật này được áp dụng vào năm 2014 khi một đội tàu lớn gồm các tàu hộ tống của Trung Quốc bảo vệ một giàn khoan được triển khai trong vùng tranh chấp bằng cách đâm va các tàu Việt Nam, đâm chìm một tàu cá và khiến một số tàu khác phải ngưng hoạt động để sửa chữa.

Để ngăn chặn sự giám sát chặt chẽ trên biển, Trung Quốc đã sử dụng tỷ lệ trao đổi cái giá phải trả là một vũ khí chống lại Mỹ. Các tàu cá cố tình qua lại để tạo ra nguy cơ va chạm, buộc tàu giám sát Impeccable công nghệ cao nhưng không được trang bị vũ khí phải tránh xa vào năm 2009. Chiến thuật tương tự của Trung Quốc cũng tỏ ra hiệu quả vào năm 2013, khi một tàu đổ bộ của Trung Quốc đã “đánh liều” với tàu tuần dương Cowpens của Mỹ trong vùng biển quốc tế và buộc tàu chiến Mỹ phải ngừng giám sát một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc với sự tham gia của một tàu sân bay mới triển khai. Tàu Trung Quốc chỉ đáng giá khoảng 200 triệu USD, trong khi trị giá của tàu Cowpens lên đến 1 tỷ USD.

Việc ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp là chiến thắng “vùng xám” mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự mạnh dạn của Trung Quốc trong việc xây dựng những công trình mà được dự đoán là sẽ trở thành các căn cứ quân sự nằm ngay tại trung tâm của đường biển quốc tế là một cú sốc lớn đối với khu vực, nhưng Washington vẫn không có phản ứng gì, ngoài đề xuất yếu ớt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng Trung Quốc phải dừng ngay việc cải tạo đảo.

Sự cạnh tranh vùng xám giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Các cuộc tấn công mạng do chính phủ Trung Quốc tài trợ cũng thuộc dạng này. Mặc dù một cuộc tấn công mạng cũng có khả năng gây ra thương vong và thiệt hại tương đương với một cuộc chiến tranh truyền thống, nhưng vấn đề này quá mới đến nỗi các chính quyền vẫn chưa thể đưa ra các phản ứng và dự đoán chuẩn mực. Trung Quốc đã lợi dụng một cách hiệu quả và đầy đủ sự bấp bênh, mập mờ này. Chính quyền Mỹ phân biệt giữa hai hình thức ăn cắp thông tin mạng chiến lược và kinh tế: ăn cắp thông tin mạng chiến lược là một trò chơi công bằng; nhưng ăn cắp thông tin mạng kinh tế là phạm pháp và sẽ bị trừng phạt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có vẻ như không quan tâm mấy đến sự khác biệt này. Đi theo quan điểm “toàn diện” về “an ninh quốc gia”, Trung Quốc coi bất cứ thứ gì từ thông tin kinh tế đến các tin tiết lộ về tài sản bất thường của các quan chức cấp cao là tấn công vào lợi ích quốc gia, và theo đó sẽ bị trừng phạt. Mặt trái của tư duy này là việc cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể giúp phát triển sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, bao gồm cả ăn cắp bản quyền và sở hữu trí tuệ từ người nước ngoài.

Đây là sự vi phạm nghiêm trọng một nguyên tắc mà hầu hết các chính phủ trên thế giới trong thế kỷ 21 đều tuân thủ, tuy nhiên phản ứng của Mỹ đã không hiệu quả và chỉ khiến cho Trung Quốc phàn nàn rằng Mỹ đã đưa ra “các cáo buộc vô căn cứ”.

Những lợi ích mà Trung Quốc đạt được thông qua các chiến thuật mang tính cơ hội trong vùng xám không thể so sánh với các lợi ích của việc chiến thắng một cuộc chiến bá quyền, nhưng đây lại là những lợi ích rất thực chất. Bắc Kinh “bỏ túi” những chiến thắng rõ ràng như các đảo mới nằm dưới quyền chiếm đóng của Trung Quốc và các dữ liệu kỹ thuật tiên tiến từ các ngành công nghiệp của đối thủ nước ngoài.

Đá Vành Khăn cũng đang được Bắc Kinh gấp rút xây dựng với đường băng thứ ba
Đá Vành Khăn cũng đang được Bắc Kinh gấp rút xây dựng với đường băng thứ ba

Trung Quốc cũng góp phần củng cố nhận thức rằng quyền lực của Trung Quốc đang lên, trong khi sức mạnh Mỹ thì đang suy giảm, ám chỉ rằng các nước còn lại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nếu khôn ngoan thì nên chiều lòng Trung Quốc và thôi dựa dẫm vào sự lãnh đạo và bảo vệ của Mỹ.

Trái với Mỹ, Tokyo phải đối mặt với vấn đề vùng xám với Trung Quốc một cách trực diện. Trung Quốc bắt đầu chiến dịch xâm lấn liên tục bằng cách điều các tàu của nước này vào vùng lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải của các đảo tranh chấp ở Senkaku/ Điếu Ngư vào tháng 7/2012 trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đe dọa Tokyo phải công nhận quyền đồng quản lý đảo của Trung Quốc.

Thay vì khoan nhượng trước hành vi chấp nhận rủi ro này của Trung Quốc, Tokyo tăng cường các tàu tuần tra xung quanh đảo và kêu gọi sự tái khẳng định một cách công khai từ đồng minh Mỹ về hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật có thể được áp dụng trong trường hợp quần đảo này bị tấn công.

Các nhà quan sát đã khuyến nghị các cách tiếp cận cả trực tiếp và gián tiếp cho Mỹ đối với chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc. Cách tiếp cận trực tiếp bao gồm các chuyến bay tuần tra Mỹ bên trên các đảo nhân tạo (chính xác là trên, chứ không phải gần các đảo này); trang bị vũ khí cho các nước yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông; tăng cường tuần tra hải quân giữa Mỹ và các nước đối tác ở các vùng lân cận; trừng phạt các cơ quan/tổ chức của Trung Quốc bị phát hiện có dính líu đến ăn cắp thông tin mạng; các cuộc tấn công mạng nhằm trả đũa Trung Quốc.

Các cách tiếp cận gián tiếp bao gồm gây áp lực mạnh hơn đối với các vấn đề mà lãnh đạo Trung Quốc coi là điểm yếu của mình, kết hợp với các giải thích không công khai với chính quyền Trung Quốc rằng việc gia tăng áp lực là sự đáp trả đối với sự hung hăng vùng xám của Trung Quốc và sẽ quay trở lại trạng thái bình thường nếu Bắc Kinh chịu hợp tác hơn.

Trong bất cứ trường hợp nào, điều cấp thiết nhất là sử dụng tài sản vật chất và tri thức của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc trong vùng xám. Mỹ có thể dùng đòn bẩy là năng lực vượt trội của Mỹ và sự đồng tình ủng hộ của khu vực đối với sự lãnh đạo của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà chiến lược Mỹ có thể chứng minh được sự khéo léo và khôn ngoan chiến lược cần thiết hay không.

* Tác giả Deny Roy là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đông Tây. Bài viết được đăng trên PacNet.

Theo Thùy Anh, Minh Thi (NCBĐ)