Theo Reuters, ba quan chức Mỹ và các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh, nhưng vẫn không muốn hạn chế các hoạt động quân sự của Ukraine bằng cách hạn chế về mặt địa lý việc sử dụng vũ khí viện trợ. Do đánh giá quân đội Ukraine đã làm tốt hơn mong đợi, chính quyền Joe Biden và các đồng minh sẵn sàng cung cấp vũ khí tấn công tầm xa hơn, bao gồm lựu pháo M777 Howitzer. Tuần trước họ cũng tuyên bố sẽ chuyển giao tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine qua Đan Mạch. Các quan chức Mỹ thậm chí còn tuyên bố rằng chính quyền Biden đang xem xét cung cấp cho Ukraine các hệ thống phóng tên lửa đa năng nhiều nòng cơ động cao M142 (HIMARS) với tầm bắn mấy trăm km.
Nhưng Mỹ vẫn lo ngại về sự leo thang chiến tranh. Tuần trước, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo cuộc chiến đang đi theo một "hướng khó lường hơn và có khả năng xảy ra leo thang". Các quan chức Mỹ cho biết, Washington không có ý định trực tiếp chiến đấu với quân đội Nga và chỉ cung cấp thông tin tình báo then chốt để quân đội Ukraine có thể tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng. Một quan chức khác nói rằng giữa Washington và Kiev hiện đang có "sự đồng thuận" về việc sử dụng một số loại vũ khí viện trợ quân sự.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo phương Tây cung cấp cho Ukraine những vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga sẽ là một "bước đi quan trọng dẫn đến leo thang chiến tranh". |
Theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo phương Tây rằng việc họ cung cấp cho Ukraine những vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga sẽ là một "bước đi quan trọng dẫn đến leo thang chiến tranh".
Hiện Ukraine không thực hiện các cuộc oanh kích chiều sâu vào bên trong lãnh thổ Nga mà chỉ hành động ở biên giới. Một số nhà ngoại giao cho rằng, điều này cho thấy Kiev hiểu rõ mức độ nhạy cảm của các hoạt động xuyên qua biên giới. Jason Crow, một thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết ông không lo lắng về nguy cơ leo thang chiến tranh và điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo rằng Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga bên trong lãnh thổ của mình.
Douglas Lute, tướng ba sao và là cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cũng cho rằng có rất nhiều mục tiêu quân sự Nga ở bên trong Ukraine, không cho rằng Ukraine có thể dư dả năng lực tấn công qua biên giới, điều này cũng phù hợp với mục đích cung cấp vũ khí của phương Tây. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng nếu Ukraine thay đổi chiến lược và tấn công sâu hơn vào biên giới của Nga sẽ có nguy cơ gây chia rẽ chính trị trong NATO, tuy hiện chưa xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy điều này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba yêu cầu phương Tây cung cấp ngay cho Ukraine các hệ thống phóng loạt hỏa tiễn nhiều nòng. |
Trong khi đó, quân đội Nga hiện đang ráo riết tấn công Donbass từ nhiều hướng nhằm chia cắt và bao vây quân đội Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitro Kuleba hôm thứ Tư (25/5) nói tình hình ở Donbass rất tồi tệ và yêu cầu các nước phương Tây ngay lập tức cung cấp loại bệ phóng hỏa tiễn nhiều nòng. Ông nói, so với một tháng trước, tình hình vận chuyển vũ khí cho Ukraine đã được cải thiện đáng kể.
Ông Kuleba nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu quân đội Ukraine không nhận được ngay các bệ phóng hỏa tiễn (pháo phản lực) nhiều nòng. Ông cho biết việc không có các hệ thống này sẽ khiến Kiev không thể chiếm lại thành phố chiến lược Kherson và việc Nga tiếp tục kiểm soát Kherson có thể đe dọa miền trung và cảng Odessa ở tây nam Ukraine. Loại hệ thống phóng loạt hỏa tiễn nhiều nòng mà ông Kuleba đang đề cập đến là hệ thống M270 do Mỹ sản xuất, dùng để bắn đạn rocket hoặc tên lửa chiến thuật. Truyền thông Mỹ trước đó đưa tin, Nhà Trắng lo ngại việc cung cấp M270 sẽ khiến chiến tranh Nga-Ukraine leo thang nên đã từ chối yêu cầu của Kiev.
Hệ thống pháo phản lực nhiều nòng M270 hiện đại của Mỹ mà Ukraine đang muốn được viện trợ. |
Cùng ngày 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép cư dân của các tỉnh Kherson và Zaporozhye miền nam Ukraine do Nga kiểm soát được đăng ký nhập quốc tịch Nga thông qua một thủ tục được đơn giản hóa. Donetsk và Luhansk, các khu vực ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, đã triển khai kế hoạch tương tự vào năm 2019, với 770.000 trong số 950.000 người nộp đơn được chấp thuận nhập quốc tịch Nga.
Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài hơn 90 ngày, mặc dù trận chiến trên chiến trường vẫn bế tắc nhưng cả hai bên tham chiến đều đã bước vào giai đoạn khó khăn về nguồn lực và phải gồng mình chống đỡ.
