Lý do châu Á 'hờ hững' với việc trừng phạt Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều nước châu Á có quan điểm khác với phương Tây liên quan đến lệnh trừng phạt và tẩy chay Nga khỏi các hội nghị quốc tế liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine làm tăng thêm sự bất ổn đối với quá trình toàn cầu hóa. Ảnh: Reuters
Xung đột Nga-Ukraine làm tăng thêm sự bất ổn đối với quá trình toàn cầu hóa. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu viên cao cấp Susan Thornton, Giảng viên tại Đại học Yale, Giám đốc Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Quốc gia về Chính sách Đối ngoại của Mỹ, bình luận trên diễn đàn Đông Á mới đây rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra thảm họa trên nhiều mặt. Cuộc xung đột và phản ứng của phương Tây đang làm tăng sự biến động của quá trình toàn cầu hóa vốn đã bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp tục diễn ra trong đại dịch COVID-19.

Nhưng so với các nước phương Tây, thái độ đối với cuộc xung đột và các tác động đi kèm được nhiều nước ở châu Á nhìn nhận có sự khác biệt. Các chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn tuân theo tầm nhìn của họ về hội nhập và hiện đại hóa khu vực. Mặc dù nhiều nước đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc để phản đối chiến dịch quân sự của Nga, nhưng chỉ một số ít quốc gia đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong khi một số khác công khai phản đối chế độ cấm vận.

Có lẽ, các quốc gia châu Á nói chung không thích xa lánh một cường quốc, đặc biệt là một quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn. Nhiều nước phụ thuộc vào Nga về khoáng sản, năng lượng, lương thực hoặc vũ khí, lo ngại về tác động của tình trạng thiếu hụt và tăng giá đối với những lĩnh vực kinh tế trong nước của họ. Trong chuyến thăm tới Washington vào cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu quan ngại rằng "cuộc xung đột sẽ dẫn đến sự đảo ngược đáng kể trật tự đa phương toàn cầu và gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia dựa vào toàn cầu hóa để duy trì nền kinh tế của họ".

Nhiều quan điểm ở châu Á cũng phản đối việc loại Nga ra khỏi các hội nghị quốc tế. Vào năm 2022, bốn hội nghị thượng đỉnh đa phương lớn, mà theo truyền thống có sự tham gia của Nga, sẽ được tổ chức tại Đông Á - BRICS, Hội nghị cấp cao Đông Á, G20 và APEC. Trung Quốc sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS vào cuối tháng 6 tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần như chắc chắn sẽ tham dự, vì các thành viên khác - Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã kiềm chế chỉ trích Nga.

Ba hội nghị cấp cao châu Á khác sẽ được tổ chức vào tháng 11, trong đó Campuchia đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á từ ngày 11-13/11. Trong khi ASEAN khó có khả năng loại Nga, nếu Mỹ tẩy chay hội nghị thượng đỉnh, Washington sẽ để lại khoảng trống cho Bắc Kinh.

Các cuộc tranh luận về sự tham gia của Nga đã bùng lên liên quan đến hội nghị G20, dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/11 tại Indonesia. Mỹ đã kêu gọi loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh này sắp tới. Nhưng G20 là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận và nhiều thành viên G20, trong đó có Trung Quốc, phản đối việc loại Nga tham gia.

Thái Lan sẽ đăng cai tổ chức APEC ngay sau hội nghị G20. Nếu không mời Nga tham dự, nước này phải đối mặt với thực tế là mục tiêu đặc trưng của APEC về hội nhập kinh tế khu vực sẽ suy giảm trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các chế độ trừng phạt chồng chất và hỗn loạn.

Do đó, các chính phủ ở châu Á, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, nay phải đối mặt với những lo ngại hơn nữa. Khi các đồng minh phương Tây hướng nội theo các cấu trúc G7, NATO và Quad (Bộ tứ), phần lớn các nước ngoài G7 với lợi ích riêng của họ có thể sẽ không đứng ngoài lề chờ đợi. Họ có khả năng sẽ tiến hành phương pháp tiếp cận "big tent" (tham gia một nhóm, trong đó có các nhóm nhỏ khác nhau với các quan điểm khác nhau, nhằm thu hút được nhiều sự ủng hộ hơn), để tối đa hóa các lựa chọn ngoại giao và tạo cơ họi để họ linh động hơn, đặc biệt là trong thời điểm không chắc chắn này.

Theo Báo Tin tức