Lý do Su-35 Nga khiến Mỹ-NATO lạnh gáy

VietTimes -- The National Interest với tiêu đề “Không vội quan tâm đến máy bay tàng hình Nga, Su-35 mới là chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không đáng gờm”, nhà bình luận quân sự Sébastien Roblin đưa ra những đánh giá về chiếc Flanker – E và so sánh với F – 35, F-22 của Mỹ.
Máy bay tiêm kích siêu cơ động Su-35 đến Syria. Ảnh minh họa Rusian Gazeta
Máy bay tiêm kích siêu cơ động Su-35 đến Syria. Ảnh minh họa Rusian Gazeta

Sukhoi Su-35 Flanker-E là máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không hàng đầu của Nga hiện đang trong biên chế trang thiết bị không quân. Chiến đấu cơ này là đại diện cho đỉnh cao công nghệ thiết kế chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ 4. Su-35 vẫn sẽ chiếm đỉnh cao cho đến khi Nga đưa máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 PAK-FA Su-50 vào sản xuất dây chuyền và trang bị cho không quân.

Khả năng siêu cơ động của Su-35 khiến máy bay nay trở thành một chiến đấu cơ vượt trội tất cả các tiêm kích cùng loại. Tất nhiên, trong tương lai không xa, các cuộc không chiến có thể diễn ra trên phạm vi rộng lớn đến hàng trăm km, sử dụng những tên lửa tầm xa mới nhất như (R-77, Meteor, AIM-120). Trong trường hợp cận chiến có thể sử dụng những tên lửa tầm gần đa hướng tự dẫn như AIM-9X và R-74, không cần thiết phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu. 

Ngoài ra, tốc độ của Su-35 (cộng với tốc độ tên lửa) cùng khả năng mang tải trọng hữu ích lớn cho phép máy bay duy trì được vị thế chiếm ưu thế trên không trong chiến đấu ngoài tầm nhìn. Khả năng cơ động cao của Flanker-E và các hệ thống tác chiến điện tử có thể giúp máy bay thực hiện các kỹ năng cao cấp tránh tên lửa đối phương.

Đặc trưng điển hình của Su-35 là khả năng siêu cơ động vô song, hầu hết các trang thiết bị điện tử và vũ khí trên thân Su-35 đều ngang hàng, thậm chí tương đương hoặc hơn hẳn các chiến đấu cơ phương Tây, sánh ngang với F-15 Eagle. Nhờ tính năng cơ động hiệu quả, trong cận chiến máy bay có thể là một đối thủ quá nguy hiểm đối với F-15, Eurofighters và Rafales. Vấn đề còn lại là khả năng tác chiến hiệu quả các máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ như F-22 và F-35.

Lịch sử phát triển của Su-35

Su-35 là phiên bản hiện đại hóa sâu của Su-27 Flanker, được thiết kế vào thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh nhằm đáp trả tương xứng với thiết kế F-15 trong khái niệm: một máy bay tiêm kích không chiến đa năng hai động cơ mạnh kết hợp với tốc độ siêu âm, vũ khí đa dụng và siêu cơ động.

Chiếc tiêm kích Su-27 đã gây choáng váng cho khán giả Triển lãm Hàng không Paris năm 1989 khi thể hiện kỹ năng siêu cơ động Cobra của Pugachev. Su-27 nhấc mũi lên đến góc tấn 120 độ trong khi vẫn cơ động tiến theo hướng đường bay ban đầu của máy bay.

Các máy bay Su-27 được xuất khẩu cho nhiều nước. Flanker vẫn chưa trực tiếp giao chiến với các máy bay chiến đấu phương Tây, nhưng tham gia chiến đấu không đối không trong cuộc chiến biên giới giữa Ethiopia với Eritrea, bắn hạ 4 máy bay MiG-29 mà không bị trúng tên lửa. Su-27 cũng được dùng trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Lịch sử phát triển Su-35 khá gian truân. Chiếc Flanker được nâng cấp với những chiếc cánh trươc (cánh nhỏ bổ sung trên thân máy bay trước cánh nâng chính) được gọi là Su-35 xuất hiện đầu tiên năm 1989, nhưng không phải là cấu trúc giống như mô hình Su-35 hiện nay và chỉ có 15 chiếc được sản xuất. Một dòng Flanker nâng cấp khác, được gọi là Su-30 hai phi công, được sản xuất với số lượng lớn, những biến thể theo yêu cầu khách hàng được xuất khẩu sang gần 10 quốc gia.