Thượng viện của Hội đồng Liên bang Nga (Quốc hội) vào ngày 25/5 đã thông qua dự luật gây tranh cãi là bãi bỏ độ tuổi phục vụ tối đa, đồng nghĩa với việc những đàn ông trên 40 tuổi cũng có thể được gọi nhập ngũ. Ở Ukraine, mặc dù chính quyền Zelensky không ngần ngại "chiến đấu đến người cuối cùng", nhưng khi nền công nghiệp quân sự trong nước gần như bị quân đội Nga tiêu diệt và viện trợ quân sự của phương Tây là “khoa trương nhưng không thật”, việc cung cấp vũ khí đã trở thành vấn đề.
Ngày 26/5, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, ông Zaluzhne đã đăng một bài đăng trên trang blog cá nhân, kêu gọi các đối tác phương Tây đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí để tránh thương vong không đáng có cho quân đội Ukraine.
Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine Zaluzhne kêu gọi các đối tác phương Tây đẩy nhanh chuyển giao vũ khí để tránh thương vong không đáng có cho quân đội Ukraine. |
"Chúng tôi rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Chúng tôi chiến đấu vì từng tấc đất, từng khu định cư. Phương Tây đã cung cấp vũ khí và trang thiết bị để giúp chúng tôi đánh đuổi kẻ thù khỏi nhà của mình và chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ của họ. Nhưng hiện nay chúng tôi cấp thiết cần có vũ khí và thiết bị có thể tấn công kẻ thù từ khoảng cách xa. Xin đừng trì hoãn nữa, vì chậm trễ sẽ khiến những người bảo vệ hòa bình phải trả giá bằng sinh mạng của họ”.
Ông Zaluzhny cũng công khai video và ảnh chụp quân đội Ukraine học vận hành pháo tự hành CAESAR của Pháp với ý nghĩa của thông điệp rất rõ ràng: quân đội Ukraine cần ngay vũ khí hạng nặng hiện đại tương tự trên chiến trường, càng nhiều càng tốt.
Cùng ngày, Đại sứ Ukraine tại Đức, Andrei Mernyk, đã chế nhạo việc Đức chậm cung cấp vũ khí cho Ukraine trên trang blog mạng xã hội của ông bằng bức ảnh, một con ốc sên "ì ạch" với một viên đạn trên lưng, với chú thích: "Các vũ khí của Đức đã lên đường".
Đại sứ Ukraine tại Đức Melnyk giễu cợt viện trợ quân sự của Đức chậm trễ. |
Rõ ràng, Ukraine, nước tự cho là “đang chiến đấu ở tuyến đầu bảo vệ châu Âu”, luôn bất mãn và chỉ trích sự hỗ trợ và hiệu quả chi viện của các quốc gia “chiến hữu” ở hậu phương.
Tuy nhiên, sau khi làn sóng viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine đạt được thành công làm "cạn kiệt hàng tồn kho", các nước phương Tây (đặc biệt là các nước Trung và Tây Âu) được yêu cầu lấy ra các loại vũ khí chủ lực đang hoạt động của họ, hoặc chi thêm nhiều tiền để mua vũ khí tiên tiến “hiến tế” cho Ukraine, thì họ rất miễn cưỡng. Hơn nữa, nhiều nước châu Âu còn e dè, không muốn tiếp tục "góp lửa". Cuộc chiến kéo dài không dứt đã gây ra "tâm lý mệt mỏi", và cuộc khủng hoảng năng lượng cùng giá cả tăng vọt đã khiến dân chúng phàn nàn, những tiếng nói phản chiến ngày càng nổi lên ở phương Tây.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos đã kêu gọi chính quyền Kiev có những nhượng bộ phù hợp để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình, điều này cũng phản ánh suy nghĩ thực tế của một bộ phận đáng kể người dân trong xã hội phương Tây. Một số quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Zelensky, đã phản ứng mạnh mẽ với ý kiến của ông Kissinger. Tuy nhiên, tuyên bố rõ ràng của Kissinger chắc chắn đã dội gáo nước lạnh vào chính quyền Kiev - dựa vào tường tường đổ, dựa vào cây cây nghiêng, Ukraine phải đưa ra lựa chọn hợp lý của mình dựa trên thực tế địa chính trị, mặc dù lựa chọn này là tàn nhẫn và đau đớn.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger kêu gọi chính quyền Kiev có những nhượng bộ phù hợp với Nga để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình. |
Có lẽ do cảm nhận được những thay đổi trong xu hướng dư luận phương Tây, chính quyền Kiev đã bắt đầu mềm mỏng hơn trong những ngày này. Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba ngày 25/5 cho biết Ukraine không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho việc nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga. Tổng thống Zelensky cùng ngày cũng bày tỏ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với ông Putin, nhưng quân đội Nga cần phải rút về biên giới trước chiến tranh.
Cửa sổ cho các cuộc đàm phán hòa bình lại mở ra. Nhưng do lập trường có tính nguyên tắc của Nga và Ukraine vẫn còn những khác biệt lớn, cộng thêm sự cản trở của các nước lớn bên ngoài, liệu tiến trình đàm phán đã bị gián đoạn nhiều lần lần này có thể đạt được sự đột phá thực chất hay không vẫn là một ẩn số lớn.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu