Ngày 12/12, HĐQT của Masan ra nghị quyết về việc công ty này sẽ phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD, mệnh giá là 1.000 USD/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm – 10 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có hoặc không có tài sản bảo đảm, được ưu tiên thanh toán.
Đặc biệt, trái phiếu của Masan sẽ được các tổ chức quản lý sổ đăng ký đầu tư, thay mặt cho tổ chức phát hành, chào bán và bán cho nhiều đối tượng nhà đầu tư bao gồm, nhưng không giới hạn, các nhà đầu tư là tổ chức, các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư là ngân hàng chưa đại chúng.
Các tổ chức đồng quản lý chính và tổ chức đồng quản lý sổ đăng ký đầu tư dự kiến là Credit Suisse (Singapore) Limited và Deutsche Bank AG, chi nhánh Singapore. Sau phát hành, trái phiếu của Masan sẽ niêm yết trên Sở GDCK Singapore (SGX – ST).
HĐQT Masan cũng quyết định giao cho ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ hoặc ông Nguyễn Thiều Nam – Phó Tổng GĐ của công ty tổ chức triển khai thực hiện và thực hiện các thủ tục liên quan.
Theo BCTC Quý 3/2016 của Masan, mặc dù là một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán nhưng tỷ lệ vay nợ dài hạn của Masan rất thấp, chỉ là 1.554 tỷ đồng. Trong khi đó, dự nợ trái phiếu có đảm bảo của Masan tính đến 30/9/2016 đã vượt 30.432 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2015, MSN đã từng thông qua một công ty con của mình là Masan Consumer Holdings (MCH) phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu với thời hạn 5 năm. Đây được coi là thương vụ phát hành trái phiếu lớn nhất của một công ty tư nhân trên thị trường vốn Việt Nam. MSN cho biết, tiền huy động được sẽ tối ưu hóa bảng cân đối kế toán hợp nhất của MSN, bao gồm cả việc trả nợ đối với các khoản nợ hiện hữu và giảm các chi phí khác do điều kiện thị trường đã trở nên thuận lợi hơn.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm kiếm vốn qua phát hành trái phiếu. Có thể thấy, phương thức này giúp doanh nghiệp huy động được dòng tiền với quy mô lớn với lãi suất ổn định trong một thời gian dài và có nhiều lợi thế hơn việc đi vay ngân hàng. Vì khi hành trái phiếu, doanh nghiệp có thể không cần dùng tài sản thế chấp, không phải chịu sự giám sát chặt chẽ, cũng như không cần phải có một “hồ sơ đẹp” để thuyết phục các nhà băng. Bên cạnh đó, với huy động bằng trái phiếu, doanh nghiệp có thể nhận toàn bộ vốn một lần để trả nợ, thực hiện dự án… thay vì phải giải ngân theo tiến độ nếu đi vay ngân hàng.