Những chiếc Su-35 hiện tại không có cánh nhỏ điều khiển cơ động phía trước, được gọi là Su-35S và đây cũng là máy bay tiên tiến nhất của dòng Flanker. Su-35S được Hiệp hội sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO), một nhà thầu phụ của Sukhoi phát triển vào năm 2003. Những nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên được chế tạo năm 2007 và sản xuất dây chuyền năm 2009.

Dòng máy bay Flanker là siêu cơ động - có nghĩa là nó được thiết kế để thực hiện các thao tác điều khiển không tuân thủ các quy tắc khí động học thông thường. Trong Su-35, tính năng đặc trưng này một phần đạt được thông qua việc sử dụng động cơ lực đẩy vectơ: các vòi phun của động cơ phản lực Saturn AL-41F1S có thể độc lập quay theo các hướng khác nhau trong chuyến bay để hỗ trợ máy bay trong các kỹ thuật quay vòng, lộn nhào và dựng đứng. Chỉ có một máy bay chiến đấu phương Tây F-22 Raptor, có công nghệ động cơ tương tự.

Điều này cũng cho phép Su-35 đạt góc tấn rất lớn - nói cách khác, máy bay có thể di chuyển theo một hướng trong khi mũi máy bay lại hướng vào một hướng khác lên đến 120 độ. Một góc tấn lớn cho phép một chiếc máy bay dễ dàng điều khiển vũ khí trong một cuộc không chiến, tấn công một mục tiêu cơ động tránh né và thực hiện các thao tác chống ngắm phóng tên lửa.

Những kỹ năng siêu cơ động thường rất hữu ích khi tránh ngắm phóng tên lửa hoặc cận chiến - mặc dù bất kỳ máy bay nào với tốc độ thấp đều có thể thực hiện các kỹ năng siêu cơ động này.

Flanker-E có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 trên độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35 hoặc F-16), có khả năng tăng tốc tuyệt vời. Tuy nhiên Su-35 có thể không có khả năng bay hành trình siêu âm mà không sử dụng afterburners - động cơ phản lực tăng tốc, thường chỉ dùng trong chiến đấu. Trần bay của Flanker khoảng 18 km, ngang bằng với F-15 và F-22 và cao hơn mười nghìn feet so với Super Hornets F/A -18, Rafales, F-35.

Su-35 được tăng cường sức chứa thùng nhiên liệu, cho phép máy bay có tầm bay xa đến 2.200 dặm (3.218 km) sử dụng nhiên liệu trên thân, đến 2.800 dặm (4.500 km) với hai thùng dầu phụ bên ngoài. Khung máy bay được chế tạo bằng titan nhẹ hơn và động cơ có tuổi thọ dài hơn đáng kể so với máy bay tiền nhiệm Su- 30, khoảng 6.000 giờ bay so với 4,500 giờ bay. (Động cơ F-22 và F-35 được đánh giá là 8.000 giờ bay với điều kiện có được hậu cần kỹ thuật tốt).

Thân máy bay Flanker không được thiết kế theo công nghệ tàng hình. Nhưng việc, điều chỉnh các cửa hút gió và tán xạ sóng radar, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar cho phép giảm độ phản xạ hiệu dụng của Su-35 đến một nửa, độ phản xạ hiệu dụng của Su-35 được giảm xuống đến một hoặc ba mét vuông. Những tiến bộ này làm giảm phạm vi bị phát hiện và ngắm bắn, nhưng Su-35 không phải là một "máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5."

Vũ khí trang bị siêu tiêm kích Nga

Su-35 có 12 đến 14 điểm treo vũ khí trên thân và cánh, khiến tải trọng hữu ích hơn hẳn  so với 8 điểm treo trên F-15C và F-22, hoặc 4 tên lửa bên trong thân chiếc F-35.

Trong các trận không chiến tầm gần, phi công Nga sẽ sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại R-74 (định danh NATO: AA-11 Archer) có khả năng tấn công mục tiêu “tắt kính ngắm mũi máy bay - boresight” - đơn giản là bắn mục tiêu bằng kính ngắm quang ảnh gắn trên kính mũ bảo hiểm bay. Phi công có thể quay đầu ngắm bắn đối phương với góc bắn đến 60 độ từ hướng bay của máy bay. Tên lửa R-74 có tầm bắn hơn 40 km, động cơ phản lực tên lửa có thể sử dụng công nghệ lực đẩy vectơ.

Flanker – E được trang bị tên lửa tầm trung R-27 và tên lửa tầm xa R-37 (được gọi là AA-13 Arrow), tấn công các máy bay ngoài đường chân trời như máy bay cảnh báo sớm AWAC, máy bay tác chiến điện tử EW và máy bay vận tải, tiếp dầu trên không), đó là những vũ khí chủ yếu của tiêm kích Su-35.

Như những máy bay khác, Su-35 trang bị một khẩu pháo tự động hàng không 30 milimét, cơ số 150 viên đạn vạch dường hoặc cận chiến.

Flanker-E có thể mang đến 1700 pound (4,8 tấn vũ khí không đối đất). Trong quá khứ, Nga sử dụng hạn chế các vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao (PGM) so với các lực lượng không quân phương Tây. Nhưng hoàn toàn có khả năng sử dụng vũ khí chính xác trên quy mô lớn trong điều kiện Học thuyết quân sự và vũ khí mang theo thay đổi.

Phần tiên tiến đặc trưng nhất của Su-35 so với các phiên bản trước đây có thể là các trang thiết bị mới. Một trong những bộ khí tài gây lo lắng cho kẻ thù tiềm năng là hệ thống tác chiến điện tử L175M Khibiny, có thể gây nhiễu hoàn toàn đối với radar đối phương và khiến tên lửa tự dẫn lệch hương. Các tổ hợp EW gây khó khăn cho kẻ thù khi phóng đạn tấn công Flanker-E.

Được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động IRBIS-E (PESA), Su-35 hy vọng sẽ phát hiện và giám sát các máy bay tàng hình. Radar này có thể theo dõi cùng lúc 30 mục tiêu trên không với mặt phẳng độ phản xạ hiệu dụng của máy bay đối phương đến 3m2 trên khoảng cách đến 250 dặm và có thể tấn công chính xác một máy bay chiến đấu đối phương với mặt cắt  tương đương 0,1m2 trên khoảng cách hơn 50 dặm (80 km). Mặc dù vậy, radar thụ động PESA dễ bị phát hiện và gây nhiễu hơn các radar chủ động AESA hiện đang được các máy bay phương Tây sử dụng. IRBIS cũng có chế độ ngắm bắn không đối đất, có thể tấn công tối đa 4 mục tiêu mặt đất bằng tên lửa chính xác (PGM).

Tăng cường cho radar là hệ thống kính ngắm quang điện tử OLS-35 bao gồm bộ khí tài tìm kiếm và giám sát hồng ngoại (IRST) trong phạm vi năm mươi dặm (80 km) đây cũng là một đe dọa lớn cho các máy bay tàng hình.

Một số hệ thống khác không phải được sử dụng trong chiến đấu nhưng rất quan trọng như các màn hình đa chức năng tinh thể lỏng và hệ thống fly-by-wire điện tử cũng được nâng cấp hiện đại.

Đến thời điểm này, lực lượng Không quân vũ trụ Nga có 48 chiếc Su-35 đang trong biên chế. Khoảng 50 chiếc khác được đặt hàng vào tháng 01.2016, sẽ được sản xuất với tốc độ 10 chiếc mỗi năm. 4 chiếc Su-35 được triển khai đến Syria vào tháng 01.2016 sau khi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tấn công bắn hạ. Với hệ thống tên lửa không đối không đa tầm và khả năng không chiến vượt trội, Su-35 đưa ra một thông điệp rõ ràng, người Nga có thể phản ứng rất quyết liệt nếu bị tấn công.

Trung Quốc đặt mua 24 chiếc Su-35 với giá thành lên đến 2 tỷ USD, nhưng có thể sẽ không mua hơn. Bắc Kinh có thể tập trung vào việc sao chép các động cơ lực đẩy vector của Su-35 để nắm được bí mật và thiết kế cho riêng mình. Không quân Trung Quốc đã chế tạo Shenyang J-11, bản sao không phép của Su-27, nhưng động cơ vẫn mua của Nga.

Nga hiện đang chào hàng Su-35 ở nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil, những khách hàng tiềm năng. Cách đây không lâu, Indonesia muốn mua 8 chiếc trong năm nay, mặc dù việc ký hợp đồng đã bị trì hoãn nhiều lần. Algeria được cho là đang mua 10 chiếc với chi phí khoảng 900 triệu USD. Ai Cập, Venezuela và Việt Nam cũng là những khách hàng tiềm năng. Giá thành cho Su-35 khoảng từ 40 triệu đến 65 triệu USD. Trong các hợp đồng xuất khẩu, mức giá bình quân của Su-35 khoảng hơn 80 triệu USD/một máy bay.

Chống lại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm

Su-35 ít nhất là ngang bằng, nếu không nói là vượt trội các máy bay thế hệ thứ 4 tốt nhất của phương Tây. Nhưng một vấn đề rất quan trọng đối với lực lượng không quân NATO là Su-35 sẽ chiến đấu thế nào với máy bay tàng hình thế hệ thứ năm như F-22 hay F-35?

Khả năng siêu cơ động của Su-35 khiến máy bay có ưu thế hơn hẳn trong không chiến. Các cuộc chiến trên không trong tương lai có thể sử dụng các tên lửa tầm xa nhất như (R-77, Meteor, AIM-120) trên phạm vi rất lớn, cận chiến tầm gần có thể sử dụng các tên lửa đầu dẫn hồng ngoại như AIM-9X và R-74, không yêu cầu hướng mũi máy bay vào mục tiêu. Một ưu thế đặc trưng của Flanker – E là tốc độ của Su-35 rất lớn (cộng với tốc độ tên lửa) và khả năng mang tải trọng hữu ích lớn cho phép phi công có thể tự bảo vệ mình trong chiến đấu ngoài tầm quan sát. Siêu cơ động và bộ khí tài tác chiến điện tử của Flanker-E có thể giúp tránh tên lửa tầm xa của đối phương.

Cho đến thời điểm này, không có một cuộc chiến dù là giả định cho biết, công nghệ tàng hình chống lại đối thủ công nghệ cao hiệu quả như thế nào. Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 trong một trận cận chiến với Flanker-E sẽ gặp rắc rối lớn do sự linh hoạt của máy bay đối phương. Nhưng máy bay Nga có thể phát hiện ra chiếc F-35 trên khoảng cách nào và khoảng cách nào an toàn để F-35 hoặc F-22 phóng tên lửa tầm xa hoặc tầm trung tiêu diệt đối phương?.

Khi Không quân Mỹ phát hiện mục tiêu, máy bay tàng hình có thể phải phóng liên tiếp nhiều tên lửa trên khoảng cách đến 100 dặm, vùng mà máy bay đối phương không thể phản kích do không phát hiện được mục tiêu. Nhưng khi đến khoảng cách gần hơn, khi hệ thống quang điện tử hồng ngoại có thể phát hiện được mục tiêu, tình thế sẽ hoàn toàn thay đổi. Những người ủng hộ máy bay Nga cho rằng Su-35 có thể sử dụng các radar giám sát trên mặt đất tần số dài, hệ thống quang điện tử hồng ngoại IRST và radar PESA phát hiện các máy bay tàng hình. Nhưng theo các chuyên gia hàng không phương Tây, hai công nghệ radar tần số dài và quang hồng ngoại không chính xác và không thể được sử dụng để tấn công mục tiêu thành công trong nhiều trường hợp.

Các bên tranh cãi rõ ràng là đang đứng trên góc nhìn vững chắc về kinh tế và chính trị để bảo vệ quan điểm của mình. Các vấn đề về kỹ thuật cũng như chiến thuật không chiến cần có những đánh giá chi tiết, nhưng ưu thế chỉ có thể được giải quyết trong thực chiến. Điều đó vẫn chưa đủ, có các yếu tố khác như hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ, nhiệm vụ được giao, trình độ kinh nghiệm của phi công và môi trường tác chiến đóng một vai trò lớn trong việc xác định kết quả của một cuộc không chiến.

Su-35 hiện nay đang là máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không mạnh nhất từng được chế tạo và là phương tiện tấn công đường không bằng tên lửa hoàn hảo. Nhưng liệu S-35 có duy trì vị thế chiếm ưu thế trên không trong thời đại của công nghệ tàng hình, khi phải chiến đấu với những kẻ thù có ưu thế công nghệ tàng hình, vẫn là một câu hỏi lớn.

Tiêm kích siêu cơ động Su-35 bay biểu diễn ở  Paris Air Show năm 2013

* Sébastien Roblin là thạc sĩ chuyên ngành Giải quyết xung đột của trường Đại học Georgetown. Ông cũng là nghiên cứu viên trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và vấn đề tái định cư của người tị nạn ở Pháp và Mỹ. Ông hiện đang viết về an ninh và lịch sử quân sự cho War Is Boring.