Lý do các công ty dầu Mỹ không vội tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngành công nghiệp dầu Mỹ không mạnh tay tăng sản lượng để đối phó với "cơn khát" dầu toàn cầu. Theo các công ty dầu mỏ, nguyên nhân chính là áp lực từ Phố Wall.

Theo CNN, ngành công nghiệp dầu của Mỹ dường như không vội giải cứu những người tiêu dùng đang lao đao vì giá xăng tăng cao. Các doanh nhân trong ngành cho rằng Phố Wall phải chịu trách nhiệm cho việc này.

Trong nhiều năm, ngành công nghiệp dầu Mỹ đã chi bộn tiền nhằm tăng trưởng sản xuất toàn diện. Sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt. Điều này giúp duy trì giá ở mức thấp.

Nhưng rất khó để ngành công nghiệp duy trì lợi nhuận. Khi giá dầu sụt giảm, hàng trăm công ty dầu mỏ của Mỹ đã trượt tới bờ vực phá sản. Điều này khiến các nhà đầu tư yêu cầu những công ty còn tồn tại phải kiểm soát tăng trưởng.

Khi giá dầu lao dốc, hàng trăm công ty rơi vào cảnh phá sản. Ảnh: Reuters.

Khi giá dầu lao dốc, hàng trăm công ty rơi vào cảnh phá sản. Ảnh: Reuters.

Áp lực lớn từ Phố Wall

Hiện tại, các công ty dầu mỏ đang chịu áp lực lớn từ Phố Wall. Họ phải trả tiền cho cổ đông thông qua cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất.

"Kỷ luật vốn tiếp tục thống trị ngành công nghiệp", giám đốc điều hành tại một hãng dịch vụ dầu mỏ nói với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Dallas.

“Cổ đông và chủ nợ tiếp tục đòi lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình. Chỉ tới khi rõ ràng rằng giá năng lượng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, các công ty sẽ không đổ thêm tiền để đầu tư", vị giám đốc nói thêm.

Giá dầu đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008. Nhưng nguồn cung dầu của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước dịch.

Sản lượng dầu Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

Sản lượng dầu Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này đã sản xuất 11,6 triệu thùng dầu/ngày trong tuần 14-18/3, giảm 10% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, theo FED Dallas, giá dầu hiện đã cao hơn nhiều mức trung bình 56 USD/thùng mà các công ty dầu mỏ cần để có lãi.

Các công ty lớn hơn thậm chí chỉ cần mức giá 49 USD/thùng để thu lời.

Nhưng các doanh nhân và giới đầu tư không muốn tăng sản lượng quá nhiều, dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung và khiến giá giảm trở lại. Cổ đông cũng muốn công ty dùng lợi nhuận giữ lại để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, thay vì tái đầu tư nhằm nâng cao sản lượng.

Một giám đốc điều hành giấu tên đã chỉ ra những khoản lỗ lớn mà các cổ đông phải gánh chịu trong những năm gần đây. Thập kỷ qua, lĩnh vực năng lượng - chủ yếu là các công ty dầu khí - là những cổ phiếu hoạt động tệ nhất trên thị trường.

"Các nhà đầu tư đã đổ những khoản tiền lớn vào hoạt động khai thác dầu đá phiến, rồi nhìn giá dầu lao dốc mạnh, còn họ chẳng thu về được bao nhiêu", vị giám đốc giấu tên nói với CNN.

Khó tăng sản lượng nhanh

Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 4,33 USD/gallon.

Các chính sách môi trường thường bị coi là nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao. Nhưng những doanh nhân dầu khí Mỹ không xem đây là trung tâm của vấn đề.

Chỉ 6% doanh nhân tham gia cuộc khảo sát của FED Dallas cho rằng những quy chế giám sát của chính phủ là nguyên nhân chính khiến các công ty dầu hạn chế tăng sản lượng.

11% đề cập đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Phong trào ESG đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển vốn khỏi các công ty nhiên liệu hóa thạch và rót vào những công ty năng lượng sạch.

15% doanh nhân trong ngành dầu mỏ cho rằng nguyên nhân nằm ở những yếu tố khác, bao gồm sự thiếu hụt nhân sự và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

"Giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao cho đến khi người tiêu dùng Mỹ bị đẩy vào suy thoái", Giám đốc điều hành của một công ty dầu mỏ giấu tên

Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cũng bày tỏ sự quan ngại về các quy định và những chỉ trích nhắm vào ngành công nghiệp. "Từ Nhà Trắng, Đồi Capitol đến Phố Wall đều cho rằng dầu khí là một ngành công nghiệp đang chết dần và đáng được xóa bỏ", một vị giám đốc giấu tên nói với CNN.

Điều này có thể hủy hoại danh tiếng của ngành công nghiệp và gây tác động lớn đến lực lượng lao động. "Các quy định đang làm tổn hại và cản trở hoạt động sản xuất năng lượng của Mỹ", một giám đốc điều hành khác nhận định.

Tin tốt với người tiêu dùng Mỹ là nguồn cung dầu sẽ tăng. Chỉ số hoạt động kinh doanh quý I/2022 trong cuộc khảo sát của FED Dallas đã tăng vọt lên mức cao nhất 6 năm. Mức tăng được thúc đẩy bởi chỉ số sản xuất dầu tăng mạnh.

Nhưng tin xấu là sản lượng của các công ty dầu khí lớn tại Mỹ tăng rất khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình của các công ty dầu lớn trong quý IV/2021 và quý I/2022 là 6%. Còn những công ty nhỏ có thể đạt mức tăng trưởng lớn hơn nhiều, lên tới 15%.

Nếu các công ty dầu mỏ của Mỹ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không tăng sản lượng, giới phân tích cảnh báo giá năng lượng vẫn sẽ ở mức cao.

Theo một giám đốc được FED Dallas khảo sát, Mỹ cần tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023 để cân bằng cung và cầu toàn cầu.

"Có vẻ điều này sẽ không xảy ra. Như vậy, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao cho đến khi người tiêu dùng Mỹ bị đẩy vào suy thoái", người này cảnh báo.

Theo Zing News